ClockThứ Ba, 18/06/2019 13:15

Gặp lại nữ huyện ủy viên thời chiến

TTH - Trong bài “Hỏa Chăm - Căn cứ lõm trong kháng chiến” đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số 7579, ngày 25/4/2019, chúng tôi từng dẫn trường hợp bà Nguyễn Thị Nghệ, Huyện ủy viên Phong Điền. Nghe bà kể, càng thấy được cuộc chiến tranh của quân dân ta ngày ấy gian khổ mà kiên cường.

Hỏa Chăm - Căn cứ lõm trong kháng chiến

Bà Nguyễn Thị Nghệ (ảnh chụp năm 1973). Ảnh: Tư liệu

Bà Nghệ quê ở thôn Tân Hội, xã Điền Môn, sinh năm 1950. Bà nhớ lại: "Mùa mưa năm 1967, do địch tổ chức lùng sục, để tránh bị phát hiện, tôi cùng với chị Trần Thị Huê và anh Nguyễn Phương Nguyên (quê ở Phong Chương) phải nấp chung một hầm ở khu vực bến Cụt, làng Kế Môn. Trời mưa to, nước trong hầm dâng cao đến ngực, đến cổ, khiến chúng tôi ngột ngạt và căng thẳng. Địch rút, chúng tôi tìm vào nhà dân. Thấy chúng tôi tím tái, bà con làng Kế Môn đốt lửa sưởi ấm, cho quần áo để thay, nấu cơm cho ăn và động viên, nhất là hai chị em chúng tôi vì tuổi đang thì con gái nhưng đã sớm “nằm gai nếm mật”.

Năm 1968, bà Nghệ trở thành Chi ủy viên, phụ trách Chi hội Phụ nữ xã Phong Thạnh (gồm các xã Ngũ Điền ngày nay).

Thời điểm này là cuối tháng giêng năm Mậu Thân. Trong chiến dịch Xuân 1968, hàng trăm chiến sĩ của ta bị thương, khi về đến Triều Dương - Vĩnh Nậy (Phong Hiền) thì được tổ chức đưa sang Điền Môn sơ cấp cứu, dưỡng thương. Trên cương vị của mình, bà Nghệ vận động các mẹ, các chị tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc, cứu chữa cho các thương binh.

Đề phòng bất trắc, Chi ủy Phong Thạnh đã vận động Nhân dân ra vùng rú Kế Môn, Vĩnh Xương  đào hầm tránh phi, pháo. Những thương binh sau khi được cấp cứu đều lần lượt được ra khu vực này để chờ lực lượng về đón lên hậu cứ.

Sau đợt tổng công kích, ta rút lui. Địch một mặt tiến hành phản kích, mặt khác tiến hành chương trình bình định nông thôn. Phần lớn dân ở đồng bằng và ven biển đều bị dồn về các ấp Tân sinh (nơi chúng gom dân về một nơi để dễ bề kiểm soát- một dạng “tách cá ra khỏi nước” ngăn không cho người dân cung cấp tình hình hay tiếp tế cho cán bộ cách mạng). Riêng dân của 2 xã Phong Thạnh, Phong Phú, chúng ép về sống tập trung ở vùng Thuận An (Phú Vang). Cán bộ du kích nằm vùng thì không có nước uống vì chúng đã thả lựu đạn màu xuống các giếng nước. Dù vậy, đội ngũ cán bộ trung kiên của Phong Thạnh vẫn bám trụ địa bàn.

Tháng 7/1968, một trung đội vũ trang về đóng quân ở thôn Tân Hội. Bà Nghệ cho biết: Sau khi nhận tin nội tuyến, chúng tôi tìm cách báo cho Trung đội trưởng Hải đề phòng địch sẽ tập kích, nhưng tờ mờ sáng hôm sau, tiếng súng, lựu đạn đã nổ liên hồi. Cả trung đội vũ trang bị xóa xổ do phần lớn hy sinh hoặc bị bắt, không một ai thoát khỏi. Suốt cả ngày hôm đó, địch cho đốt sạch những ngôi nhà còn lại dù dân đã về Thuận An sinh sống.

Để bảo toàn lực lượng, cuối năm đó, bà Nguyễn Thị Nghệ được rút lên A Vao (nay thuộc địa phận nước CHDCND Lào) - hậu cứ của Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên. Các xã vùng biển của Phong Điền kể từ thời điểm đó không còn cán bộ cách mạng bám trụ.

Theo hồi ức của cựu Bí thư Huyện ủy Phong Điền Lê Sáu: "Tháng 12/1968, chúng tôi đã tổ chức họp ở dốc Kụ. Ban Thường vụ Huyện ủy đã trao đổi, thống nhất thành lập Đội công tác vùng biển (có điều động một số cán bộ Phong Chương tăng cường) gồm 10 người và cử đồng chí Nguyễn Phương Nguyên, Huyện ủy viên làm Đội trưởng. Đến tháng 9/1969, đồng chí Nguyên và một số cán bộ trong đội hi sinh nên Huyện ủy quyết định tạm thời chưa cử ai về”.

Mãi đến năm 1970, khi tình hình bớt căng thẳng, Huyện ủy Phong Điền đã điều bà Nguyễn Thị Nghệ từ A Vao về lại đồng bằng bám trụ ở rú Hỏa Chăm-Phong Bình.

Từ đây, bà Nghệ sang Phong Chương, được  giao nhiệm vụ tìm cách nắm tình hình  bên kia phá Tam Giang và bám trụ cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.

Từ một Huyện ủy viên, bà Nguyễn Thị Nghệ được bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền, phân công trực tiếp chỉ đạo 2 xã vùng biển Phong Thạnh và Phong Phú ở bên kia phá Tam Giang.

Sau ngày hòa bình, bà Nghệ thường dành thời gian để về tận nơi thăm hỏi, động viên những người chở che, giúp đỡ mình trong những tháng năm gian nguy, bởi theo bà, thủy chung, son sắt  trong lúc nguy biến mới là đáng quý và trân trọng.

Phạm Hữu Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập?

Vào dịp Quốc khánh năm nay, tôi có dịp chuyện trò với ông Lê Hữu Tòng, nguyên Quyền Huyện đội trưởng Hương Thủy - người mà tôi đã thực hiện một loạt bài giới thiệu về những chiến công, thành tích của ông và được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải.

Vì sao ông Lê Hữu Tòng chưa được tặng Huân chương Độc lập
Hào hùng "Giai điệu Tổ quốc"

Tối 29/4, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc".

Hào hùng Giai điệu Tổ quốc
Vang vọng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Ngày 18 - 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Người soạn thảo.

Vang vọng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến
Return to top