ClockThứ Tư, 25/11/2015 14:43

Giấc mơ bác sĩ...

TTH - Đi khám về, trong buổi cơm chiều chị ngồi tỉ tê vừa động viên vừa định hướng cho thằng con: “Gắng mà học đi con, mai mốt làm bác sĩ cho sướng. Ông mô cũng xe hơi nhà lầu, được thưa được gởi, bạc tiền không thiếu...”. Cũng không biết đó đã lần định hướng thứ bao nhiêu của chị. Chỉ biết rằng, hình như thằng bé cũng “tiêm nhiễm” khá... nặng. Ai hỏi sau này thi gì, làm gì, nó lập tức: Bác sĩ! Lý do mà nó chọn có lẽ cũng rất chân thành giản dị: “được thưa gởi, được giàu có” như mẹ nó thường nói.

Nghề y là nghề cứu người. Tôi không phải là người trong nghề, nhưng nghe nói trước đây sinh viên y khoa trước khi ra trường hành nghề, bao giờ cũng đọc và hứa làm theo lời thề của Hippocrates, vị tổ sư của nền y học hiện đại, nguyện vô tư và tận hiến với nghề... Sau này, Bộ Y tế còn ban hành 12 điều y đức, nhắc nhở những ai đã dấn thân vào nghề y hãy thực sự là “mẹ hiền” của người bệnh như Hồ Chủ tịch đã răn dạy.

Vậy nhưng thực tế không bao giờ giống lý thuyết. Bên cạnh rất nhiều thầy thuốc luôn có ý thức làm tốt thiên chức của mình, là vị cứu tinh, là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi của người bệnh thì vẫn có không ít những thầy thuốc như thể... mặt trời, chói chang tới mức người bệnh không dám gần, không dám nhìn. Họ đồng nhất “nghiệp” cứu người với “nghiệp” mưu sinh. Con bệnh trở thành phương tiện cho vòng xoáy cơm áo gạo tiền, cho nhà, cho xe của họ. Và chính cuộc sống sung túc, “sang trọng” của những ông đốc tờ thời hiện đại đã làm chị lóa mắt, ao ước con của chị rồi cũng sẽ được như thế. “Gắng mà học đi con, mai mốt làm bác sĩ cho sướng...”-Lời tỉ tê của chị với con sao cứ mãi váng vất trong tôi như một ám ảnh buồn...

Hàn Yên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top