ClockThứ Sáu, 18/03/2016 22:54

Giải phóng mặt bằng - khâu then chốt để thu hút đầu tư

TTH - Để kêu gọi các dự án lớn đến với Thừa Thiên Huế, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) là bước quan trọng nhất, tạo đột phá trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao (thứ 3, phải sang) kiểm tra GPMB Quốc lộ 1A

Giao mặt bằng sạch – tháo được “nút thắt”

Thừa Thiên Huế là địa phương cần phát triển mạnh về kinh tế và để tạo  đột phá trong phát triển kinh tế, tỉnh luôn kêu gọi các dự án đầu tư lớn. Tuy nhiên hiện nay, khó khăn nhất là khâu GPMB. Vì vậy, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo GPMB do đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Các huyện, thị xã, TP Huế, bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả GPMB và xem đây là tiêu chí xét hoàn thành nhiệm vụ khi kiểm điểm cuối năm.

Theo đó, bí thư, chủ tịch các huyện, thị xã phải xác định ở địa phương mình có bao nhiêu dự án cần triển khai, mức độ phức tạp ra sao để có kế hoạch. Các khu kinh tế phải xác định trong năm có bao nhiêu dự án phải triển khai, có bao nhiêu hộ phải di dời, diện tích mặt bằng cần phải giải phóng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo để giám sát thực hiện đúng tiến độ.

Giải phóng mặt bằng chậm, nhà đầu tư gặp khó khăn trong thi công

Để việc GPMB được trôi chảy, trước hết những cán bộ làm công tác này cần phải thẳng thắn, không “nâng bên này, đè bên kia”; áp giá phải công bằng minh bạch. Làm được như vậy, người dân sẽ đồng tình và nhất trí cao, bởi khi mở đường, hay có dự án đi qua thì các hộ dân cũng là người hưởng lợi.

Đơn cử, trường hợp ông Nguyễn Duy Lợi, xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà) là một trong những gia đình chưa hài lòng với cách chi trả đền bù của chính quyền địa phương trong thời gian qua. Đó là, năm 2008, ở thôn Giáp Trung có 15 hộ bị ảnh hưởng mở đường Nguyễn Chí Thanh, cả 15 hộ đều được nhận tiền bồi thường 81 ngàn đồng/m2 và tiền bồi thường cây, tài sản trên đất. Nhưng không hiểu vì sao, trong đó có 9 hộ tiếp tục được nhận tiền đợt 2, bình quân mỗi hộ từ 50-120 triệu đồng (!). 6 hộ còn lại thì không được nhận, bà con phản ứng mạnh, UBND thị xã Hương Trà có hỗ trợ thêm cho mỗi hộ gần 9 triệu đồng”.

Ông Trần Xuân Đống, Giám đốc Trung tâm Phát triển Qũy đất thị xã Hương Trà thừa nhận, thời gian qua, việc chi trả đền bù GPMB đoạn qua thôn Giáp Trung, xã Hương Toàn có nhiều bất cập, chưa được rõ ràng dẫn đến nhiều hộ dân bức xúc. Hiện Trung tâm Phát triển Qũy đất thị xã Hương Trà đang rà soát, kiểm tra để có hướng giải quyết hợp lý cho các hộ dân này.

Tương tự, Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan hiện chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong GPMB. Dự án còn vướng hơn 2km mặt bằng, với hơn 50 hộ dân; trong đó, có nhiều hộ đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.

Gắn trách nhiệm

Để có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, Tỉnh ủy Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo GPMB phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2015-2020, do ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo GPMB được thành lập từ ngày 16/02/2016, ngày 14/3 tổ chức phiên họp đầu tiên.

Để công tác đền bù, GPMB mang lại hiệu quả, tại cuộc họp vừa qua Ban chỉ đạo thống nhất quan điểm: Việc GPMB của Nhà nước, dùng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, phải giao mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư. Những dự án có quy mô lớn cần tách việc GPMB, tái định cư thành một tiểu dự án riêng.           

GPMB hiện nay chậm là do các huyện xem tái định cư là việc của tỉnh, nên không đưa quy hoạch quỹ đất vào tái định cư. Vì thế, một số địa phương khi có dự án lại gặp khó khăn trong việc tái định cư. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phan Ngọc Thọ yêu cầu, các huyện, thị xã, TP Huế khi quy hoạch quỹ đất cần giữ lại ít nhất 15% diện tích để thực hiện tái định cư cho các dự án trên địa bàn.    

Ông Lê Văn Tuệ, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đồng tình và nhất trí cao với quyết định của Tỉnh ủy về việc thành lập ban chỉ đạo GPMB. Ông Tuệ cho biết: Một khi có dự án đầu tư vào khu kinh tế, để thực hiện đúng quy trình GPMB mất khá nhiều thời gian, có những lúc nhà đầu tư phải tạm dừng thi công vì vướng về mặt bằng, thậm chí nhà đầu tư đổi ý, dẫn đến tỉnh mất cơ hội. Sắp tới, có các dự án lớn, có tiềm năng đầu tư vào khu kinh tế, như Khu du lịch Minh Viễn, Khu du lịch Cảnh Dương… cần phải giao mặt bằng sạch để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.             

Tại cuộc họp có nhiều ý kiến thảo luận như, cần có cơ chế đổi mới đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất; thành lập quỹ GPMB từ tiền ký quỹ của các chủ đầu tư để GPMB, sau khi làm xong hoàn lại, cải cách thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ; kiên quyết xử lý những trường hợp chây ỳ. Nguyên nhân dẫn đến công tác đền bù GPMB chậm do đội ngũ cán bộ yếu; thống kê, kiểm đếm áp giá còn nhiều bất cập. Khi cán bộ yếu thường xảy ra hai trường hợp, đó là làm tùy tiện và cơ chế “xin – cho”… Để công tác GPMB được thực hiện nhanh, hiệu quả các cơ quan liên quan cần phối hợp tổ chức những lớp tập huấn về công tác đền bù, áp giá, GPMB cho cán bộ cơ sở.

Kết luận tại cuộc họp, Ban chỉ đạo GPMB tỉnh ngày 14/3, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu ban chỉ đạo GPMB các huyện, thị xã, TP Huế khẩn trương rà soát lại các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn, xác định thời gian, tiến độ giải phóng mặt bằng cụ thể của từng dự án; trong đó, cần xác định những dự án cấp bách, dự án phục vụ sản xuất để tập trung chỉ đạo làm ngay; đồng thời, lưu ý khi xây dựng kế hoạch đền bù thu hồi đất phải gắn với phương án tái định cư để đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân. Ban chỉ đạo của địa phương phải định kỳ giao ban và báo cáo tổng hợp gửi về ban chỉ đạo GPMB của tỉnh để đôn đốc chỉ đạo; xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong công tác đền bù GPMB, xem đây là một tiêu chí để đánh giá phân loại tổ chức đảng và đảng viên cuối năm. Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải thể hiện quyết tâm, tích cực hơn; giao trách nhiệm và tiến độ cụ thể cho từng thành viên; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; thực hiện tốt cơ chế giám sát trong đền bù giải phóng mặt bằng. Siết chặt kỷ cương kỷ luật hành chính, không chỉ xử lý nghiêm cán bộ công chức làm sai mà còn xử lý cả trường hợp thực hiện chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

                                                                                      Bài, ảnh: Thanh Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế ưu tiên huy động các nguồn lực, chú trọng đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án (DA) trọng điểm phát triển khung hạ tầng. Đồng thời, từng bước cải thiện môi trường đầu tư nhằm ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn.

Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư
Tập trung nhân lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Năm 2023 là năm tỉnh và TP. Huế triển khai nhiều dự án (DA) trọng điểm nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là nhiệm vụ quan trọng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo tiền đề để năm 2024 hoàn thành công tác GPMB các DA trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng góp phần cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung nhân lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm
Return to top