ClockChủ Nhật, 07/04/2019 12:06

Giảm áp lực cát sỏi lòng sông bằng vật liệu thay thế

TTH - Nghịch lý giữa nhu cầu xây dựng hạ tầng phát triển và nguồn tài nguyên cát sỏi ngày càng khan hiếm, không tái tạo được đang đặt ra những giải pháp cấp bách trong việc tìm nguồn vật liệu thay thế hợp lý.

Phát hiện khai thác thủy sản mang tính hủy diệt và khai thác cát trái phépBắt giữ thuyền khai thác cát trái phép trên thượng nguồn sông HươngXây dựng lộ trình thay thế cát lòng sông

Áp lực khai thác cát sỏi lòng sông sẽ giảm nếu có nguồn vật liệu thay thế phù hợp

Dấu hiệu “cạn” nguồn cung

Đánh giá hiện trạng khai thác, trữ lượng và dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn sau năm 2021, trữ lượng cát lòng sông không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Biểu hiện rõ nhất là những ngày qua, giá cát trên thị trường nội tỉnh tăng cao, từ 130 nghìn/m3 thời điểm này năm ngoái, năm nay đã đội lên gấp hơn 3 lần.

Quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Phú Vang không có điểm quy hoạch khai thác cát sỏi lòng sông. Riêng cát nội đồng nằm ở xã Phú Xuân được khảo sát có trữ lượng 1,814 triệu m3 trên diện tích hơn 120ha, định hướng đưa vào khai thác giai đoạn 2021-2030.

Ông Lại Phước Khương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phú Vang cho rằng, thời gian qua, khu vực vùng cát nội đồng xã Phú Xuân được địa phương quy hoạch mở rộng nghĩa trang, nên diện tích, trữ lượng vùng cát đã bị thu hẹp. Khu vực này hiện gần khu dân cư, nếu không được điều tra, khảo sát lại hiện trạng cũng như đưa vào khai thác thiếu hợp lý sẽ tác động đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của các xã: Phú Xuân, Phú Hồ, Phú Lương, Phú Đa.Vì thế, trong đề nghị quy hoạch, huyện đề xuất không nên đưa khu vực này vào khai thác.

Phú Lộc được xác định có tiềm năng về nguồn cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Riêng cát sỏi lòng sông có 2 mỏ ở sông Truồi với trữ lượng dự báo là 547 nghìn m3 và sông Bù Lu (Nước Ngọt) có trữ lượng dự báo 56 nghìn m3. Tuy nhiên, theo báo cáo của chính quyền địa phương, trữ lượng thực tế tại các điểm đang dần cạn kiệt. Qua khảo sát, tính toán của Phòng TN&MT huyện Phú Lộc, trữ lượng cát sỏi mỏ sông Truồi hiện chỉ còn khoảng 90 nghìn m3.

Nguồn cát nội đồng của Phú Lộc có 2 khu vực: bãi bồi Cồn Sen, thôn 7, xã Lộc Hoà và Bãi Trằm, thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến. Bãi bồi Cồn Sen có trữ lượng mỏ cát là 36.732m3 và sỏi là 887m3 đã cấp phép khai thác cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ xây dựng Long Phụng trên diện tích 1,32ha. Hiện doanh nghiệp này chưa đưa dự án vào khai thác.

Mỏ cát Bãi Trằm ở xã Lộc Tiến có trữ lượng 90 nghìn m3 đã cấp phép cho Công ty CP Xây dựng 368 khai thác trên diện tích khoảng 3ha, thời hạn từ năm 2014 đến ngày 24/12/2018. Do đơn vị này khai thác không đúng phép (quá độ sâu quy định), nên mặc dù mới khai thác 1,74ha (ngập nước), song địa phương đang thực hiện các thủ tục tạm đình chỉ, xử phạt. Quan điểm của địa phương cũng như qua khảo sát thực tế sẽ không thống nhất tiếp tục đưa diện tích 1,26ha (bãi bồi) còn lại vào khai thác, vì sẽ gây sạt lở, thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến các hộ dân và hoạt động chăn nuôi gia súc trong vùng.

Trữ lượng cát nội đồng ở một số địa phương dần bị thu hẹp

Gỡ rào cản

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định, tiềm năng trữ lượng cát nội đồng trên địa bàn tỉnh chắc chắn là có. Vấn đề kết quả như thế nào sẽ được đơn vị tiến hành điều tra khảo sát, đánh giá lại trữ lượng thực tế và đưa ra giải pháp khai thác hợp lý, hiệu quả nhất.

Trong công trình đo vẽ lập bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản nhóm tờ bản đồ Huế, Nam Đông tỷ lệ 1:50.000 do Liên đoàn bản đồ Địa chất Miền Nam thực hiện năm 1991 đã phân chia các thành tạo địa chất có trong khu vực và khoáng sản đi kèm; qua đó khẳng định khu vực đồng bằng ven biển Phú Vang, Phú Lộc có các thành tạo trầm tích nguồn gốc biển, sông biển có thể làm vật liệu xây dựng thông thường nếu có các giải pháp hợp lý.

Theo quy hoạch khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, việc khai thác cát nội đồng gồm 4 khu vực, tập trung tại huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang với khối lượng khai thác dự báo cát là 18,28 triệu m3.

Báo cáo kết quả đo vẽ, khảo sát địa chất khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng do Công ty TNHH Phương Thắng (đơn vị tư vấn khoa học) thực hiện năm 2008, đã phát hiện được một số các thành tạo địa chất trong vùng cát nội đồng trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm hạt vừa, hạt thô có khả năng sử dụng thay thế cát sông.

Trên cơ sở những dữ liệu điều tra, khảo sát liên quan, Sở TN&MT đã lập đề cương trình UBND tỉnh về xây dựng đề án đánh giá tiềm năng và giải pháp khai thác cát nội đồng vùng Phú Vang- Phú Lộc nhằm bổ sung nguồn cung cấp cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Trước đây, Sở Xây dựng đã nghiên cứu một số nhóm vật liệu thay thế; trong đó đề xuất vật liệu hỗn hợp cát mịn, đá mi nghiền để phối trộn chế tạo bê tông và vữa, thay thế cát lòng sông, dùng được trong xây dựng dân dụng, công trình giao thông nông thôn.

Qua điều tra, cát mịn được khai thác tại một số vùng cát nội đồng của Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc với trữ lượng khoảng 18,37 triệu m3, trữ lượng các mỏ đá làm vật liệu xây dựng gần 49,5 triệu m3 và hơn 8,86 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp đã được cấp mỏ khai thác, cùng lượng lớn xà bần từ các công trình cũ có thể phục vụ thay thế cho việc hạn chế, thay thế sử dụng cát tự nhiên để san lấp mặt bằng.

Công trình nhà ở tại KQH phường An Tây, đường Nguyễn Khoa Chiêm (TP. Huế) sử dụng gạch block để tiết kiệm chi phí xây dựng

Sử dụng vật liệu thay thế

Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 4 loại vật liệu có thể nghiên cứu thay thế cát lòng sông: cát mịn (cát nội đồng), đá mi là phụ phẩm trong quá trình nghiền đá xây dựng, cát nghiền (cát nhân tạo) được nghiền từ đá xây dựng và cát trong các lòng hồ thủy điện. Khối lượng của các loại vật liệu thay thế này rất phong phú, đáp ứng được nhu cầu trong tương lai. Qua kết quả nghiên cứu, có thể dùng cát nội đồng của các địa phương trong tỉnh để phối trộn với các loại vật liệu khác như đá mi, cát nghiền để thay thế cát lòng sông làm vật liệu xây dựng và cho chất lượng sản phẩm tương đương không kém.

Theo chị Tôn Nữ N. N., chủ cơ sở đúc bờ lô trên đường Nguyễn Khoa Chiêm, TP. Huế: Bờ lô truyền thống được đúc từ xi măng hay bê tông thương phẩm trộn với cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, có những thời điểm “khan” nguồn cung, một số cơ sở buộc phải dùng bột đá (đá cấp phối) trộn xi măng để đúc. Là người trong nghề, nếu so sánh độ bền, chất lượng, bờ lô làm từ bột đá kém hơn, nhanh bị thoái hóa sau một thời gian sử dụng, dễ thấm. Đây cũng là lý do khiến đa phần khách hàng đều chuộng loại bờ lô truyền thống. Ngay như thời điểm này, giá cát sông mua từ An Lỗ (Phong Điền) vào Huế một xe 4m3 có giá 1,55 triệu đồng, cao hơn giá đá cấp phối 150 nghìn đồng/xe, nhưng các cơ sở đúc vẫn chọn mua cát sông vì chất lượng sản phẩm tốt hơn, dễ tiêu thụ. So về giá, bờ lô bê tông thông thường có giá 3.900 đồng/viên tại bãi, cao hơn bờ lô đúc từ bột đá khoảng 200-300 đồng/viên.

“Mấy năm gần đây, một số công trình nhà ở, công cộng đã sử dụng gạch block, bờ lô (được ép từ bột đá trộn xi măng). Tuy nhiên, đa phần phục vụ xây công trình phụ, tường rào, nhà cấp 4..., giúp tiết kiệm chi phí xây dựng. Thời điểm tình hình cát sông khan hiếm, giá cao, nhiều gia đình chuyển sang tận dụng, sử dụng cát bồi, đá mi,... để nong nền hoặc phối trộn đổ bê tông. Riêng cát để tô buộc phải dùng cát sông để đảm bảo chất lượng công trình”, ông Phạm Phước Nguyên, chủ thầu xây dựng ở phường Thủy Xuân nói.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bổ sung loại khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng

HĐND tỉnh vừa thống nhất bổ sung loại khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tại các mỏ đất làm vật liệu san lấp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế vào sáng 20/10. Cùng với đó là việc thu hồi gần gần 100 ha đất để thực hiện các công trình, dự án (DA)

Bổ sung loại khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng
Hạn chế sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền

Hội thảo “Tăng cường sự phối hợp đa phương trong việc ngưng, hạn chế sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền” diễn ra ngày 11/8 thu hút gần 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ, y sĩ lương y y học cổ truyền đến từ trường ĐH Y Dược, Đại học Huế; Trường CĐ Y Dược Huế, Hội Đông y tỉnh, Hội Châm cứu…

Hạn chế sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top