ClockThứ Sáu, 24/03/2017 06:06

Giá trị của quá khứ, hôm nay và mai sau

TTH - Chiến tranh lùi xa 42 năm, nhưng những hiện vật lịch sử về ngày quê hương được giải phóng luôn nhắc nhở chúng ta rằng, để có được như ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha ông phải hy sinh, gian khổ.

Những hiện vật “biết nói”

Ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong những ngày tháng ba này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn giá trị cuộc sống của ngày hôm nay thông qua những hiện vật lịch sử, nhất là những hiện vật về ngày quê hương Thừa Thiên Huế được giải phóng.

Sinh viên Trường cao đẳng Thừa Thiên Huế tìm hiểu hiện vật lịch sử trong những ngày giải phóng Thừa Thiên Huế

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết: “Bảo tàng hiện lưu giữ, trưng bày hơn 30.000 hiện vật; trong đó, hiện vật về lịch sử, chiến tranh liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở tỉnh chiếm 1/3. Ngoài ra, Bảo tàng còn có hai dãy hiện vật trưng bày ngoài trời gắn liền với sự kiện giải phóng Thừa Thiên Huế”.

Trước mắt chúng tôi là nòng pháo H12. Ít ai biết rằng, đây là khẩu pháo của Đại đội 14, Trung đoàn 4, Quân khu Trị Thiên Huế đã lập nhiều chiến công, đánh vào căn cứ Phổ Lại, mở màn cho chiến dịch mùa Xuân 1975 giải phóng Thừa Thiên Huế. Trong trận mở màn này, Đại đội 14 đã đánh 25 trận, diệt 60 tên địch, góp phần quan trọng để Thừa Thiên Huế sớm giải phóng.

Pháo 122mm, pháo cao xạ 57mm, 37mm, máy bay - những vũ khí, phương tiện được trang bị cho quân giải phóng sử dụng trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế Xuân 1975 là vật chứng của lịch sử. Những chiếc xe tăng cần cẩu, xe tăng gắn pháo phòng không, pháo tự hành... của Mỹ trang bị cho quân đội Việt Nam cộng hòa một thời được xem là “vua chiến trường” cũng không thể chống lại sức mạnh của quân giải phóng ngày ấy...

Về những hiện vật quân giải phóng thu được của địch, ông Lê Trường Giang, nguyên Trưởng ban Quân báo Tỉnh đội Thừa Thiên nhớ lại: “Trước sự tấn công ồ ạt của ta, địch rút chạy tán loạn về hướng các cửa biển Thuận An, Tư Hiền để mong thoát thân vào Đà Nẵng. Bọn ngụy quân, ngụy quyền vừa chạy, vừa dắt díu vợ con tìm cách thoát thân là một cảnh tượng hết sức hỗn loạn như đàn ong vỡ tổ. Trên các tuyến đường bọn chúng tháo chạy, một lượng lớn xe cộ, áo quần, giày mũ, súng ống, đạn dược... vứt ngổn ngang. Cuộc tháo chạy kinh hoàng đó là dấu chấm hết cho bộ máy ngụy quyền ở Thừa Thiên Huế. Sáng 26/3/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng”.

Trách nhiệm và tự hào

Trước những hiện vật là vũ khí đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế mà quân giải phóng thu được trong quá trình rút chạy của địch tại căn cứ Phú Bài ngày 25/3/1975 và ở cảng Tân Mỹ, Thuận An, Phú Vang ngày 26/3/1975, em Nguyễn Thị Hằng, sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Thừa Thiên Huế bộc bạch: “Với em, sự kiện giải phóng quê hương chỉ được nghe qua những câu chuyện kể hay đọc từ tư liệu. Nhưng từ thực tế bằng chính những hiện vật cụ thể, em càng rõ hơn ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch giải phóng quê hương mình. Thế hệ chúng em phải luôn khắc ghi những tấm gương hy sinh, công lao to lớn của các thế hệ cha ông đi trước”.

So với bảo tàng cấp tỉnh trong cả nước, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế là đơn vị dẫn đầu về những hiện vật lịch sử, chiến tranh trưng bày ngoài trời. “Những hiện vật có tên tuổi, có sự kiện và gần như là một bảng tổng kết cuộc trường chinh hơn 30 năm của dân tộc Việt Nam nói chung và của quân dân Thừa Thiên Huế nói riêng mà lịch sử “cố tình” để lại. Điều mà chúng tôi luôn canh cánh bên lòng là làm sao để bảo tồn, gìn giữ được những hiện vật gốc để truyền lại cho đời sau những giá trị lịch sử vô giá của quá khứ, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho hôm nay và mai sau, dù trước mắt vẫn còn những khó khăn nhất định”, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, ông Cao Huy Hùng chia sẻ.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Return to top