ClockThứ Bảy, 07/10/2017 05:51

Giải pháp cho bài toán thiếu bác sĩ

TTH - Có nơi thì chỉ thiếu một bác sĩ, có nơi thì thiếu 10 bác sĩ… nói chung tình trạng thiếu bác sĩ vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở các đơn vị khám - chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế.

Bệnh viện Mắt Huế đón chuyên gia nhãn khoa hàng đầu thế giới Tadashi Hattori đến khám bệnh và chuyển giao kỹ thuật. Ảnh: Sở Y tế

“Cung - cầu ” chưa gặp nhau

Trên địa bàn tỉnh có Trường đại học Y Dược Huế nổi tiếng, hàng năm, có cả hàng trăm bác sĩ đa khoa hệ chính quy tốt nghiệp ra trường, tuy nhiên, Sở Y tế Thừa Thiên Huế vẫn khó khăn trong tuyển dụng. Mới nghe qua có vẻ hơi nghịch lý, song đó là sự thật và chuyện này đã diễn ra hàng chục năm qua.

Trò chuyện với tôi, các vị lãnh đạo Sở Y tế đều nói rằng: “Hàng năm, sở đều thông báo tuyển dụng bác sĩ, nhưng chẳng có ai nộp đơn cả. Để khắc phục thiếu bác sĩ dài dài như trên, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các tuyến cho phép các y sĩ đa khoa đăng ký thi để học lên bác sĩ; đề xuất tỉnh xin chủ trương đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, số lượng có hạn, các em ra trường nay đã bố trí đầy đủ ở các tuyến. Tuy nhiên, thời gian tới, sẽ rất khó khăn, bởi đối tượng y sĩ thi lên bác sĩ không còn dễ dàng như trước nữa vì thi đề chung với thí sinh thi đại học y khoa; chỉ tiêu cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ đã chấm dứt. Đây là điều khó khăn cho ngành trong công tác đào tạo, bố trí đủ đội ngũ bác sĩ cho các đơn vị khám - chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh”.

Hiện, các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế các huyện, thị xã và thành phố đều thiếu bác sĩ, trong đó thiếu nhiều nhất là đơn vị thành phố Huế khoảng 17 bác sĩ (trung tâm y tế khoảng 10 bác sĩ và 7 trạm y tế chưa có bác sĩ). Trước thực trạng trên, nhiều đơn vị như Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, Phú Lộc cũng đã có cách làm riêng để thu hút bác sĩ về làm việc nơi đây bằng nhiều giải pháp rất cụ thể. Phú Lộc đưa ra chính sách, nếu bác sĩ chính quy về huyện thì mức hỗ trợ lần đầu 30 triệu đồng, sau đó mỗi tháng lương 5 triệu đồng. Phú Vang thì trả mức lương 10 triệu - 15 triệu đồng tùy theo trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tất cả số tiền này các đơn vị trích từ quỹ phúc lợi và được hội nghị cán bộ công nhân viên chức cơ quan thông qua. Song số lượng bác sĩ về làm việc nơi đây còn rất ít.

Cần một chính sách đủ mạnh

Tại sao ngành y tế không tuyển được bác sĩ, trong khi số lượng bác sĩ tốt nghiệp hàng năm khá nhiều? Trả lời câu hỏi này, chỉ một lý do duy nhất, đó là chưa có một cơ chế, chính sách ngoài lương đủ mạnh để thu hút đội ngũ này.

Thực tế đang diễn ra hàng ngày, là số lượng bác sĩ chính quy tốt nghiệp ra trường bao nhiêu thì đã có các tỉnh, thành trong cả nước chờ sẵn tuyển dụng với mức hỗ trợ ưu đãi. Chẳng hạn như Bình Dương đã đưa ra chính sách thu hút bác sĩ chính quy với mức hỗ trợ lần đầu: tốt nghiệp loại giỏi trở lên: 450 triệu đồng, khá: 420 triệu đồng, trung bình: 400 triệu đồng. Ngoài ra, được bố trí nhà ở hoặc trả tiền thuê nhà ở khi có nhu cầu, được tạo điều kiện làm việc tốt nhất để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, được cử đi đào tạo cao hơn khi có thời gian cống hiến trên 2 năm. Tỉnh Bình Định, bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi trở lên được hỗ trợ 180 triệu đồng, khá: 150 triệu đồng, trung bình: 120 triệu đồng. Ngoài ra, các bác sĩ còn được hỗ trợ một triệu đồng/tháng để thuê nhà, còn muốn mua nhà chung cư, mua đất thì tỉnh áp dụng cơ chế giảm giá và cho trả góp hàng tháng trong vòng 10 năm.

Và còn rất nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi vượt bậc. Chính vì thế, hiện nay, không chỉ sinh viên y khoa của Huế vừa mới tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ở các địa phương khác mà ngay cả những vị bác sĩ lâu năm đang công tác rất tốt tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng ra đi vì được nơi khác trả với một mức lương lên đến cả trăm triệu đồng/tháng (chưa kể nhận mức hỗ trợ ban đầu).

Để thu hút và giữ chân bác sĩ công tác tại địa phương thì không còn cách nào khác là tỉnh phải nhanh chóng ban hành một chính sách đủ mạnh. Các bác sĩ phải được quan tâm đầy đủ cả về vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc, có như thế mới khắc phục được tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ hệ chính quy hiện nay đối với ngành y tế tỉnh nhà.

Gia Hân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội

TIN MỚI

Return to top