ClockThứ Tư, 29/05/2013 05:36

Giải tỏa stress trong mùa thi

TTH - Mùa thi tốt nghiệp và đại học cận kề chính là thời điểm các học sinh phải học "căng như dây đàn". Cần làm gì để giải tỏa những căng thẳng trong mùa thi? Chuyên mục Đi cùng mùa thi sẽ giới thiệu đến thí sinh những lời khuyên bổ ích của ThS. Thiều Thị Hường, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm Huế.

Biện pháp lâu dài trong mùa thi là các em nên thường xuyên vận động, tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, đặc biệt là hoạt động ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, nhảy... hoặc xem các phim hài. Ngủ tối thiểu từ 6-7h/ngày. Tập cho mình ngủ nhanh, ngủ sâu (lên giường là ngủ không nghĩ ngợi lung tung), ngủ một cách ngon lành. Biện pháp tiếp theo là luôn luôn tự tin về bản thân mình. Muốn vậy, học tập phải có kế hoạch, thời gian biểu phù hợp và đặt cho mình các mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Phải tìm ra các phương pháp học tập hiệu quả cho bản thân. Mỗi người sẽ có một cách học riêng nhưng có cách chung là trước kỳ thi không nên đọc nhiều loại sách khác nhau, chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và các sách nâng cao do giáo viên bộ môn giới thiệu, cố gắng khái quát những kiến thức đã học, học đến đâu nắm chắc đến đó. Một cách học nữa là học cùng bạn, như vậy sẽ đỡ buồn ngủ và sẽ có sự thi đua nhau trong học tập.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Cao Thắng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 (Ảnh: Ngọc Hà)

Về ăn uống, cần đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh, không nên ăn quà vặt, ăn ở các quán vỉa hè nhất là về chiều tối vì khi đó thức ăn dễ bị ôi thiu. Nếu buộc phải ăn thì chọn quán ăn quen thuộc đảm bảo vệ sinh, không ăn quá no, ăn đủ 3 bữa, nên ăn nhiều rau xanh, ăn thêm thịt, cá, tôm, cua để đủ chất dinh dưỡng và uống 2-3 ly sữa/ngày. Không nên lạm dụng chất kích thích như thuốc lá, cà phê vì những thứ này tuy có tác dụng nhất thời nhưng làm cho mệt mỏi, suy sụp.

Những căng thẳng trong mùa thi đối với thí sinh nhiều khi còn do áp lực từ nhiều phía như gia đình, nhà trường... Theo cô để không gây căng thẳng cho các em thì gia đình và nhà trường phải làm gì?
 
Về phía gia đình, nếu có thời gian, bố mẹ nên làm “xe ôm” cho con vì như vậy vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe cho con vừa tăng tinh thần trách nhiệm của bố mẹ, tạo sự gần gũi và thể hiện sự yêu thương của bố mẹ đối với các con. Đặc biệt, cần quan tâm chế độ dinh dưỡng cho các con nhưng cũng đừng cho ăn đồ bổ quá nhiều sẽ gây khó tiêu; nên cho con ăn rau xanh, tôm, cua... và cố gắng chế biến theo sở thích của con vì như vậy sẽ hợp khẩu vị con và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn bó tình cảm gia đình. Bố mẹ cũng có thể tạo động lực cho con một cách thoải mái, tự nhiên, ví dụ như bố mẹ có thể thức khua dậy sớm cùng con, giữ yên lặng cho con học bài, hỏi thăm động viên thường xuyên, trang trí phòng học sạch sẽ, tạo cảm hứng cho con học hành, đem trái cây, sinh tố cho con ăn... Những việc làm nhỏ này sẽ là liều thuốc bổ đối với con và con sẽ rất thích. Bên cạnh đó, bố mẹ phải nhắc con học tập - ngủ - nghỉ và vui chơi hợp lý, ví dụ như thấy con học nhiều quá thì nhắc con đi ngủ. Cần chú ý các biểu hiện bất thường của con như hay cáu gắt, trằn trọc khó ngủ, nhốt mình trong phòng... Khi thấy những biểu hiện này bố mẹ phải hỏi han, chia sẻ giúp con giải tỏa. Nếu các biểu hiện đó ngày càng tăng phải đưa đi khám bác sĩ.
 
Nhà trường nên tạo cho các em sân chơi lành mạnh như tổ chức cuộc thi rung chuông vàng chẳng hạn, giúp học sinh thư giãn, ôn thi tốt.
 
 Giáo viên cũng có thể giúp học sinh tìm các phương pháp học hiệu quả. Giáo viên dạy môn thi tốt nghiệp nên hệ thống hóa, củng cố kiến thức cho học sinh, tránh dàn trải lan man. Cần tư vấn học sinh cách xác định đề, lập dàn bài đối với các môn khoa học xã hội, cách làm bài thi trắc nghiệm, cách sử dụng thời gian khi làm bài thi...
 
Để giảm căng thẳng trong mùa thi, các học sinh có thể áp dụng cách đơn giản sau: nhắm mắt lại và đếm chậm từ 1-10; dùng tay mát-xa nhẹ vùng xung quanh mắt để làm thư giãn các cơ mắt. Cách làm này sẽ có hiệu quả tức khắc, tạo sự thoải mái, giảm căng thẳng. Biện pháp thứ hai là ngồi thẳng lưng, nhắm mắt lại thở nhịp nhàng, thả lỏng cơ thể, đặc biệt thả lỏng cơ vai và lắc lư đầu nhẹ nhàng, trong đầu tưởng tượng những khung cảnh sáng lạn.
Để giữ được bình tĩnh khi vào phòng thi, thí sinh cần phải làm gì?
 
Trước khi bóc đề, nên nhắm mắt lại một chút, hít thở sâu. Khi đã nhận đề thi, các em nhớ phải đọc kỹ đề, tập trung cao độ tư tưởng khi làm bài. Đối với các môn xã hội nên lập đề cương để hình dung những vấn đề sẽ trình bày, trình bày có hệ thống, logic và khỏi sót ý. Cố gắng bình tĩnh, thư giãn để nhớ những kiến thức đã học; đừng để người khác nhìn bài mình. Câu dễ làm trước, ghi thứ tự câu hỏi theo đề thi. Đừng để bẩn bài thi và trình bày không rõ các ý. Các môn xã hội bên cạnh việc học thuộc nhưng phải biết phân tích, nhận định, liên hệ thực tế thì mới có điểm cao. Các môn khoa học tự nhiên thì tìm cách giải rõ ràng nhất. Môn thi trắc nghiệm thì tìm đáp án đúng nhất; nếu thấy chắc đúng thì tô đậm, còn nghi ngờ thì tô nhạt để lưu ý làm lại khi còn thời gian và có thể sửa được. Nếu làm xong sớm đừng vội về mà phải kiểm tra lại cho thật chắc chắn. Một số lưu ý khác là khi nộp bài nhớ ký tên vào biên bản thu bài và ghi đúng tổng số tờ làm trên các tờ giấy thi, kiểm tra xem có đủ chữ ký của 2 giám thị coi thi chưa...
 
Xin cảm ơn cô về những lời khuyên bổ ích này.
Ngọc Hà (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương.

Tuyển sinh Đại học 2024 Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích
Return to top