ClockThứ Hai, 19/12/2016 14:11

Gập ghềnh tiêu thụ xăng E5

TTH - Doanh nghiệp chưa mặn mà, người tiêu dùng không quan tâm sử dụng xăng E5 là lý do khiến hoạt động kinh doanh, phân phối xăng E5 theo lộ trình trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn trầm lắng.

Tại các cây xăng vẫn rất ít người tiêu dùng chọn xăng E5

Chưa mặn mà

Quan sát tại cửa hàng xăng dầu (CHXD) của Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế nằm trên góc đường Hùng Vương- Nguyễn Huệ, nơi có lắp đặt cột bơm xăng sinh học E5, lượng phương tiện đến đổ loại xăng này dường như rất hiếm, hầu hết chỉ tập trung vào các cột xăng A92, A95. Anh Hồ Minh Kỳ, nhân viên bán hàng trao đổi, xăng E5 là hỗn hợp gồm 5% cồn ethanol và 95% xăng thông thường. Về chất lượng, xăng E5 được đánh giá tốt, tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu song nhiều người chưa hiểu hết công dụng của xăng E5 nên ngại sử dụng. Bình quân mỗi ngày, lượng tiêu thụ xăng E5 tại cửa hàng chưa tới 200 lít, chiếm dưới 5% tổng lượng tiêu thụ.

Qua thăm dò ý kiến người tiêu dùng, một nhân viên lái taxi trần tình: “Lâu nay mình chưa quen chọn xăng E5. Vì không biết chất lượng thế nào, ảnh hưởng đến động cơ xe ra sao, nên mình vẫn chưa yên tâm chọn dùng. Nhưng đến lúc nào hết bán các loại xăng thông thường chỉ bán xăng E5 thì buộc lòng mình cũng phải dùng thôi”.

Trong tổng số 123 CHXD trên toàn tỉnh, có 21 CHXD phân phối xăng E5, chiếm tỷ lệ 17,07%. Trong đó gồm 8/31 CHXD thuộc Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế; 5/5 CHXD thuộc Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế; 2/5 CHXD thuộc Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 2 và 6 CHXD thuộc DNTN Kim Sương, Chi nhánh Công ty Việt Ha Ly, DNTN Sơn Thủy, Công ty cổ phần Hương Thủy, Công ty TNHHMTV Ngô Đồng, Chi nhánh DNTN Ngô Đồng. Sản lượng xăng E5 bán ra trên địa bàn tỉnh trung bình đạt khoảng 414m3/tháng, trong khi đó sản lượng trung bình xăng A92 và A95 là 7.170m3/tháng. Trong đó, sản lượng Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế khoảng 149m3/tháng, Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế khoảng 210m3/tháng, Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 2 khoảng 55m3/tháng.

Theo lý giải của các đơn vị kinh doanh nguyên nhân doanh nghiệp chưa sốt sắng phân phối là do nhu cầu tiêu thụ xăng E5 không cao, hao hụt lớn trong bảo quản, hiệu quả kinh doanh thấp. Vì những lý do trên, đã có 5 CHXD tạm ngừng phân phối xăng E5. Ngay như Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế dù đã hoàn tất hồ sơ dự án lắp đặt trạm phối trộn xăng E5 với dung tích 200 m3/ngày tại Kho Cảng xăng dầu Chân Mây, nhưng do thay đổi về mặt công nghệ và nhu cầu thị trường xăng E5 còn thấp, nên hiện vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng.

Tại các cây xăng vẫn còn rất ít người tiêu dùng chọn xăng E5

Gỡ khó từng nút thắt

Hiện nguồn cung xăng E5 tại địa phương chủ yếu lấy từ các trạm phối trộn tại Đà Nẵng. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã chủ động rà soát cơ sở vật chất, cải hoán bồn bể phục vụ phân phối xăng E5. Đối với các CHXD xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cũng được yêu cầu thiết kế cột bơm phân phối nhiên liệu sinh học theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học E10 tại cửa hàng xăng dầu. Năm 2016, có 2 CHXD xây dựng mới được đưa vào phân phối xăng E5. Công tác quản lý chất lượng, đo lường nhiên liệu xăng, dầu nói chung và xăng E5 nói riêng cũng được thực hiện đảm bảo.

Mặc dù đã có những bước chuẩn bị tích cực theo chủ trương và tình hình thực tế của địa phương, song theo đánh giá của Sở Công thương, kết quả tiêu thụ vẫn còn hạn chế, chưa đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Sản lượng xuất bán xăng E5 trung bình mỗi tháng chỉ chiếm gần 5,8% so với xăng thông thường. Số cửa hàng bán xăng E5 đến thời điểm hiện tại chỉ chiếm 13% trong tổng số CHXD trên địa bàn, trong khi theo yêu cầu, lộ trình sản xuất, kinh doanh xăng E5, từ tháng 6/2016 phải đạt tối thiểu 50% số CHXD bán xăng E5 và 50% lượng xăng A92 được thay thế bằng xăng E5.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thẳng thắn góp ý, yếu tố lợi nhuận luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, nếu nhà nước không quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách mà để doanh nghiệp “tự bơi” thì rất khó để thực hiện theo đúng lộ trình đặt ra, mặc dù đây là một chủ trương đúng. Ví dụ rõ nhất là về giá. Hiện nay, chênh lệch giá giữa xăng E5 (16.520 đồng/lít) và xăng A92 (16.670 đồng/lít) quá thấp, chỉ 150 đồng/lít, chưa thực sự khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5.

Theo ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương, biết là còn nhiều khó khăn, nhưng phải gỡ từng nút thắt một để đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, lộ trình của Chính phủ, của tỉnh đề ra. Bên cạnh tuyên truyền lợi ích xăng E5, sở tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật vệ sinh, cải hoán bồn bể, trang thiết bị cung ứng nhiên liệu sinh học xăng E5 cho các CHXD trên địa bàn tỉnh, có chính sách giá khuyến khích các đại lý, CHXD tham gia phân phối nhiên liệu sinh học, đảm bảo đủ nguồn cung ứng xăng E5. cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, có chính sách giá bán lẻ xăng E5 thấp hơn hiện nay và có giá chênh lệch lớn hơn đối với xăng A92.

HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn

Mỗi năm, Sở Công thương đầu tư trên 1 tỷ đồng triển khai các đề án khuyến công (KC) địa phương, gồm hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật… Trong đó, hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, lễ hội là một trong những kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả, mang lại cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn
Phát triển thủy sản còn gập ghềnh - kỳ 1: Thiếu cả lượng lẫn chất

Giá trị sản xuất thủy sản tính riêng năm 2022 ước đạt 2.345 tỷ đồng, chiếm 32,2% so với toàn ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy, phát triển thủy sản có vai trò quan trọng, được xác định phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng. Tuy nhiên, tiến trình phát triển lĩnh vực quan trọng này còn lắm gập ghềnh.

Phát triển thủy sản còn gập ghềnh - kỳ 1 Thiếu cả lượng lẫn chất
Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản

Thời tiết bất thường, thị trường có nhiều biến động, kết nối sản xuất, tiêu thụ lỏng lẻo… khiến cho sản xuất nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ càng thêm bấp bênh, khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nông dân.

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản
Return to top