ClockChủ Nhật, 15/05/2016 14:59

Giấc mơ bay qua đỉnh núi

TTH - 1. Hai sáu tuổi. Ngày làm tám giờ, hoặc hơn thế nữa, nếu có việc đột xuất hay vào mỗi mùa chiến dịch quảng cáo hàng hoặc có dịch vụ mới của hãng, vì vậy hình ảnh Miên trên chiếc xe wave alpha đỏ rời nhà lúc sáu giờ ba mươi phút sáng hướng về phía thị trấn và năm giờ ba mươi phút chiều từ thị trấn về nhà đã quen mắt với những người xung quanh suốt ba năm nay.

Ở đời, cái gì lặp đi lặp lại mãi cũng thành quen, thành phản xạ. Rồi chúng ta tự cho đấy là quy luật, là tự nhiên, hay toán học hơn thì xem đấy như tiên đề, khỏi phải chứng minh. Không biết hình ảnh Miên đi đi về về hơn một nghìn không trăm chín lăm ngày, chẳng kể nắng mưa, bụi đường… với người ngoài đã thành quy luật chưa, chứ với gia đình, họ hàng thì cái sự ấy trái với quy luật quá, chẳng thể là tiên đề, và hơn một lần, ai ai cũng muốn Miên chứng minh, mong tìm ra nghiệm duy nhất đúng.

Nghiệm ấy là một chàng trai, một tấm chồng.

***

2. Hai sáu tuổi. Miên lọt thỏm trong cái thị trấn sắp bước vào tuổi bách niên giai lão. Thị trấn dài thuồn thuột như ngón tay giữa của mụ phù thuỷ trong những câu chuyện hoang tưởng mà Miên từng nghe bà kể bên bếp lửa mỗi đêm đông thời thò lò mũi xanh. Bao nhiêu năm rồi. Sự chuyển mình, thay da đổi thịt hay công nghiệp hoá, hiện đại hoá như đài báo nói ở đâu đó không biết, chứ huyện miền núi này sống cứ như dửng dưng với mọi sự vận động. Cứ co mình lại. Cứ ủ rủ qua ngày ngày tháng tháng năm năm. Mặt trời lên từ phía núi này rồi lại lặn ở phía núi bên kia. Mùa trăng lên theo núi rồi cũng lặn theo núi. Trẻ con chập chững biết đi, lớn tí biết theo đuôi con trâu, thêm tí nữa biết vào mấy bãi vàng, bãi quặng ở xa tít tắp. Rồi thoáng cái thành cha thành mẹ. Dặt dẹo theo miếng ăn cái mặc, hanh hao qua từng mùa sương mùa gió.

Miên lớn lên từ đó. Ngấm đủ sương gió bụi bặm của núi của rừng. Nhưng Miên không theo vàng theo quặng. Miên mang giấc mơ bay qua đỉnh núi về phố dưới xuôi. Thời gian đi học chuyên nghiệp dưới xuôi ba năm, Miên như bông hoa rừng nổi lên giữa những cánh hoa phố thị rực rỡ nhưng sực nức mùi hương công nghiệp hoá chất với phấn son mĩ phẩm. Thành ra hương dìu dịu, đằm đằm, tinh khiết lặn sâu vào trong mà lại thấm lâu, bền bỉ của Miên thành của lạ, của quý. Biết bao chàng trai liếc ngang liếc dọc. Nhưng lời mẹ dặn trước hôm vác ba lô xuống núi như cái then cài cửa, sập ngang bước đường của những chàng trai phố thị, hay ý nghĩ của cô gái tuổi mười tám đôi mươi ở Miên không đi quá được những tư tưởng định kiến mặc định bao đời nay: Là người của núi làm gì thì cũng cố mà về ăn rau núi, uống nước suối và chết dưới chân núi. Để kết quả là, Miên về, sau một năm nằm dài ở nhà mới loay hoay xin được chân hợp đồng ở đài viễn thông của huyện.

Người nhà cứ tưởng vậy là ổn. Qua một hai cái rét sẽ bước ra cửa sang nhà người học làm vợ làm mẹ. Đâu ngờ ngày ấy cứ xa ngắt xa ngơ…

***

3. Hai sáu tuổi. Cái tuổi khiến Miên nhìn thấy ngày cứ như dài hơn ra, đêm cứ như không có đáy. Rơi vào đêm sợ không dậy được. Miên đã thoáng sợ khi mỗi ngày mới bắt đầu bằng tiếng gà gáy bên hồi, đêm xuống bắt đầu bằng tiếng chim bắt cô trói cột phía bìa rừng xa xa. Sự lặp lại nhàm chán như kéo dài ra, dùng dằng và ảo não.

Không biết bao lần câu thơ tài hoa của thi sĩ Trần Hoà Bình chập chờn đi vào giấc ngủ Miên. Nhận thêm một thiệp hồng/ Thấy mình lẻ loi hơn/ Thêm một đêm trăng tròn/ Lại thấy mình đang khuyết. Biết đấy. Thấy đấy. Mà không biết phải làm sao? Xung quanh Miên chỉ toàn là những câu hỏi? Chẳng ai có thể trả lời, ngoài những con gió đưa theo hơi lạnh len qua khe cửa vào buồng đêm đêm.

Quay đi quay lại còn mỗi Miên và chiếc xe wave… bầu bạn. Những đứa em sau một vài tuổi đã gửi lại thiệp hồng và theo chồng. Sau nữa là cả một khoảng cách thế hệ, không dễ gì xổ lòng được với nhau.

Chẳng xổ lòng ra được nên đâu đó có tiếng bấc tiếng chì. Rằng thì là Miên bệnh rồi. Bệnh gì? Rằng thì là bệnh lười yêu! Không lười yêu mà bạn bè thuở đốt lửa chăn trâu, lứa trước lứa sau đã tay bồng tay bế. Ở mảnh đất mà câu: “Lấy chồng từ thuở mười ba, tới khi mười tám em đà năm con” vẫn chưa đưa vào xếp hạng di tích lỗi thời thì Miên đích thị có vấn đề rồi. Miên cười. Y học có tên bệnh nào như vậy không? Liệu có bác sĩ nào bắt mạch, kê đơn được bệnh này không? Và sự thật có phải Miên lười yêu không? Chính Miên, hơn ai hết, muốn, khao khát một hơi ấm để tựa vào. Nhưng hơi ấm ấy phải đủ ấm, đủ chiều sâu, đủ độ vững chãi. Khỗ nỗi thứ ấy ở thị trấn này giờ kiếm khó hơn cả kiếm vàng trong núi.

***

4. Hai sáu tuổi. Miên thừa hiểu vàng trong núi có đào vàng mắt, bạc mặt mới loé ra được vài mẫu vụn li ti, không khéo còn sập hầm hay tranh giành đâm chém nhau mà chết. Còn những thỏi vàng mười, vàng người như Miên mong ngóng đã một mạch về xuôi. Núi rừng không đủ đất cho họ vẫy vùng. Vậy nên một vài bạn bè Miên đi học rồi đi luôn. Quê nhà chỉ còn đọng lại trong kí ức với tuổi thơ thuở nào, hoặc thi thoảng chồn chân mệt não đáo về một vòng tìm chút bình yên, nhẹ lòng rồi lại đi. Đấy là những chàng trai Miên ấn tượng thật sự. Trong ấy có cả mối tình đầu thoảng hương hoa dại của Miên nữa. Tất nhiên giờ nó đã xa. Xa lắm rồi. Xa theo những ước vọng sự nghiệp đánh đu với cuộc đời của người ấy.

Chỉ dưới xuôi mới đủ lớn, đủ rộng cho sải cánh của những con chim lớn phố núi vẫy vùng, bay nhảy. Rớt lại là những cánh chim không dám ra trước gió. Mà những người như vậy Miên không tài nào nói chuyện được, huống hồ là ăn nằm đời đời kiếp kiếp với nhau. Chẳng còn ai để Miên thấy phục, thấy mến mà yêu. Và đúng hơn là chẳng còn chàng trai nào nơi đây dám với tới Miên. Miên cứ thế, đẹp lừng lững và toả hương mà không có con ong nào dám lại, dẫu chẳng mang trong mình loại độc dược gì. Cái đẹp theo thời gian cứ mặn mòi, như má hồng gặp gió heo may, ngời lên, hây hây và căng đầy, riêng ánh mắt thì đằm lại, xem chừng có gì đó mệt mỏi hiện ra theo những ánh nhìn xa xăm và sau mỗi nếp chân chim ít nhiều bắt đầu khẽ lộ nơi khoé mắt.

Đã có lúc Miên nghĩ hay liều gật đầu đại một đám cho xong. Đêm đêm nghe tiếng thở dài của bố, tiếng trở mình của mẹ, mà não lòng. Sự hiện diện của Miên ở nhà kéo dài ngày nào còn làm khổ tâm và lo lắng cho gia đình ngày ấy. Thôi thì cũng hết một đời. Hoa nở mãi rồi cũng tới hồi tàn. Đời phù du lắm. Nhưng Miên lại sợ. Sợ lặp lại cái phận nhàm chán của những bà, những mẹ, những chị, những người bạn của mình. An phận. Cam chịu. Leo lét như ngọn đèn trước gió. Miên được đi học mà cũng đi lại cái lối mòn nguyên thuỷ ấy à?!

***

5. Hai sáu tuổi. Chính xác là ngày cuối cùng của tuổi hai mươi sáu, sau rất nhiều nghĩ suy dằn vặt, Miên đi.

- Hoa của núi mà đất núi không còn ai cho mày bám vào được thì bố mẹ không cản nữa. Đau lắm. Nhưng cái cối cũng cần có cái chày. Cây nhỏ cần phải tựa vào cây lớn mới chống được mưa nắng bão bùng. Đất này đâu có cái cây lớn ấy. Đi đi. Ở đây mà héo hon dần bố mẹ sợ lắm.

Sáng ấy, tiếng gà gáy vẫn như mọi ngày mà lòng Miên thấy khác. Ngổn ngang nhiều thứ. Nhưng riêng bước chân Miên đã sải những sải rất dài. Trong tai Miên văng vẳng tiếng bố: “Ừ, vậy cuối cùng mày cũng quyết. Còn trẻ đủ sức thì cứ đi.” “Nhưng đừng quên mày lớn lên từ luống cày gốc rạ”, mẹ nói thêm. Mặt trời đã kịp phả xuống, đỏ ối những bước chân Miên. Miên bước những bước mạnh hơn, dậm chân chắc hơn, để một lúc nào đó, Miên nghĩ, bàn chân có thể nhớ lối mà về.

VĂN THÀNH LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người về bến Mê

– Mọi người ơi! Lời đầu tiên cho phép mình được cảm ơn tất cả vì sự có mặt đông đủ này. Mình cá là Oanh đang tiếc thầm vì ngày trước đã từ chối Lương, nếu gật đầu thì con trai Oanh đã có mái tóc xoăn nghệ sĩ của Lương rồi…

Người về bến Mê

TIN MỚI

Return to top