ClockThứ Sáu, 24/06/2016 14:06

Giá xăng và điện tiếp tục góp sức đẩy tăng giá tiêu dùng tháng 6

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 năm nay tăng 0,46% so với tháng trước có nguyên nhân do: giá xăng, giá điện sinh hoạt...

Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng góp phần đẩy CPI tháng 6 tăng (Ảnh minh họa: KT)

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,72%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng, trong đó: nhóm giao thông tăng cao nhất tăng 2,99%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05 %. Giáo dục tăng 0,06%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,06%.  

Giải thích nguyên nhân làm tăng CPI tháng 6, Tổng cục Thống kê cho biết: Giá xăng dầu tăng vào các ngày 20/5/2016 và 4/6/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,27%.

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% do ảnh hưởng bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại về hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung nên có phần dè dặt khi tiêu dùng sản phẩm cá đánh bắt, đã chuyển sang tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích rau trồng nên giá rau tăng cao kéo dài ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Cũng trong tháng này, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03%. Cùng với đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14% do nhu cầu xây dựng năm nay tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng.

Tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,48% so với tháng trước.

Còn với các nguyên nhân làm giảm CPI tháng này, Tổng cục Thống kê lý giải: Trong tháng 6 nguyên nhân làm giảm CPI đó là: giá gạo giảm 0,24% do các tỉnh miền Bắc vừa thu hoạch xong mùa vụ, các tỉnh miền Nam đang thu hoạch lúa hè thu nên sản lượng dồi dào; giá thủy hải sản tươi sống giảm 0,22% do tiêu dùng giảm; giá thiết bị điện thoại giảm 0,29% do giảm giá một số mặt hàng mẫu mã cũ.

Nhìn lại CPI 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục Thống kê đánh giá, có tốc độ tăng tương đối thấp. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,39%. Bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, giá xăng dầu...

Vì vậy, Tổng cục Thống kê khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

11 tháng, CPI bình quân của cả nước tăng 3,02%

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/11, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng do nhu cầu của người dân tăng cao là những nguyên nhân chính làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước. So với tháng 12/2021 CPI tháng 11 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,37%.

11 tháng, CPI bình quân của cả nước tăng 3,02
Chuyên gia bàn cách kiểm soát lạm phát

Hàng loạt hàng hóa tăng giá, nhất là mặt hàng thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế như xăng dầu đã khiến nguy cơ lạm phát tăng cao. Tăng nguồn cung hàng hóa, giảm một số loại thuế để giảm giá đầu vào sản xuất là giải pháp được cho là cần ưu tiên hàng đầu.

Chuyên gia bàn cách kiểm soát lạm phát

TIN MỚI

Return to top