Thể thao

Gặp lại niềm tự hào không chỉ của bóng đá Huế

ClockThứ Năm, 31/07/2014 05:28
TTH - Người hâm mộ bóng đá Huế có 2 niềm tự hào lớn: Thứ nhất là lần đội bóng đoạt chức á quân quốc gia năm 1995; Thứ hai là danh thủ Lê Đức Anh Tuấn.
Lê Đức Anh Tuấn gặp lại các đồng đội cũ bóng đá Huế sau 12 năm. Ảnh: Phi Tân

Người Huế gọi Lê Đức Anh Tuấn bằng cái tên thân thiết Tuấn “ đầu bò” bởi cái đầu to khác người của anh. Trở về Huế sau 12 năm xa quê, Lê Đức Anh Tuấn nói rằng, anh rất vui khi một ai đó nhận ra anh và reo lên: “ A, Tuấn “đầu bò”!…

Những năm 80 của thế kỷ trước, Thành đoàn Huế sáng lập và tổ chức rất thành công giải bóng đá thiếu niên thành phố (gọi tắt là giải bóng đá TN). Từ giải bóng đá TN này, thể thao Huế đã phát hiện được những năng khiếu bóng đá như Lê Đức Anh Tuấn, Trần Quang Sang, Phan Văn Hòa, Dương Công Quốc, Hoàng Đình Nghĩa, Lê Minh Sỹ Hùng… Những cái tên sau này trở thành trụ cột của đội tuyển TT Huế đoạt chức á quân quốc gia 1995. Với riêng Lê Đức Anh Tuấn và Trần Quang Sang (tiền đạo số 1 của bóng đá Huế) thì giải TN những năm đó chỉ là những cuộc chơi học trò. Đôi bạn thân thiết Tuấn, Sang đã chọn con đường lập thân với việc trúng tuyển vào Trường cao đẳng TDTT Trung ương 2 - TP Hồ Chí Minh để học làm thầy giáo thể chất. Tốt nghiệp, cả hai anh về Huế.

Không tìm được việc làm, theo lời khuyên của ông Tống Viết Hồng đang làm cán bộ ở Đoàn Bóng đá Huế, Trần Quang Sang xỏ giày ra sân Tự Do tập đá bóng với các cầu thủ đội Huế; vài tháng sau, nghe lời khuyên của bạn, Lê Đức Anh Tuấn cũng quyết định đi đá bóng để đỡ buồn.

Năm 1995, Lê Đức Anh Tuấn cùng đội tuyển Huế đã làm nên lịch sử cho bóng đá Huế khi bất ngờ lọt vào trận chung kết giải bóng đá vô địch quốc gia gặp Công an TP Hồ Chí Minh của Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến. Không thể vô địch nhưng bóng đá Huế đã để lại một hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ cả nước. Với riêng người yêu bóng đá xứ Huế, giải bóng đá năm đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất cùng với sân cỏ trong cuộc đời. Cái tên Lê Đức Anh Tuấn hay Tuấn “đầu bò” cũng đã trở thành thần tượng mới trong lòng người hâm mộ bóng đá Huế.

Lê Đức Anh Tuấn là mẫu hậu vệ hiện đại lên công về thủ. Với cái chân trái rất dẻo của mình, Tuấn “ đầu bò” thường xuyên có những cú tạt bóng cầu âu chuẩn xác để tiền đạo ghi bàn, hay những pha đột phá từ biên vào trước vòng cấm và dứt điểm. Năm 1995, tại SEA Games 18, Lê Đức Anh Tuấn đã bước ra đấu trường bóng đá khu vực bằng một lối chơi cần mẫn nhưng rất đẹp mắt. Trận đấu mà anh nhớ nhất chính là chiến thắng 1-0 của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia ở vòng đấu bảng. Trận đấu đó, Lê Đức Anh Tuấn được giao nhiệm vụ kèm tiền đạo số 9 Widodo và anh đã thành công. Chắc nhiều người còn nhớ, hậu vệ số 2 của đội tuyển Việt Nam cũng đã có một pha cứu thua bằng đầu khi bóng đã qua khỏi tầm kiểm soát của thủ môn Nguyễn Văn Cường…Lê Đức Anh Tuấn là tuyển thủ quốc gia từ năm 1994 đến 1998. Trận đấu quốc tế cuối cùng của anh là trận tranh hạng 3 tại SEA Games 19. Anh nhớ lại: “Hồi đó phong độ mình rất tốt nhưng không hiểu vì sao BHL lại để mình ngồi dự bị suốt cả giải cho đến những phút cuối trận tranh hạng 3 gặp Singapore. Khi đó trận đấu đang là 0-0, ông Phan Anh Tú lúc đó là Trưởng đoàn tới dỗ dành mình: “Em cố gắng vào thi đấu vì màu cờ sắc áo chớ đừng có tự ái! Mình chỉ cười, với mình bóng đá là niềm vui mà vào sân là tìm niềm vui, có chi mà phải tự ái. Chỉ vào sân chừng mấy phút mình đã có cú chuyền dài cho Lê Huỳnh Đức làm tường đánh đầu để Nguyễn Phúc Nguyên Chương có cú sút để đời ấn định tỷ số trận đấu…”. Đó cũng là dấu ấn rất đẹp cuối cùng của một hậu vệ tài hoa bóng đá Việt…

Lê Đức Anh Tuấn bây giờ đã bước vào tuổi 45 và cũng không còn mấy hào hứng để nói về bóng đá. “Với tôi bóng đá chỉ còn là ký ức...”, Tuấn đã nói như vậy. Năm 2001, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư và năm 2014 này là lần thứ hai anh cùng gia đình trở về Huế. Sang Mỹ, cựu hậu vệ bóng đá Việt Nam làm công nhân ở một nhà máy chế tạo linh kiện của hãng máy bay Boeing. Anh kể: “Công việc khá vất vả, phải đi làm từ 6 giờ sáng đến chiều tối mới về nhà. Mà về nhà thì lo chuyện đón con… Tôi cũng không còn chơi bóng đá kể từ ngày sang Mỹ…”. - Anh vẫn thường cập nhật tin tức bóng đá quê nhà chứ? Tôi hỏi: “Mình cũng thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam qua các báo mạng. Buồn là bóng đá Huế bây giờ không thấy ai nhắc đến nhiều nữa. Thỉnh thoảng chỉ có vài dòng tin ngắn… Còn bóng đá Việt Nam chậm phát triển cũng vì thiếu chuyên nghiệp. Về nước nghe chuyện một đội bóng có đến 6 cầu thủ tổ chức mua bán độ thấy ngao ngán quá. Thời của chúng tôi làm chi có chuyện đó. Nhớ lần đạt chức á địch quốc gia, mỗi cầu thủ được thưởng một chiếc xe Dream; có đứa đá dự bị chỉ được thưởng “nửa” chiếc, phải xin tiền ba mẹ cho đủ, cho bằng đồng đội…”

Lê Đức Anh Tuấn còn nói thêm: “Anh em nói chuyện vui thôi chứ đừng đưa lên báo làm chi…”. Nhưng tôi lại nghĩ khác, một cầu thủ từng là niềm tự hào của bóng đá Huế, một hậu vệ trái toàn năng thuộc loại hiếm của bóng đá Việt đã hết mình vì sân cỏ, vì tình yêu của người hâm mộ như anh xứng đáng có chỗ đứng trong ký ức của những người yêu bóng đá Huế cũng như bóng đá Việt Nam. Đã hơn một thập kỷ trôi qua, Tuấn “đầu bò” vẫn cái giọng Huế chay đặc sệt, vẫn cách nói chuyện lịch sự và thật thà… Hình như những người làm bóng đá ở Huế và cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam đang nợ anh một lời cảm ơn vì những gì mà anh đã cống hiến cho bóng đá nước nhà những năm tháng của tuổi thanh xuân…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn chuyên môn cho hướng dẫn viên bơi lặn

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn, ngày 22/4, Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với Tổ chức Hue Help tổ chức lớp tập huấn chuyên môn người hướng dẫn tập luyện môn bơi, lặn cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh.

Tập huấn chuyên môn cho hướng dẫn viên bơi lặn
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Tranh tấm vé Olympic Paris 2024:
Cơ hội vẫn còn cho đô vật Nguyễn Thị Mỹ Trang

Cùng với Nguyễn Thị Xuân, tuyển thủ Nguyễn Thị Mỹ Trang của Thừa Thiên Huế đã có cơ hội để tranh tấm vé Olympic Paris (Pháp) 2024 nhưng tiếc là chúng ta chưa thành công.

Cơ hội vẫn còn cho đô vật Nguyễn Thị Mỹ Trang
Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024

Từ mờ sáng 21/4, Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024 do Báo VnExpress phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức, được chính thức khởi tranh tại TP Huế thơ mộng.

Lan tỏa Giải chạy VnExpress Marathon Imperial Huế 2024
Ra “sông lớn” với thầy nội

Không phải ngẫu nhiên mà ông Hoàng Anh Tuấn được chọn mặt để “gửi khó”, dẫn dắt tuyển U23 Việt Nam dự Vòng chung kết U23 châu Á 2024 sau khi HLV Troussier bị cắt hợp đồng. Ông thầy người Khánh Hòa từng đưa đội U20 Việt Nam lần đầu tiên vào đến Vòng chung kết World Cup U20 năm 2017. Năm 2023, ông Tuấn cũng giúp đội U23 Việt Nam vô địch Đông Nam Á.

Ra “sông lớn” với thầy nội
Return to top