ClockThứ Năm, 26/01/2017 05:41

Giấc mơ “xanh”

TTH - Một chữ “xanh” mơ ước, nhưng đó là lộ trình dài, với nhiều thách thức. Đó không chỉ là nguồn vốn lớn, công nghệ cao mà còn cần sự thay đổi trong nhận thức của các nhà quản lý, làm quy hoạch, ban hành chính sách, nhà đầu tư.

Một góc nhìn Huế. Ảnh: Đ. Đình

Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc năm 2010, kinh tế xanh (Green Economy) là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội; đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Để hướng đến tiêu chí “xanh”, tỉnh đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, từ lấy công nghiệp làm chủ đạo sang du lịch, dịch vụ. Không chỉ ở quy mô tỉnh, ngay một số địa phương cũng bắt đầu chuyển hướng, tập trung đầu tư cho du lịch, dịch vụ, tăng cường du lịch cộng đồng. Đây không chỉ đơn thuần là xác định lại thế mạnh của địa phương mà còn là thay đổi mạnh mẽ trong tư duy phát triển.

Trong cuộc trò chuyện gần đây, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, với đặc thù và lợi thế của tỉnh, du lịch là ngành thuận lợi nhất để phát triển theo xu hướng xanh. Tuy nhiên, giải bài toán để “xanh” cho giai đoạn đầu là câu chuyện không đơn giản như nguồn nhân lực, vốn đầu tư, bởi ngành du lịch không bao giờ tự nuôi được nó. Đơn cử, muốn xây một con đường vào điểm du lịch cũng cần vài trăm tỷ đồng, đó là con số mà doanh thu của nhiều doanh nghiệp du lịch trong một năm cũng không đáp ứng được.

Một lĩnh vực cũng có thể phát huy ngay trong lộ trình phát triển kinh tế xanh của tỉnh - dịch vụ y tế, giáo dục. Với thương hiệu, uy tín của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quốc tế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế… hoàn toàn có thể phát triển thành một ngành dịch vụ độc lập hoặc kết hợp với ngành du lịch để phát triển các loại hình dịch vụ kết hợp giữa du lịch, nghỉ dưỡng với chăm sóc sức khỏe. Với hàng chục trường đại học, mỗi năm đón nhận hơn chục ngàn sinh viên cùng với môi trường trong lành, an ninh trật tự tốt, chi phí sinh hoạt rẻ, Huế hoàn toàn có thể trở thành thành phố đại học. Một số quốc gia như Singapore, Úc, Anh… rất thành công trong việc phát triển giáo dục thành ngành kinh tế, là động lực phát triển quan trọng. Đó là tấm gương để chúng ta học tập.

Trong tầm nhìn xa, du lịch-dịch vụ được xác định là nguồn thu tốt nhất và bền vững, nhưng hiện nay nguồn thu ngân sách từ sản xuất công nghiệp vẫn là nguồn thu mạnh của tỉnh. Đây là thực tế, không thể phủ nhận vai trò của sản xuất công nghiệp trong quá trình phát triển. Nhưng phát triển công nghiệp đồng nghĩa với việc ảnh hưởng môi trường, ít hay nhiều. Do đó, cần phải định hướng phát triển công nghiệp trong một số vùng và trong giai đoạn nhất định để lấy nguồn lực và khi chúng ta có đủ nguồn lực thì sẽ giảm tỷ trọng công nghiệp. Trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, phát triển công nghiệp bền vững theo hướng kinh tế xanh là định hướng quan trọng. Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh. Tỉnh cũng đã lựa chọn các ngành công nghiệp chủ lực ưu tiên phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Chẳng hạn, giai đoạn đến năm 2020 ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, giai đoạn năm 2021- 2030, tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường. Bởi, thời của công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên đã qua và các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cũng khó được chấp nhận.

Tôi còn nhớ hơn chục năm trước, có nhà đầu tư nước ngoài đề nghị đầu tư cả tỷ đô la Mỹ xây dựng nhà máy nhiệt điện Cù Dù (Lộc Vĩnh, Phú Lộc). Khi theo đoàn khảo sát của tỉnh về Cù Dù, tôi được nghe tranh luận giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ. Bên nào cũng có lý. Nếu dự án triển khai mỗi năm tỉnh thu được khoảng 1 nghìn tỷ đồng- nâng tổng thu ngân sách của tỉnh khi đó lên gần gấp đôi-quả là nguồn lực hấp dẫn. Mặt trái là dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường cho khu vực cảng Chân Mây, ảnh hưởng đến phát triển du lịch của cả khu vực Chân Mây- Lăng Cô. Cái giá phải trả cũng không hề nhỏ. Cuối cùng dự án đã không nhận được cái “gật đầu” của tỉnh. Nhìn lại, đó là quyết định sáng suốt. Sau này, tỉnh cũng kiên quyết từ chối một số dự án như đóng tàu, sản xuất thép, thiếc…

Một điều đặc biệt lưu tâm trong phát triển công nghiệp là việc lựa chọn công nghệ và vấn đề xử lý môi trường. Hiện nay công nghệ trên thế giới luôn đủ để xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhưng doanh nghiệp không muốn đầu tư do chi phí cao, giảm lợi nhuận. Điểm yếu của Việt Nam là khi thẩm tra dự án, thẩm tra công nghệ làm rất kỹ nhưng đến khi triển khai dự án lại buông lỏng. Bài học Formosa là một lời cảnh báo, nhất là khâu giám sát môi trường. Nói gọn là phải gắn chữ “cao” trong phát triển công nghiệp - đó là công nghệ cao, chất lượng cao.

Với ngành nông nghiệp, định hướng phát triển xanh còn nhiều vấn đề ngổn ngang. Đất đai Thừa Thiên Huế không nhiều như các địa phương khác để phát triển nông nghiệp cần có sự hợp tác để cùng đi chung trong một hướng phát triển xanh. Điều đó đồng nghĩa phải mở rộng quy mô mới có thể áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Nhìn vào nông thôn của tỉnh, xã nào cũng có ít một hợp tác xã, nhiều thì 2-3 hợp tác xã, đất đai phân chia manh mún. Hiện nay xu hướng thành lập những vùng nông sản sạch, công nghệ cao đã manh nha hình thành. Hiện đã có một số mô hình sản xuất lúa gạo, rau sạch nhưng quy mô quá nhỏ. Để tạo bước đột phá trong nông nghiệp cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp theo hướng kết hợp với người dân để xây dựng một số khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo sức lan tỏa cho cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Điểm sáng doanh trại xanh

Không gian khang trang, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng chính quy, hiện đại xen lẫn với cây xanh được bố trí hợp lý là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy.

Điểm sáng doanh trại xanh
Ngành tư pháp với lộ trình cụ thể trong chuyển đổi số

Sở Tư pháp đã và đang có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp đối với từng lĩnh vực, nhóm nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số (CĐS); qua đó, góp phần xây dựng ngành tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngành tư pháp với lộ trình cụ thể trong chuyển đổi số
Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp

Dù tất bật với nhiệm vụ giữ vững sự bình yên cho cuộc sống Nhân dân, nhưng cán bộ, chiến sĩ công an trong toàn tỉnh đã sắp xếp thời gian, công việc để tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” với mục tiêu đặt ra là: Vì một TP. Huế không chỉ bình yên, an toàn, thân thiện, mà còn phải xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top