ClockThứ Sáu, 18/05/2018 05:45

“Giải khó” môn ngoại ngữ

TTH - Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhưng lại là môn đáng lo nhất đối với thí sinh tại kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia. Trước tình hình này, các trường đang triển khai nhiều giải pháp; các chuyên gia cũng đưa ra gợi ý thí sinh cách làm bài.

Những điểm mới trong tuyển sinh vào Trường THCS Nguyễn Tri PhươngTuyển sinh trung cấp, cao đẳng: Vẫn sẽ chật vật?Tổ chức ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng lao độngTuyển sinh Đại học Huế 2018: Nhiều điểm mớiĐiểm ưu tiên tuyển sinh đại học sẽ được điều chỉnh giảm

Hướng dẫn thí sinh cách làm bài thi trắc nghiệm

Tập trung ôn kỹ

Tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Phú Vang), công tác ôn luyện môn ngoại ngữ được tiến hành ngay từ đầu học kỳ 2 với việc tăng thêm 1 tiết bồi dưỡng kiến thức cho học sinh mỗi tuần. Ông Trần Thanh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, sau đợt thi thử đầu tiên, nhà trường sàng lọc ra các học sinh có điểm thi ngoại ngữ thấp để tổ chức lớp phụ đạo riêng, với thời gian mỗi tuần 2 buổi, tranh thủ vào ngày nghỉ. Đây là lớp phụ đạo miễn phí, hướng tới giúp học sinh thoát khỏi điểm “chết” môn ngoại ngữ. “Thực tế, có nhiều học sinh học tốt các môn khác nhưng lại hạn chế ở môn ngoại ngữ. Trong khi đó, nếu muốn đậu đại học, thí sinh thuộc diện trên phải vượt qua điểm “chết” của tất cả các môn”, ông Dũng nói.

Hiện, các trường THPT của TP. Huế tổ chức công tác ôn luyện môn ngoại ngữ rất kỹ. Một giáo viên dạy ngoại ngữ ở Trường THPT Gia Hội chia sẻ, các môn tổ hợp được chia theo lớp (tùy thí sinh chọn), riêng 3 môn bắt buộc thì học chung từng lớp và ôn theo từng chuyên đề, đồng thời cho thí sinh tập giải đề. Đối với các học sinh có nhu cầu sử dụng môn ngoại ngữ để đăng ký xét tuyển đại học, giáo viên sẽ quan tâm và đưa ra những yêu cầu phù hợp để thử sức, trong đó thường xuyên tương tác, cho các em tập giải những câu khó.

Tại các trường vùng cao, công tác ôn luyện môn ngoại ngữ đặc biệt được chú trọng. Ông Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Giang (huyện Nam Đông) chia sẻ, theo phổ điểm kỳ thi THPT Quốc gia các năm gần đây, ngoại ngữ luôn là môn có số lượng thí sinh điểm thấp nhiều nhất, trong đó có không ít thí sinh bị điểm “liệt”. Với thí sinh vùng cao, ngoại ngữ như là môn “tử thần” nên càng lo. Yêu cầu đầu tiên là giúp học sinh đỗ tốt nghiệp nên trường phân công giáo viên bộ môn tổ chức ôn luyện từ rất sớm, đa dạng các dạng đề và ôn kỹ cho học sinh, nhất là cho học sinh làm tốt các phần cơ bản, phần được xác định dễ lấy điểm hơn trong cấu trúc đề thi.

Giai đoạn hiện nay, cách làm chung của giáo viên ngoại ngữ ở các trường là tập trung cho học sinh giải đề và lồng ghép nhắc đi nhắc lại phần ngữ pháp, từ vựng. Đồng thời tổ chức tiếp các đợt thi thử để học sinh làm quen không khí phòng thi và dạng đề thi. Nhiều giáo viên cũng hướng dẫn cho thí sinh các mẹo vặt như dùng kiến thức, vốn từ để loại trừ và tìm câu đúng cùng một số kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Nguyễn Hữu Hiệp, học sinh lớp 12B13, Trường THPT Phan Đăng Lưu chia sẻ: “Em học không tốt môn ngoại ngữ. Lần thi thử đầu tiên chỉ được 3 điểm. Sau quá trình ôn luyện, em có cải thiện được đôi chút, vừa qua thi thử được 5 điểm. Dù học yếu về ngoại ngữ song nếu được ôn luyện kỹ, biết phương pháp làm bài thì có thể đạt được mức điểm cần thiết”.

Nhiều lời khuyên

Ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ, thí sinh hay mắc các lỗi sai về ngữ pháp, lẫn lộn giữa các thì. Ngoài ra, đề thi thường đánh đố thí sinh ở phần từ vựng dễ gây nhầm lẫn giữa những từ cùng nghĩa. Ông Tiến lưu ý, thí sinh nên học chắc ngữ pháp và nghiên cứu kỹ từ vựng khi làm bài, nhất là xem nghĩa của từ phù hợp với ngữ cảnh sử dụng.

Ngoài giữ vững tâm lý trong phòng thi, thí sinh cũng cần phân chia thời gian hợp lý và chọn phần dễ làm trước để kiếm vốn điểm. Bà Huỳnh Thị Lệ Hằng, Tổ trưởng tổ Anh văn, Trường THPT Phan Đăng Lưu phân tích, thông thường phần nhấn âm, phát âm dễ nhất, thí sinh nên ưu tiên chọn để làm. Trong khi đó, phần đọc hiểu thường gây khó cho thí sinh nên nếu thí sinh yếu về phần này, có thể làm sau. Với phần đọc hiểu, thí sinh nên tìm từ định hướng (từ khóa) để giải quyết phần thi này nhanh hơn.

Trong trường hợp khó khăn về mặt ngữ pháp, thí sinh có thể sử dụng mẹo vặt đó là đoán nghĩa rồi loại trừ dần, sau đó chọn phương án thích hợp nhất, không nên bỏ trống bất cứ câu nào. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, mức độ câu hỏi khó thường từ 10 – 15%. Để hoàn thành bài thi tốt nhất, thí sinh cần bình tĩnh đọc rõ yêu cầu của đề, của từng phần và tranh thủ lướt nhanh toàn bộ đề để xem đề yêu cầu gì, có khi phần chú ý, yêu cầu lại để ở cuối đề thi. “Một lỗi ngoài chuyên môn mà thí sinh hay mắc phải là làm nháp rồi khi bôi đen trắc nghiệm vào bài làm sai thứ tự câu trả lời nên dẫn đến trường hợp sai hết. Đây là trường hợp khá phổ biến. Có thí sinh làm xong không phát hiện, hoặc cũng có trường phát hiện nhưng không kịp thời gian để xóa và sửa lại. Vì thế thí sinh nên lưu ý làm thẳng vào phần bài làm”, một giáo viên nhấn mạnh thêm.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia khuyến cáo lựa chọn ngành Khoa học máy tính AI

Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là những từ khóa đắt giá của mùa tuyển sinh năm nay. Vậy làm thế nào để thí sinh chọn ngành học phù hợp với năng lực? Các chuyên gia thuộc top đầu các trường đào tạo những ngành này đã có phân tích xu hướng chọn ngành, trường phù hợp cho thí sinh.

Chuyên gia khuyến cáo lựa chọn ngành Khoa học máy tính AI
Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top