ClockThứ Năm, 05/01/2012 05:22

“Gia vị nghệ thuật” cho nón lá Huế

TTH - Một triển lãm mang tên "Danh thiếp trên chiếc nón" được tổ chức dọc hai bên cầu thang lên xuống khu vực lầu Chuông chợ Đông Ba đã đem lại cho du khách, người dân Huế và cả những tiểu thương trong chợ một cảm giác ngạc nhiên đầy thú vị. Đây là kết quả của dự án nghệ thuật cộng đồng với tên gọi rất dễ thương - "Gia vị nghệ thuật" do 3 thành viên chính của dự án là Lê Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Khánh Anh và Trần Tuấn thực hiện trong thời gian gần đây.

Thu hút sự tham gia của 24/27 gian hàng nón ở chợ Đông Ba, triển lãm lần này với cả nhóm thực hiện là một thành công lớn. Lầu Chuông trở thành không gian triển lãm thực sự.

“Danh thiếp trên chiếc nón”
 
 
Nhiều du khách nước ngoài, trong nước, học sinh, sinh viên, người dân đi chợ đều cảm thấy ấn tượng bởi những mẫu nón mới lạ và đẹp mắt. Các tiểu thương trong chợ cũng kéo đến lầu Chuông xem rất đông. Mọi người thích thú ngắm nhìn những chiếc nón được trang trí tinh tế bằng những họa tiết đẹp mắt, tò mò đọc những dòng cảm xúc, suy nghĩ, ý tưởng và cả tên tuổi, số điện thoại của các chủ gian hàng nón được ghi trên những danh thiếp nhỏ đính kèm theo nón. Hà Lan, sinh viên năm thứ tư Trường đại học Kinh tế - Huế ngạc nhiên: “Đây là lần đầu tiên em nhìn thấy một triển lãm về nón với nhiều mẫu mã đẹp như vậy. Mỗi chiếc nón có một vẻ đẹp riêng vì nó thể hiện ý tưởng, sự tỉ mỉ và tình yêu của người làm nón trong đó. Em sẽ mua một chiếc về làm quà cho mẹ!”. Bà Nguyễn Thị Trinh, một tiểu thương buôn bán ở gần lầu Chuông tấm tắc: “Đã mấy ngày rồi nhưng chị em tiểu thương vẫn đến xem nón. Nhiều khách tham quan hào hứng chụp ảnh với nón. Tổ chức triển lãm về nón Huế ngay tại trung tâm chợ Đông Ba như ri thật là hay quá!”.
 

Các tiểu thương ngành hàng nón tham gia hội thảo của dự án

Chị Hoàng Thi, chủ một gian hàng nón ở chợ nhận xét: “Qua triển lãm “Danh thiếp trên chiếc nón”, nón lá Huế được quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn đến du khách. Với triển lãm lần này, mỗi chủ hàng nón đều nhận thức được tầm quan trọng của việc quảng bá. Mọi người đều cố gắng trang trí những họa tiết thật đẹp trên nón để giới thiệu về gian hàng nón của mình”. Tham gia triển lãm lần này, chị Thi cùng con gái đã dành nhiều công sức và thời gian tạo nên những mẫu nón mới lạ và đẹp mắt từ những nguyên liệu khá rẻ tiền là sợi thép kẽm nhiều màu và hoa lá khô. Mẫu nón của chị trở thành một trong số những mẫu nón kéo người xem dừng chân lâu nhất ở triển lãm.
 
 
Những “gia vị” mới
 
 
Khánh Anh, giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Chu Văn An, một trong ba thành viên chính của dự án đảm nhận vai trò tiếp cận cộng đồng cho biết, nếu như trước đây các tiểu thương có sự độc lập trong buôn bán và cạnh tranh với nhau thì giờ họ đã cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong cách thu hút du khách đến với hàng nón của mình. Điều này cũng thể hiện ở việc hầu hết các tiểu thương đã bỏ thời gian đến dự hai hội thảo nhằm gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ kinh doanh nón lá Huế do dự án tổ chức.
 

Một số thiết kế danh thiếp trên nón của gian hàng nón trưng bày tại triển lãm

Trần Tuấn, nghệ sĩ thị giác, một trong 3 thành viên hạt nhân của dự án với vai trò cải thiện sản phẩm nón và tư vấn phát triển sản phẩm cho cộng đồng, chia sẻ: “Ban đầu, cả nhóm gặp khá nhiều khó khăn trong việc đặt ra mục tiêu dự án sao cho hiệu quả nhất và làm sao để các tiểu thương hàng nón cùng làm với mình và mình chỉ là chất kết dính. Nhưng rồi kết quả đã vượt quá mong đợi. Từ triển lãm này cho thấy các tiểu thương hàng nón rất hứng thú với sáng tạo danh thiếp trên nón, họ có ý thức hơn về việc làm sao để khách hàng biết đến gian hàng và sản phẩm nón của mình bằng cách trưng bày sao cho có tính khoa học, thẩm mỹ và bắt mắt”.
 

Thích thú nhìn ngắm những họa tiết trên nón tại triển lãm

 

Mục tiêu của dự án "Gia vị nghệ thuật" là cải thiện họa tiết, bao bì để khách du lịch có thể mang đi đường xa và chống ẩm mốc cho sản phẩm nón Huế; xây dựng lòng tự hào về nghề nghiệp và sự tự tin vào bản thân của cộng đồng tiểu thương bán nón; xây dựng ý thức về việc sử dụng giá trị của văn hóa - nghệ thuật trong việc phát triển nét đặc sắc của mỗi gian hàng.

Không chỉ lôi cuốn được sự tham gia và tạo sự đoàn kết giữa cộng đồng các tiểu thương ngành hàng nón lá, các thành viên của dự án đã tạo được sự kết nối với các cộng đồng khác như Ban quản lý chợ Đông Ba, với nhà điều chế công nghệ sơn nano chống ẩm mốc cho nón là Tiến sĩ Trương Văn Chương, Khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học – Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, Viện trưởng phân viện Văn hóa Nghệ Thuật miền Trung, và các họa sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để có những đóng góp tâm huyết và cải thiện họa tiết trên nón lá Huế.        
   
Với các thành viên của dự án, vẫn còn nhiều ấp ủ và dự định phía trước mà họ cần thực hiện. Đó là việc tiếp tục cải thiện nón Huế một cách triệt để và đưa ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện đại. Việc đưa những mẫu nón thêu của nghệ sĩ Trần Tuấn và Lê Việt Trung, giảng viên Khoa hội họa, Trường đại học Nghệ thuật – Huế vào bán thử ở chợ, tiếp tục thử nghiệm công nghệ sơn nano chống mốc cho nón và cải thiện lại bao bì bảo vệ nón, hay suy nghĩ các giải pháp về một chiếc nón có thể gấp được như yêu cầu của các o, các mệ ở chợ. Tất cả những việc này đều cần thêm kinh phí và thời gian. “Hiện em đang đợi sự trả lời của Quỹ CDEF và khoản hỗ trợ nhỏ của Đại sứ quán Đan Mạch để tổ chức triển lãm “Danh thiếp trên chiếc nón” lần thứ 2 cho cộng đồng tại Trung tâm văn hóa Phương Nam Huế, Minh Nguyệt cho biết.
 
Cả nhóm muốn sử dụng nghệ thuật như một gia vị làm cho nón Huế có màu sắc, mẫu mã đa dạng và thi vị hơn. Cũng qua dự án này, đối tượng cộng đồng là các tiểu thương ngành hàng nón lá sẽ tiếp cận gia vị - nghệ thuật - để làm cho nón Huế đẹp hơn, bán được nhiều hơn".

Lê Thị Minh Nguyệt, giảng viên Khoa Hội họa, Trường đại học Nghệ thuật - Huế, nghệ sĩ điều phối dự án, cho biết.

 
 
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế).

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”
Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

Sáng 9/1, Hội sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Đoàn thanh niên trường tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2024 chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2024).

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

TIN MỚI

Return to top