ClockThứ Tư, 10/02/2016 14:55

Già trẻ mê đu tiên

TTH.VN - Đu tiên ở làng Phước Yên (xã Quảng Thọ, Quảng Điền) không tổ chức quy mô như lễ hội đu tiên ở xã Điền Hòa (Phong Điền) và một số nơi khác nhưng điểm đặc biệt là hoạt động văn hóa này lại thu hút được người già lẫn trẻ.

Nghe những bậc cao niên trong làng bảo, thường các năm mùng 1-2 Tết là thời điểm nhiều người đến chơi đu tiên, chúng tôi lại chọn ngày mùng 3 (ÂL) để xem sức lan tỏa của hoạt động này vào những ngày sau của Tết Nguyên đán.

Ông Cao Văn Xuân tham gia đu tiên

Hơn 7 giờ sáng, khi nắng mới vừa lên, những đứa trẻ trong làng đã áo quần tươm tất đạp xe đến đây chơi. Trong nhóm có nhiều em mới học lớp 5-6, nhưng khi lên chơi đu thì chứng tỏ được khả năng không kém những người giàu kinh nghiệm. Từng động tác nhún để đưa chiếc đu lên cao được các em thực hiện thuần thục, gương mặt vui tươi không hề có biểu hiện lo sợ. Hết lượt đu, Cao Quảng Huy (14 tuổi) chia sẻ: “Ngày nào tụi em cũng ra đây chơi, mấy đứa bạn nhỏ chút xíu đã biết đu, bản thân em biết chơi trò này cách đây mấy năm rồi. Nhìn rứa chứ đu sướng lắm, không bổ (ngã) được mô”.

Đu tiên ở Phước Yên với những đứa trẻ trong làng là một trò chơi giải trí ngày Xuân. Bên cạnh những đứa trẻ chịu khó tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của đu tiên, những em còn lại cứ hai buổi sáng chiều lại tập trung nơi đây để chơi cùng bè bạn vì lý do một năm chỉ có mấy ngày. Một đứa trẻ lớp 5 thật thà: “Em xin ba mẹ ra đu là họ đồng ý. Ba mẹ em nói chơi trò ni hay hơn đi đánh bầu cua hoặc đạp xe long nhong ngoài đường”.

Tuổi nhỏ nhưng mê đu

Với những bậc cao niên trong làng, gìn giữ truyền thống là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao gắn bó với trò chơi, hoạt động văn hóa này suốt nhiều năm qua. Ông Cao Văn Xuân, Trưởng họ Cao Văn ở làng Phước Yên bảo, đu tiên là truyền thống của làng từ đời xưa để lại, thế hệ những người lớn tuổi như ông tiếp nối và dạy lại cho con cháu noi theo. 63 tuổi, nhưng có đến 43 cái Tết ông tham gia trò chơi đu tiên của làng. “Sáng ni tui đạp xe đi thắp nhang ở nhà thờ họ. Ngang qua đây cũng nhảy lên đu vì thích và quen rồi. Những người ở lứa tuổi chúng tôi xem trọng truyền thống lắm”, ông Xuân nói.

Ông Trần Phụ Phú, Trưởng làng Phước Yên, thành viên ban tổ chức hoạt động đu tiên của làng cho biết, đu tiên ở Phước Yên không có các phần thi và chưa mang tính chất như một lễ hội mà đó là một hoạt động văn hóa để bà con trong làng tham gia, góp phần gìn giữ truyền thống có từ ngày xưa. “Dù bất kể mưa nắng, năm mô làng chúng tôi cũng làm đu để người dân vui chơi. Cứ đến ngày 25 âm lịch là hoàn thành chiếc đu rồi treo lên, đêm 30 Tết đón giao thừa xong là thả đu đến ngày mùng 7 thì hạ đu. Chiếc đu được dựng gần trước chùa làng, sáng mùng 1 Tết, sau khi đến lễ chùa thì rất đông người ghé lại đây để đu, có năm lên đến gần 100 người/ngày. Ở làng Phước Yên, có những cụ 75-80 tuổi thỉnh thoảng vẫn còn đu, mấy đứa nhỏ thì ba mẹ tập cho chơi, dần cũng quen. Điều đặc biệt là xưa nay chưa từng có ai bị ngã”, Ông Phú chia sẻ.

Nhiều người dân làng Phước Yên cho rằng, chiếc đu bay vút chứng tỏ cho một năm mới thăng hoa, mọi cái đều vươn xa. Và quan trọng hơn, từ người già đến trẻ đều mong muốn gìn giữ trò đu tiên này bởi đó là truyền thống tốt đẹp của quê hương mình.

Lê Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top