ClockThứ Ba, 28/06/2016 04:36

Giải pháp nào cho nạn rải vàng mã?

TTH - Từ năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định cấm rải vàng mã ở một số tuyến đường. Nhưng hiệu lực có vẻ không như mong muốn…

Sông Hương đang hàng ngày đối diện với “rác tâm linh”

Đơn giản nhưng không giản đơn

Phiền lụy từ nạn rải vàng mã có lẽ không cần phải diễn giải dài dòng nữa, ai cũng thấy, ai cũng rõ. Nhà tôi ở miệt Nam Giao, muốn đi - về đều phải qua đường Điện Biên Phủ. Đây là tuyến đường vừa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, thành một tuyến đường đẹp, hiện đại của Huế. Tuyến đường này dẫn đến hầu hết các di tích, danh thắng của Huế, ngày ngày rất đông du khách qua lại. Nhưng đây cũng là tuyến đường chính dẫn lên khu nghĩa trang ở phía tây, hầu như không có ngày nào là không có đám tang đưa qua, và ngày nào cũng phải hứng vàng mã. Con đường mới sạch boong nhờ anh chị em công nhân môi trường đô thị đổ công sức quét dọn đêm trước, sáng ra, mới bảnh mắt đã trắng xóa vàng mã. Rất phản cảm, rất tiếc, và rất xấu hổ.

Rải vàng mã không còn phù hợp với văn minh đô thị nữa. Bởi vậy, từ cuối năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định cấm rải vàng mã ở một số tuyến đường. Vậy nhưng, hiệu lực có vẻ không như mong muốn. Ở các tuyến đường cấm, vàng mã cứ được điềm nhiên rải mà hình như không ai nhắc, không ai phạt. Pháp luật nhờn, còn thành phố thì bẩn. Rất nản! Người đi lại kẻ đi qua đều phàn nàn. Người có chữ nghĩa, thích công nghệ chút thì ta thán trên “phây”. Lãnh đạo cũng bức xúc không ít. Đã đến lúc phải tìm ra giải pháp, phải cương quyết mạnh tay. Nếu không, mọi sự muôn đời vẫn sẽ không thay đổi.

Đã có quyết định, vi phạm thì phạt. Tưởng đơn giản nhưng không hề giản đơn. Dân ta có câu “nghĩa tử nghĩa tận”. Vậy nên, ai nỡ và ai…đủ can đảm chặn một đám tang vi phạm để mà phạt? Kể cả ghi lại, rồi sau đó tìm đến nhà để làm việc cũng là điều không dễ thực hiện. Cho nên, tốt nhất là phải chặn từ gốc. Nhưng bằng cách nào?

Giải pháp

Theo thiển ý của chúng tôi, trước tiên là về nhận thức. Phải thống nhất về mặt nhận thức từ trong lãnh đạo cho đến mỗi cán bộ, đảng viên. Tiếp đó là phải làm một đợt tuyên truyền, quán triệt thật tổng lực, thật rốt ráo từ các cơ quan, đoàn thể cho đến tận cộng đồng dân cư để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Tiếp nữa, chính quyền cho mời tất cả các nghiệp chủ làm dịch vụ tang lễ để ký cam kết. Đồng thời, đặt vấn đề, kêu gọi sự ủng hộ, chung tay từ các tôn giáo. Bà con Thiên chúa giáo thì từ trước đến nay không dùng vàng mã, chủ yếu là tín đồ Phật giáo và một số tổ chức tôn giáo khác.

Cuối cùng, cán bộ đảng viên phải là người nêu gương trước. Nếu trong nhà hữu sự thì cần vận động gia đình nghiêm túc chấp hành chỉ thị của UBND tỉnh, chung tay xây dựng, giữ gìn văn minh, sạch đẹp của đô thị.

Về mặt tâm linh, nếu ai còn lấn cấn, cảm thấy không an tâm vì tang ma thiếu vàng mã thì theo chúng tôi có thể khấn với “các đấng khuất mặt khuất mày”, xin “hóa” một số “ngân tiền” trước lúc đưa tang và trước giờ “an táng”. Âm siêu thì dương thái và dương có thái âm mới siêu. Chắc các “ngài” cũng sẽ chẳng hẹp hòi gì mà không hoan hỷ chấp thuận.

Tuy nhiên, đó là về ngắn hạn, còn về lâu dài, theo chúng tôi rất nên vận động để mọi người nói KHÔNG với vàng mã. Bởi tập quán này không chỉ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn kéo theo nhiều biến thái về đạo đức xã hội, không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Không hiếm nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó chỉ là một tập quán ngoại lai, “bịp bợm” chứ không phải của dân Việt ta. Ngay cả thời phong kiến, đề cập đến tục sử dụng vàng mã trong cúng tế, chính sử triều Nguyễn đã ghi lại lời vua nhận xét là “rất vô ích, phải theo việc cải lương dần dần thay đổi để không ném tiền suông vào việc vô dụng”. Thời xưa còn vậy, bây giờ ta đang xây dựng nếp sống văn hóa, hướng đến văn minh, chẳng lẽ cứ mãi duy trì?

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
Return to top