ClockThứ Bảy, 07/09/2019 06:00

Giải bài toán vùng nguyên liệu, phát triển thị trường dầu tràm Huế

TTH - Đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, ngoài việc quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương, việc thành lập hội nghề nghiệp dầu tràm Huế là cần thiết; lúc đó mới nghĩ đến dầu tràm Huế có những hướng đi bền vững, vươn ra thị trường nước ngoài.

Dầu tràm Huế trước thực trạng hàng giả, kém chất lượngXây dựng chỉ dẫn địa lý cho dầu tràm Huế

Đa phần các lò chưng cất quy mô nhỏ lẻ, khó quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm

Chưng cất thủ công

Vài năm gần đây, nghề chế biến tinh dầu tràm không chỉ nở rộ ở xã Lộc Thủy (Phú Lộc), nơi được xem “thủ phủ” của nghề mà đã phát triển ở một số địa phương như Phong Điền.

Ông Trương Diệp, ngoài 70 tuổi, ở thôn Phước Hưng (Lộc Thủy) đã hơn 40 năm  theo nghề tinh luyện dầu tràm của ông cha để lại. Ông kể, vào những thập niên 90, gia đình ông có 3 lò nấu dầu tràm đỏ lửa suốt ngày, chỉ cần bán cho khách qua lại, mỗi ngày tiêu thụ 3-4 lít. Bây giờ ế ẩm, lượng dầu gia đình tinh chế tiêu thụ ngày càng giảm hẳn, khó cạnh tranh với nhiều tân dược và dầu tràm không rõ nguồn gốc bày bán ở địa phương. “Hiện dầu gia đình làm ra chỉ bán cho những mối quen để giữ nghề thôi” - ông Diệp nói.

Trăn trở của ông Diệp cũng là nỗi niềm của nhiều gia đình đang gắn bó với nghề chế biến dầu tràm ở huyện Phú Lộc. Ông Trương Viết Đính, Giám đốc HTX Dầu tràm Lộc Thủy, người qua nhiều năm trăn trở và có nhiều ý tưởng “nâng tầm” thương hiệu dầu tràm Phú Lộc cũng chạnh lòng khi chúng tôi trao đổi vấn đề “cung cầu” của dầu tràm ở địa phương.

Theo ông Đính, mặc dù gần đây dầu tràm Lộc Thủy được các ban ngành chức năng huyện, tỉnh quan tâm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, được tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị chưng cất..., nhưng vẫn chưa tạo đột phá mới trong cách nghĩ cách làm của bà con ở đây. Hiện tại, HTX Dầu tràm Lộc Thủy chỉ có 26 hộ tham gia và đa phần vẫn còn duy trì chưng cất theo lối thủ công nên chưa đủ sức cạnh tranh với các tân dược hiện có trên thị trường. 

Không riêng làng nghề Lộc Thủy (Phú Lộc), nhiều cơ sở kinh doanh chế biến dầu tràm huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy... vẫn còn duy trì chưng cất theo lối thủ công.

Anh Nguyễn Phước Nhân, Trưởng phòng Quản lý đo lường chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) chia sẻ, qua các đề tài nghiên cứu, dược tính dầu tràm xứ Huế được đánh giá cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Gần đây, qua kiểm chứng các cơ sở, hoạt động kinh doanh chế biến dầu tràm toàn tỉnh vẫn hạn chế. Phần lớn các cơ sở, đơn vị hoạt động theo phương thức mạnh ai nấy làm, chưa có sự đồng bộ liên kết, đầu ra sản phẩm chưa được mở rộng.

Quy hoạch vùng nguyên liệu

Ông Nguyễn Ngọc Thơ, chủ Công ty TNHH sản xuất tinh dầu Bé Thơ cho rằng, dầu tràm Huế là dược liệu riêng có. Thời gian qua, nhiều cơ sơ kinh doanh chế biến dầu tràm có sự hỗ trợ của các ban ngành chức năng địa phương trong việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu thông thường cũng như giới thiệu quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, hiện mặt hàng này vẫn có nhiều rào cản vì không có vùng nguyên liệu tập trung, khai thác chủ yếu dựa vào tự nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều. Hơn nữa, do chưa có tổ chức thống nhất quản lý chung để cùng hoạt động vì lợi ích của cộng đồng.

Năm 2018, ước tính sản lượng dầu tràm chưng cất toàn tỉnh trên 20 nghìn lít; trong đó tập trung chủ yếu ở các cơ sở sử dụng lò chưng cất loại lớn như: Cơ sở dầu tràm Anh Chiến (2.500 lít); Công ty TNHH sản xuất tinh dầu Bé Thơ (khoảng 2.500 lít); Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui (khoảng 2.000 lít)...

Ông Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định, để khai thác hiệu quả về kinh tế mặt hàng này, trước hết cần giải quyết bài toán về vùng nguyên liệu cây tràm gió. Bên cạnh đó, cần thành lập hội nghề nghiệp về sản xuất, kinh doanh dầu tràm Huế. Mục tiêu là tập hợp cơ sở, HTX, doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh dầu tràm sử dụng chung thương hiệu; qua đó chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm bằng cách giám sát, hỗ trợ nhau phát triển để bảo hộ dầu tràm Huế trước những sản phẩm hàng nhái, hàng giả.

Tại các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh sản xuất dầu tràm Huế do Sở KH&CN tổ chức, đại diện các cơ sở kinh doanh dầu tràm địa phương lo lắng, nếu chưa có quyết sách hỗ trợ quy hoạch vùng nguyên liệu, không lâu nữa phải đối mặt với nguy cơ cạn nguồn nguyên liệu để sản xuất. Bên cạnh đó, cần đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc chưng cất để giảm thất thoát, hao hụt và tận thu tối đa nguồn nguyên liệu trong điều kiện ngày càng khan hiếm.

Ông Nguyễn Phước Nhân cho biết, hiện nay dầu tràm Huế là một trong hai đặc sản được UBND tỉnh xác định để thực hiện xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ KH&CN. Khi có chỉ dẫn địa lý, dầu tràm Huế có nhiều cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển thị trường. Quy trình sản xuất và quản lý sản phẩm sẽ được Nhà nước quản lý trực tiếp. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế cũng sẽ có thêm cơ hội để được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn trong việc quảng bá sản phẩm cũng như giải quyết những khó khăn, hạn chế về vùng nguyên liệu, công nghệ, thiết bị chưng cất.

Bài, ảnh: MINH THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Return to top