ClockThứ Hai, 10/10/2016 14:07

Gia đình chị Hoàng Diễm Thi cần sự chia sẻ

TTH - Chị Hoàng Diễm Thi chậm rãi kể lại niềm vui của gia đình họ ngày đón đứa con trai đầu lòng là em Đoàn Duy Thông, học sinh lớp 3/4 Trường tiểu học Tây Lộc (TP. Huế).

Chuyện sinh con vốn là niềm hãnh diện của mọi phụ nữ, nhưng với chị Thi đó như một kỳ tích. Chị bị bệnh tim hẹp hở van 2 lá bẩm sinh, bác sĩ khuyên không nên sinh con.

Mẹ con chị Thi ngày Duy Thông được về nhà

Khát vọng làm vợ, làm mẹ trong chị cũng như bao phụ nữ khác. May mắn tìm được người đàn ông chấp nhận sự không hoàn hảo về sức khỏe của mình, chị Thi liều mình 2 lần vượt cạn sinh được 2 cậu con trai khôi ngô. Niềm vui kéo dài chưa lâu thì con trai út của họ là cháu Đoàn Duy Anh, sinh năm 2012 phát bệnh hen xuyễn mãn tính, cứ mùa đông đến là bệnh trở nặng, thời gian cháu ở viện nhiều hơn ở nhà. Từ ngày có thai Duy Thông, chị Thi phải nghỉ việc ở Công cổ phần May mặc Huế do sức khỏe yếu, một mình chồng chị lo cho 4 miệng ăn bằng đồng lương gia công hàng mộc mỹ nghệ khoảng 150 nghìn đồng/ngày, đã vất vả lại càng vất vả hơn. Không phụ giúp được kinh tế, chị vun vén cuộc sống chu toàn, trân trọng những gì mình đang có. Niềm vui lớn của họ là những tờ giấy khen về thành tích học tập hàng năm của Duy Thông.

Số phận cay nghiệt cứ giáng xuống ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Khánh Dư. Cuối tháng tư năm nay, Duy Thông nhiều lần cảm thấy mệt mỏi, có lúc đau quá em phải khóc. Ba mẹ em dự định sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ II sẽ đưa em đi khám bệnh. Cũng đúng ngày thi cuối thì em bị ngất, mẩn đỏ cũng nổi khắp người, bác sĩ lắc đầu báo tim em bị ung thư máu giai đoạn cấp tính. Vợ chồng chị Thi bàng hoàng trước hung tin, họ vẫn biết với y học thì bệnh của con trai gần như “vô phương cứu chữa”, nhưng họ đặt niềm tin vào 4 chữ “may thầy phước chủ” để cùng con trai chạy đua với tử thần. Chi phí đợt điều trị đầu tiên mất 25 triệu đồng sau khi đã trừ bảo hiểm y tế. Tiền dành dụm bấy lâu của cả gia đình được hơn 10 triệu đồng, nội, ngoại mỗi người giúp một ít cũng đủ nhập viện cho Duy Thông. Mỗi tháng Thông phải hóa trị 4 lần mất 1,5 triệu đồng/lần; chưa kể, những chi phí không tên như tiền bồi dưỡng, tiền thuốc ngoài bảo hiểm… tốn kém không ít. Vẫn nét mặt bơ phờ, chị Thi giãi bày: “Tôi cũng không biết đến giờ lấy đâu ra tiền, chỉ nhớ bán chiếc xe máy được 9 triệu đồng và vay mượn của ai được cứ vay, cứu con xong rồi tính”. Chị kể trong nước mắt: “Mấy ngày đầu mới điều trị, cháu chịu đau không nổi, khóc suốt mấy ngày liền khiến vợ chồng tôi chỉ ước được đau thay con”.

Không hiểu hết bệnh tình, Thông lễ phép chào mọi người trước khi nở nụ cười thân quen với cô Hiệu phó Nguyễn Thị Hòa, người quan tâm đến em nhiều nhất từ khi em bị bệnh. Cô Hòa cho biết, Thông là một trong những lớp trưởng gương mẫu của trường. Từ ngày em nằm viện, hôm nào được về nhà em lại xin mẹ cho đi học. Nhà trường khuyên em nên ở nhà vì sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm trùng, nhưng thấy con ủ rũ chị Thi lại xin phép cho cháu đến lớp. Cô giáo Trần Thì Sen, chủ nhiệm của Thông, kể: “Nghỉ học nhiều ngày, nhưng cháu tiếp thu bài rất tốt. Có điều, nhìn ánh mắt vô tư chăm chú nghe giảng bài của cháu tôi thấy xót xa quá”.

Được biết, nhà trường sau nhiều lần tổ chức quyên góp đã hỗ trợ gia đình hơn 10 triệu đồng. Gia đình cháu Đoàn Duy Thông rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành và các nhà hảo tâm để vượt qua khó khăn lần này.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Hoàng Diễm Thi, số nhà 47, đường Trần Khánh Dư, phường Tây Lộc, TP. Huế, điện thoại: 0935306109 hoặc Báo Thừa Thiên Huế, số 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế, điện thoại: 054 3833330.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top