ClockChủ Nhật, 11/06/2017 06:21

Ghi ở cột mốc 673

TTH - Dốc dựng đứng. Lối đi chỉ vừa đặt bàn chân, một bên cây rừng rậm rịt, gai góc, bên kia là vực sâu. Những mỏm đá trơn trượt chênh vênh. Chân bấm chặt vào đá, vào đất… Đó là bước chân của bộ đội biên phòng (BĐBP) trong những chuyến tuần tra gian nan.

Sau nhiều tháng đắn đo trước nỗi sợ hãi dốc cao, vực thẳm, rắn, vắt... tôi quyết định “ngỏ ý” được theo chân BĐBP đi tuần tra đến mốc quốc giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào. Đích thân Trung tá Trần Văn Tuyển, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đưa tôi đến Đồn Biên phòng Hương Nguyên (giáp tỉnh Quảng Nam) để “đầu quân”, thực hiện chuyến tuần tra đến cột mốc 673.

Phút nghỉ chân giữa rừng

Đường đến cột mốc

Gần 5 giờ chiều, Đồn Biên phòng Hương Nguyên (A Lưới) hiện ra trong sương trắng. Trung tá Hồ Sỹ Hòa, Đồn trưởng và Đại úy Hồ Xuân Trình, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ đón tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. Tỉnh giấc trước tiếng kẻng báo thức, tôi mặc bộ quân phục lính biên phòng, dép nhựa rọ, tất, buộc chặt xà cạp chống vắt.

Đúng 6 giờ sáng, đội tuần tra do Trung úy Hồ Viết Lê Hoàn, Đội trưởng Đội trinh sát dẫn đầu, tập hợp giữa sân đồn. Trước giờ xuất phát, Trung tá Trần Văn Tuyển và Trung tá Hồ Sỹ Hòa dặn đi dặn lại: “Phải giữ an toàn tuyệt đối, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Xe đơn vị thả chúng tôi tại vị trí sẽ cắt rừng. Trung úy Hồ Việt Anh cầm rựa đi đầu, phát gai góc, dây leo “thông” đường. Mọi người nối nhau cúi thấp, luồn qua lối đi nhỏ giữa rừng già rậm rạp. Trên lớp lá mục, những con vắt thấy “mùi” người, loe ngoe khiến tôi chết khiếp. Nhưng sau đó tôi mới biết, nỗi sợ vắt thật nhỏ nhoi đối với nỗi hoảng hốt lúc đứng trước vách núi cheo leo với những mô đá phủ đầy rêu chìa ra lởm chởm, chênh vênh. Một bên là vực. Mới nhìn thôi đã xây xẩm mặt mày, làm sao đi? Thế nhưng, tôi “tròn mắt” khâm phục khi một chiến sĩ dày kinh nghiệm, chụm ngón tay níu vào vách, bấm mũi bàn chân vào mô đá, đứng vững. Anh chìa tay để người sau làm điểm tựa. Những bàn tay đồng đội cứ thế nối dài, vững vàng. Tôi nắm chặt. Bàn tay chiến sĩ truyền vào tôi niềm can đảm, để bắt đầu từng bước về phía trước.

Từng nghe kể các chuyến BĐBP tuần tra biên giới, đường đến những cột mốc không tính bằng km mà tính bởi bao nhiêu dốc, bao nhiêu suối, thác… bao nhiêu lần các anh cởi áo vắt bớt mồ hôi. Vậy nên, tôi đã chuẩn bị tâm thế. Nhưng khi “lội” rừng, hoảng và ngợp là những cảm xúc “đánh trống” trong ngực tôi. Vừa vượt qua vách núi chưa bao lâu, trước mặt đã là dốc cao gần như dựng đứng, cây rừng ken vào nhau tầng tầng lớp lớp. Trong đầu tôi lại quay cuồng tự hỏi “làm sao đi?”.

Trung úy Hồ Việt Anh tiền trạm. Tiếng rựa phát dây leo mở lối xa dần rồi nhòa đi phía sau bản hòa âm của muôn loài côn trùng, phía sau điệp trùng cây lá, phía sau những ô nắng hiếm hoi. Cả đội tranh thủ đứng nghỉ. Bỗng dưng tôi thấy lạnh. Thì ra, chiếc áo pull đang mặc đã ướt đẫm, mà mồ hôi vẫn túa ra ròng ròng. Mấy chiến sĩ cười bảo, chặng đường đã qua “chưa là gì”. Bởi càng lên gần cột mốc, dốc càng đứng, đường càng khó đi.

Tiếng “hú” báo hiệu của Việt Anh từ vách rừng xa xôi vọng xuống, báo đã xác định đúng hướng. Trung úy Hồ Viết Lê Hoàn “lệnh” theo dấu “hoa tiêu” tiếp tục cắt rừng. Chúng tôi nối nhau, lựa vị trí đặt mũi chân, lúc cúi, lúc nghiêng để lách người, níu nhành cây bươn lên. Dây gai sượt trên áo soàn soạt. Bàn tay tôi đột nhiên đau nhói, tứa máu. “Thủ phạm” là cây lách, lá sắc như dao. Hơn nửa dốc, mũi, miệng tôi tranh nhau thở. Chiếc áo lính biên phòng mặc phía ngoài đã ướt sũng. Một chiến sĩ ân cần đưa tôi chai nước kèm nụ cười cũng đẫm mồ hôi. Dốc nối dốc. Chân càng lúc càng nặng như đeo thêm tảng đá lớn...

Xúc động chào cột mốc

Thiêng liêng

10 giờ sáng, sau mấy tiếng đồng hồ gian truân, chúng tôi đến con dốc cuối cùng. Trên đỉnh dốc là cột mốc 673, một trong tám mốc quốc giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Hương Nguyên. Đây là chặng đường khó nhất. Dốc dựng đứng. Lối đi chỉ vừa đặt bàn chân, một bên cây rừng rậm rịt, gai góc, bên kia là vực sâu. Nếu sẩy chân thì... Nhưng ánh mắt của những chiến sĩ biên phòng can trường như tiếp thêm động lực, tôi hít không khí đầy căng ngực, ngón chân bấm chặt, mắt nhìn về phía trước và bước tiếp...

“Cột mốc đây rồi!”. Đúng 11 giờ, vang lên tiếng reo đầy vui sướng. Khi ánh mắt chạm vào cột mốc uy nghi khẳng định vững chải chủ quyền Tổ quốc, chạm vào hai chữ VIỆT NAM bằng sơn đỏ, trong thẳm sâu tim tôi vỡ òa nỗi tự hào, yêu thương. Dâng nén tâm hương lên mảnh đất thiêng liêng, cả đội sắp thành hàng nghiêm trang, đưa tay chào cột mốc. Giây phút đó, tôi nhớ giọt nước mắt xúc động của cha trước mộ phần người anh ruột nằm giữa hàng vạn đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ. Bác tôi đã ngã xuống trong những ngày Quảng Trị rực lửa thời chống Mỹ, mãi mãi tuổi hai mươi. Qua các cuộc chiến tranh giữ nước, biết bao người con ưu tú để lại mẹ già, con thơ, để lại tuổi thanh xuân, hiến dâng máu thịt cho non sông. Hương hồn các liệt sĩ hòa quyện đã làm nên hồn thiêng sông núi.

Thế nên giây phút này tôi càng hiểu, dù dốc cao hay vực sâu, dù gian nan, vất vả muôn trùng, thì bước chân của các anh vẫn ngày đêm tuần tra suốt những dải biên cương, nối tiếp cha anh, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bảo vệ bình yên cho Nhân dân, Tổ quốc.

Điểm tựa

Kim đồng hồ nhích qua khỏi con số 12 giờ trưa, cũng là lúc đội tuần tra Đồn Biên phòng Hương Nguyên đứng nghiêm chào cột mốc trước khi lên đường trở về. Đang nắng, trời bỗng mây vần vũ, sấm sét đùng đùng. Gió luồn nghe ù ù. Tôi hoảng hốt. Đại úy Đậu Công Dũng bảo “chị đừng sợ”, đồng thời đưa tay cho tôi “mượn”. Bàn tay của các anh đã làm điểm tựa để tôi có thể vượt qua vách núi, vượt dốc, bây giờ nắm chặt để tôi yên tâm đi trong giông gió.

Mưa. Càng lúc mưa càng nặng hạt. Rừng tối sầm. Cả đội nối nhau đi trong mưa rừng, ba lô, quần áo ướt sũng. Dốc đứng leo lên mệt bao nhiêu thì lúc này đi xuống khó gấp bội phần bởi bùn đất trơn trượt. Tôi liên tục “vồ ếch”, lưng chà xuống đất bùn. Bây giờ, tôi không còn bận tâm có bị bọn vắt đáng sợ bu bám hay không, cũng như mặc kệ gai đâm bật máu, mà cố gắng không để những cú ngã bứt khỏi bàn tay Dũng đang giữ chặt tay tôi. Bởi thật nguy hiểm nếu trượt xuống vực.

Xuống hết vách rừng, chúng tôi xuôi theo dòng suối. Trận mưa rừng khiến con suối hiền lành ban sáng trở nên hung dữ. Gặp nhiều khúc nước xiết đổ xuống thành dòng thác trắng xóa, chúng tôi phải di chuyển qua bờ đá cao cheo leo, trơn trượt. Tôi bấm ngón chân thật chặt vào đá, đôi lúc quên cả thở. Mưa đã tạnh, nhưng rừng vẫn tối. Đưa tay vuốt mặt, thấy xung quanh lá rừng nhòa đi. Chỉ ngay bên tôi, thật rõ những gương mặt can trường của Tuấn, Nhân, Dũng, Hoàn, Việt Anh..., những chiến sĩ biên phòng đồng cam cộng khổ, vượt qua bao gian nan, thực hiện nhiệm vụ, tuần tra đến mốc quốc giới khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh đã làm điểm tựa để tôi có thể hoàn thành chuyến đi vô cùng đặc biệt ý nghĩa. Cũng như đã, đang và sẽ mãi là điểm tựa vững chải để người dân nơi mảnh đất biên cương yên tâm lao động sản xuất, làm ăn sinh sống.

Tuyến biên giới Việt-Lào (địa bàn huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) do BĐBP tỉnh quản lý gồm 12 xã biên giới, 84 km đường biên, 39 mốc quốc giới. BĐBP tuần tra đơn phương 1 tháng 1 lần đến 1 mốc; 3 tháng tuần tra song phương 1 lần. Khi cần, các anh thường xuyên lên đường tuần tra đến các cột mốc, tuần tra đường biên (từ cột mốc này đến cột mốc khác).

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa

Đội chiếu phim lưu động Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa và doanh trại quân đội tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim phục vụ nhu cầu giải trí của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa
Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên

Ngày 16/3, Ban Thường vụ Huyện đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Phú Lộc phối hợp với Đoàn TNCSHCM Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đoàn Học viện Âm nhạc Huế; Khoa Luật hành chính - Đại học Luật- Đại học Huế tổ chức chương trình hoạt động “Tháng thanh niên, tháng Ba biên giới” và ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh năm 2024.

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên
Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới

Chiều 14/3, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh do Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện- Cơ động và nói chuyện truyền thống với 115 chiến sĩ mới (CSM) đang được huấn luyện tại đơn vị.

Tiếp lửa truyền thống cho chiến sĩ mới
Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”

Ngày 10/3, tại xã Lâm Đớt, huyện biên giới A Lưới, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Báo Người Lao động tổ chức chương trình “Tháng Ba biên giới” với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hơn 300 người dân, đoàn viên, thanh thiếu nhi huyện A Lưới và cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên BĐBP tỉnh tham gia chương trình.

Nhiều hoạt động ý nghĩa “Tháng Ba biên giới”
Return to top