ClockThứ Sáu, 22/07/2016 09:59
THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC:

Giải quyết thách thức cho đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

TTH - Trước các mối đe dọa về suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH), việc thành lập khu bảo tồn (KBT) đất ngập nước trên vùng phá Tam Giang- Cầu Hai là rất cần thiết, nhất là cho một vùng có hệ sinh thái đa dạng, phục vụ sinh kế cho gần 70% dân số của tỉnh.

Nhu cầu cấp thiết

Ý tưởng thành lập KBT đất ngập nước trên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai đã được nhen nhóm từ nhiều năm qua. Nhưng phải đến năm 2015, sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, nguyện vọng này mới được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chính quyền địa phương xúc tiến thực hiện.

Nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản trên đầm phá đang “nuôi sống” cho khoảng 12% dân số của tỉnh

Theo PGS.TS.Võ Văn Phú, cán bộ giảng dạy Trường đại học Khoa học Huế, nếu ví rừng là vàng, biển là bạc, thì giờ đây, vùng đất ngập nước chính là kim cương. Nhiều nước trên thế giới đã thu lợi lớn nhờ biết bảo vệ tốt và khai thác đảm bảo tính bền vững. Lợi thế của Thừa Thiên Huế có vùng đất ngập nước khá lớn, nên việc thành lập một KBT đất ngập nước cần sớm hiện thực hóa, nhưng phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo điều tra của nhóm nghiên cứu thực hiện dự án thiết lập KBT đất ngập nước tại Thừa Thiên Huế, về ĐDSH, một số loài thực vật phù du có khả năng gây hại xuất hiện với mật độ cao; các thảm cỏ thủy sinh đang giảm dần; chim nước suy giảm đáng kể. Về chất lượng môi trường nước xuất hiện các dấu hiệu như ô nhiễm các chất hữu cơ, ô nhiễm vi khuẩn...

Về mặt sinh thái học, đầm phá là quá trình tiến hóa thành đồng bằng chưa hoàn chỉnh. Hằng năm, sẽ có hiện tượng bồi lấp đáy bằng phù sa, bằng trầm tích biển nâng lên. Do đó, các cửa, các đầm sẽ thoái hóa dần là tất yếu. Vấn đề là làm sao làm chậm thoái hóa, khai thác tốt nguồn tài nguyên, đồng thời bảo vệ được môi trường vùng ô nhiễm, thông thoáng dòng chảy, tạo điều kiện cho việc di cư của các loài thủy sản cũng như tạo nơi di trú cho các loài chim quý.

Bảo tồn theo hướng phát triển

Tại các cuộc tham vấn để triển khai dự án thành lập KBT đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã phân tích rất rõ, bảo tồn bây giờ không còn mang khái niệm là “giữ” mà bảo tồn bây giờ nhằm hướng đến sự phát triển.

Từ nhiều năm nay, các khu bảo vệ thủy sản, các chi hội nghề được thành lập, nò sáo được sắp xếp lại, hàng trăm ha rừng ngập mặn đã và đang được trồng… đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Yêu cầu thành lập KBT đất ngập nước trên vùng phá Tam Giang- Cầu Hai càng nhằm tăng cường năng lực cấp tỉnh về bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững đất ngập nước trong các sinh cảnh liên kết; đồng thời lồng ghép bảo tồn đất ngập nước vào trong các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh và hỗ trợ quản lý tổng hợp lưu vực sông.

Nhóm thực hiện dự án thành lập KBT đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai đã chọn vùng cửa sông Ô Lâu để nghiên cứu, đồng thời đề xuất thành lập KBT đất ngập nước cửa sông Ô Lâu. Nghiên cứu chỉ ra vùng cần bảo tồn bao gồm vùng lõi 122,9 ha và vùng đệm 1.296 ha thuộc 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền. Sở dĩ có sự lựa chọn này là vì so với các khu vực khác thuộc phá Tam Giang- Cầu Hai, cửa sông Ô Lâu hội đủ các yếu tố về cảnh quan, ĐDSH, nơi có sự xuất hiện nhiều nhất các loài chim di cư. Lý do khác là theo kết quả đánh giá đã chỉ rõ tính ĐDSH khu vực này đang suy giảm, hoạt động khai thác thủy sản theo cách hủy diệt không giảm.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cơ chế hoạt động khi thành lập KBT đất ngập nước sẽ theo phương thức đồng quản lý, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân về giá trị của ĐDSH, quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ ĐDSH. Khi có KBT đất ngập nước, hơn ai hết, cộng đồng cư dân là người được hưởng lợi nhiều nhất cả về trực tiếp lẫn gián tiếp. Địa phương được hưởng lợi về tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật sản xuất. Nghề thủy sản được hồi phục và quản lý tốt hơn. Các điểm tốt, hấp dẫn cho du lịch, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường được hình thành. Tạo nơi di trú cho các loài chim, thú đang nguy cấp…

Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm
Return to top