ClockThứ Ba, 06/11/2018 06:15
CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ CHỢ QUẢNG ĐIỀN:

Giậm chân tại chỗ

TTH - Sau hơn 7 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh (QLKTKD) chợ, huyện Quảng Điền vẫn chưa thể chuyển đổi được chợ nào.

Góp sức xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch chợ Nịu sẽ chuyển đổi trong năm 2019

Hầu hết các chợ trong tình trạng xuống cấp,

Theo kế hoạch chuyển đổi mô hình QLKTKD chợ trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015, Quảng Điền phấn đấu có trên 50% số chợ trên địa bàn được tổ chức QLKTKD theo mô hình doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) dịch vụ. Toàn huyện có ít nhất 1 chợ được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước; đồng thời, sẽ kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các ban quản lý (tổ quản lý) đối với toàn bộ những chợ chưa có điều kiện chuyển đổi mô hình quản lý.

Đến cuối năm 2015, kế hoạch trên vẫn chưa thể thực hiện. Trong đó, Trung tâm thương mại (TTTM) Quảng Điền được chọn triển khai đầu tiên vẫn chưa thực hiện chuyển đổi mô hình QLKTKD chợ do chưa thống nhất được nhân sự để thành lập HTX QLKTKD chợ. Đối với các chợ còn lại do quy mô, số lượng hộ tiểu thương tham gia buôn bán cố định quá nhỏ lẻ nên việc kêu gọi nhà đầu tư hoặc DN tham gia đầu tư QLKTKD chợ gặp nhiều khó khăn. Trong khi Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 9/10/2011 của UBND tỉnh nêu rõ, đến năm 2015 huyện Quảng Điền phải thực hiện hoàn thành việc chuyển đổi mô hình QLKTKD từ 10-12 chợ.

Ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Điền chia sẻ: Việc quản lý và điều hành hoạt động chợ còn nhiều bất cập, nhất là đối với các chợ do UBND xã, thị trấn quản lý. Hầu hết các chợ đều trong tình trạng xuống cấp, thiếu khu vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường; an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy trong phạm vi chợ là mối bận tâm hàng đầu. Người dân không tập trung vào buôn bán tại chợ mà hình thành nên các chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Sau thời gian thực hiện kế hoạch giai đoạn 2012-2015 bất thành, Quảng Điền đã triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình QLKTKD chợ trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, trên 25% số chợ có điều kiện (chợ xây dựng kiên cố, có 70 hộ kinh doanh trở lên) được tổ chức QLKTKD theo mô hình DN, HTX. Riêng trong năm 2018, huyện tập trung hoàn thành chuyển đổi 3 chợ gồm: TTTM Quảng Điền, chợ An Xuân (Quảng An), chợ Tây Ba (Quảng Thành). Tuy nhiên đến nay, TTTM huyện, chợ An Xuân đã hoàn thành và công bố phương án chuyển đổi nhưng chưa có DN, HTX nào đứng ra tiếp nhận.

Khó hoàn thành kế hoạch

Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền chia sẻ: Công tác chuyển đổi mô hình QLKTKD chợ đang rất khó khăn; nhất là công tác định giá tài sản chợ, chuyển giao tài sản chợ, đấu thầu lựa chọn đơn vị QLKTKD chợ.

Câu chuyện chuyển đổi TTTM Quảng Điền là điển hình. Được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2006 trên cơ sở di chuyển các hộ kinh doanh từ chợ Sịa cũ, TTTM huyện hiện có 350 điểm kinh doanh. Giá trị tài sản còn lại theo định giá (đến 30/6/2017): 5,3 tỷ đồng; giá trị tài sản còn lại sau khi trừ các khoản thu từ cho thuê mặt bằng (đến 30/6/2017) là 2,6 tỷ đồng.

Theo phương án chuyển đổi, đơn vị tiếp nhận quản lý TTTM huyện có trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ, duy tu bảo dưỡng các hạng mục trong chợ theo đúng quy hoạch, kế hoạch do UBND huyện phê duyệt. Sau khi tiếp nhận, toàn bộ tài sản do Nhà nước đầu tư sẽ được chuyển giao cho đơn vị tiếp nhận quản lý, sử dụng. Đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm xây dựng phương án khấu hao tài sản cố định; có kế hoạch duy tu, sửa chữa khi công trình bị hư hỏng, xuống cấp trong phương án sản xuất kinh doanh hàng năm.

Ông Phan Gia Phú chỉ rõ thực trạng, trước đây huyện có chủ trương ưu tiên các đơn vị HTX, DN trong huyện tiếp nhận các chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn thu tại chợ không cao, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) một số chợ chưa đảm bảo quy định. Vì thế, sau khi chuyển đổi đơn vị tiếp nhận phải đầu tư hệ thống PCCC với mức đầu tư gần 500 triệu đồng, trong khi nguồn thu tại chợ rất ít, chỉ đủ chi cho công tác quản lý. Chi phí đầu tư cải tạo sửa chữa cũng như chi phí khấu hao tài sản hàng năm rất khó cân đối. Chưa nói, một số chợ cần đầu tư cải tạo trước khi chuyển đổi nên kinh phí khấu hao tài sản hàng năm sẽ khá lớn, như TTTM huyện chi phí khấu hao hằng năm khoảng 100 triệu đồng. Đó là lý do DN, HTX trên địa bàn không mặn mà với việc tiếp nhận quản lý chợ.

“Hiện chúng tôi đang tập trung cho công tác kêu gọi đầu tư nhằm chuyển đổi thành công TTTM huyện và chợ An Xuân. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Trước mắt, chúng tôi sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người dân, HTX, DN trong xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, hiện đại, kiện toàn các ban quản lý chợ. Về lâu dài, cần nghiên cứu lại các quy định liên quan đến công tác chuyển đổi theo đặc thù chợ nông thôn như hộ kinh doanh ít, chỉ kinh doanh 1 buổi... tạo thuận tiện hơn trong công tác chuyển đổi. Ngoài ra, địa phương cũng rất mong có được đồng hành của tỉnh, các sở, ngành, DN trên địa bàn nhằm kêu gọi đầu tư chuyển đổi chợ”, ông Trương Duy Hải nói.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Return to top