ClockThứ Sáu, 26/08/2016 13:56

“Gập ghềnh” nuôi trồng thủy sản - kỳ 2: Hướng đến quy trình VietGAP

TTH - Trước yêu cầu hội nhập, không có con đường nào khác ngoài đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm đảm bảo sức cạnh tranh. Giải quyết tốt các yếu tố này sẽ tạo bước đột phá trong NTTS.

“Gập ghềnh” nuôi trồng thủy sản - Kỳ 1: Luẩn quẩn

Công ty cổ phần Chăn nuôi CP tổ chức cho khách tham quan thưởng thức tôm sạch

Sản xuất an toàn

Không chỉ xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa hiện nay cũng có yêu cầu cao về chất lượng, an toàn của sản phẩm thủy sản. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh-Châu Ngọc Phi cho rằng, việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng một phần do người dân “quyết định”. Người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất, biết nắm bắt, ứng dụng và tuân thủ các quy trình, công nghệ tiên tiến mới tạo ra sản phẩm đảm bảo cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

Một trong những quy trình NTTS đang được các cơ quan chức năng và người dân lựa chọn là mô hình VietGAP. TTKN đã triển khai một số mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo quy trình VietGAP, mang lại những thành công bước đầu. Nuôi tôm sú theo VietGAP được thí điểm tại xã Quảng Công (Quảng Điền), Phú Xuân (Phú Vang) với diện tích 2 ha; tôm chân trắng được thí điểm tại Ngũ Điền (Phong Điền) với diện tích 3.000m2. Qua 3-4 vụ thí điểm, tôm ít xảy ra dịch bệnh, phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 40-50 con/kg, năng suất bình quân 25-30 tấn/ha. Trong khi nuôi theo quy trình thông thường chỉ đạt bình quân từ 50-120 con/kg, sản lượng tối đa chỉ 20-25 tấn/ha, tỷ lệ, rủi ro dịch bệnh lại rất cao. TTKN còn triển khai thí điểm thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP với diện tích 1ha, lãi 100 triệu đồng/năm… Theo ông Châu Ngọc Phi, quy trình, quy định nuôi theo VietGAP khá nghiêm ngặt, hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích, hay các loại chất cấm, độc hại trong quá trình nuôi, mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học. Ứng dụng chế phẩm sinh học, ngoài có lợi cho môi trường còn giảm tối đa chi phí, mỗi lít chế phẩm EM chỉ 50 ngàn đồng, trong khi men vi sinh thông thường có giá 350 ngàn đồng... Hai vụ nuôi gần đây, một số hộ ở các xã: Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền) lãi từ 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng/vụ nhờ ứng dụng chế phẩm EM.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh cho rằng, nuôi theo quy trình VietGAP hạn chế tối đa xảy ra dịch bệnh. Nhưng ngoài việc tuân thủ các quy trình VietGAP, người dân cũng cần phải nắm vững các khâu kỹ thuật phòng ngừa, xử lý khi có dấu hiệu dịch bệnh xảy ra. Hơn ai hết, người dân phải tự trau dồi kiến thức, chủ động đi tham quan các mô hình hiệu quả để học tập, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm ứng phó, xử lý dịch bệnh. Bà con cũng cần phối hợp, kết nối với cơ quan thú y, ban ngành chức năng để được hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm phát hiện dấu hiệu các loại bệnh, cũng như các biện pháp xử lý an toàn…

Liên kết…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho cho rằng, liên kết trong quá trình sản xuất là “con đường” duy nhất quyết định thành công và phát triển bền vững trong NTTS. Trước hết, chính quyền địa phương phải vận động các hộ dân có sự hỗ trợ lẫn nhau, thành lập tổ, đội chung vốn sản xuất quy mô lớn, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng lúc có nhiều thành viên (trong một tổ, đội) thuận lợi cho công tác chăm sóc tôm, quản lý ao hồ và xử lý dịch bệnh. Điều quan trọng nữa là, khi thua lỗ, các hộ có điều kiện hơn trong việc tái đầu tư sản xuất…

Hạn chế của người dân là khả năng thiết lập các mối quan hệ để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Lâu nay, việc tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm đều do nông dân “tự bơi”, nên rủi ro cao. Tại mỗi vùng NTTS, nuôi tôm nói riêng cần tối thiểu một vài cơ sở, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Sản phẩm cũng cần có các thủ tục, xác nhận an toàn, đảm bảo chất lượng trước khi cung cấp cho các nhà phân phối… Điều này đòi hỏi người dân cần năng động, sáng tạo trong việc liên kết với các đầu mối, đại lý thu mua, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn, người nuôi tôm ở xã Phong Hải (Phong Điền) đã liên kết với chủ đại lý thu mua tôm Bé Thọ (ở Vĩnh Tu-Quảng Điền) để mượn vốn sản xuất khi cần và được tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết với các doanh nghiệp lớn cũng là một hướng mang lại hiệu quả NTTS mà người dân và chính quyền các địa phương đang hướng đến. Nhưng việc liên kết “ở tầm cao hơn” này đòi hỏi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc kêu gọi, có chính sách thu hút các nhà đầu tư. Với hình thức liên kết này, người dân có thể được hỗ trợ trong quá trình sản xuất, từ vốn, kỹ thuật, thức ăn, giống và bao tiêu sản phẩm... Điển hình như trước đây, UBND huyện Phong Điền đã liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm tôm chân trắng cho người dân Ngũ Điền. Công ty hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cung ứng giống, thức ăn… (của công ty) nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, kích cỡ theo yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Vốn vay sản xuất là yêu cầu bức thiết đối với người dân hiện nay. Năng lực tài chính của phần lớn hộ dân rất hạn chế, nên chỉ cần thua lỗ một vụ là trắng tay, không có khả năng tái đầu tư. Chủ tịch UBND xã Phong Hải Phan Khánh đề xuất, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn, đảm bảo năng lực sản xuất. Chính quyền địa phương và người dân cần liên kết, tiếp cận với các ngân hàng nhằm tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi. Các ngân hàng nên tạo điều kiện cho các hộ (tuân thủ quy định, tiêu chí sản xuất an toàn, có mối liên kết, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm) vay vốn mức tối đa, hoặc tương đương mức đầu tư cho mỗi mô hình/dự án. Đó cũng là nguyện vọng chung của xã Phong Hải, cũng như người nuôi tôm ở vùng Ngũ Điền và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024

Ngày 25/2, UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức lễ ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024. Sau tiếng trống xuất quân, đoàn tàu đánh bắt xa bờ rẽ sóng ra khơi, với hy vọng một năm thắng lợi, tôm, cá đầy khoang.

Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024
Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Ngày 25/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức tuyên truyền một số quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cho ngư dân trên địa bàn.

Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Đánh bắt xa bờ bội thu

Dù vẫn bắt gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đánh bắt thủy sản năm nay được xác định là năm gặt hái những kết quả đáng ghi nhận, với tổng sản lượng hơn 41 ngàn tấn.

Đánh bắt xa bờ bội thu
Chống rét cho thủy sản nuôi

Trong điều kiện thời tiết mưa rét kéo dài, ngành thủy sản đã tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Chống rét cho thủy sản nuôi
Return to top