ClockThứ Sáu, 26/02/2016 16:17

Giảm lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc

TTH - Cuối năm 2015, chính sách của Hàn Quốc tạo điều kiện cho lao động cư trú trái phép nếu tự nguyện về nước sẽ không bị xử phạt, rất nhiều lao động của Thừa Thiên Huế đã về nước theo hình thức này.

Lao động Thừa Thiên Huế làm việc tại Hàn Quốc 

 

Tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc của Thừa Thiên Huế xếp trong bảng dẫn đầu cả nước. Một địa phương có tỷ lệ lao động xuất khẩu Hàn Quốc không nhiều (khoảng 700 lao động) nhưng ở lại bất hợp pháp rất cao. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh có 150 lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa đến 50 người về nước đúng thời hạn. Không ít lao động Thừa Thiên Huế phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn, muốn ở lại nước ngoài lâu hơn. Trước khi đi lao động ở nước ngoài, người lao động thường phải vay mượn nên sức ép mau chóng hoàn trả vốn và có một khoản tích luỹ để làm ăn khi về nước rất lớn. Việc bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán…cũng nảy sinh những mâu thuẫn khiến lao động bất mãn, bỏ công ty nửa chừng, trở thành lao động bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Tiến Anh (Phong Điền) có con đi xuất khẩu lao động ở lại bất hợp pháp ở Hàn Quốc trải lòng: Nhiều lần gia đình vận động con về nước, chứ trốn chui, trốn lủi ở xứ người nguy hiểm lắm. Nói mãi mà nó chẳng nghe, cứ khăng khăng cho rằng, làm ở Hàn kiểu chi một tháng cũng có được 50 triệu, chứ về Huế làm nghề chi mà sống. Nói tiền nhiều rứa thôi chứ đã làm việc bất hợp pháp không ai quản lý, tiêu pha hoang phí, có tích cóp chi được mô”.

Ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động cho biết: Tình trạng này làm cho hàng trăm lao động ở Thừa Thiên Huế đang làm thủ tục đi làm việc ở Hàn Quốc phải tiếp tục chờ đợi một thời gian khi khó có khả năng Việt Nam giữ được thị trường này. Trước thực trạng lao động chưa về nước đúng thời hạn gia tăng, Sở Lao động Thương binh & Xã hội có nhiều giải pháp tích cực như nhắc nhỡ các gia đình ký cam kết vận động người thân đi làm tại Hàn Quốc thực hiện đúng hợp đồng, không vi phạm pháp luật.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP, thống nhất miễn xử phạt cho những lao động đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc tự nguyện về nước từ ngày 1/9/2015 đến hết ngày 31/12/2015. Đây là cơ hội cho người lao động về nước, không bị xử phạt. Sau thời gian thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, tỉ lệ lao động Việt Nam đi làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có xu hướng giảm rõ rệt. Tính riêng Thừa Thiên Huế con số này giảm mạnh, còn khoảng 100 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Anh Nguyễn Văn Sinh (Phú Vang), làm việc tại Hàn Quốc từ tháng 8/2009, mới về nước tháng 12/2015, kể: Lương cơ bản ở Hàn Quốc được 1.000 USD/tháng, nếu tích cực tăng ca được khoảng 1700 USD. Thời gian gần đây phía Hàn Quốc truy quét mạnh, nhiều người làm cùng bị bắt phạt gần 100 triệu đồng nên tôi nơm nớp lo sợ. Biết thông tin về nước vào thời điểm cuối năm sẽ không bị phạt, tôi quyết định về. Tôi định xin vào làm công nhân ngành cơ khí để có thu nhập ổn định”.

Cũng hoàn cảnh như anh Sinh, anh Nguyễn Văn Thanh ở thành phố Huế, đi Hàn Quốc năm 2010, cư trú bất hợp pháp từ 2014 đến nay, tự nguyện về nước. Anh Thanh cho biết, vì mình đã có quyết định xử phạt theo Nghị định số 95, nhưng biết được nguyện vọng về nước nên được miễn nộp phạt. Tôi xác định phải về quê, không thể ở Hàn Quốc mãi như thế này. Dù có tiền cũng là tạm bợ, mất mát cũng nhiều, tương lai không biết thế nào nên tôi tích cóp được một khoản tiền rồi về nước làm ăn.

Theo quy định của Hàn Quốc, người lao động có thể tái nhập cảnh nếu trong suốt quá trình làm việc họ không thay đổi chỗ làm và chấp hành nghiêm luật lao động nước sở tại. Ba tháng sau khi về nước, những lao động này sẽ được sang làm việc tại Hàn Quốc và được miễn kỳ kiểm tra tiếng Hàn, miễn giáo dục định hướng. Anh Phan Dũng Anh, một trong những lao động có 10 năm làm việc ở Hàn Quốc cho hay: Số lao động lưu vong thường là những người đi vào những năm 2009 -2010, chứ bây giờ lưu vong là trắng tay. Bởi lẽ, người lao động phải nộp tiền quỵ 100 triệu đồng trước khi đi, còn khi về nước vào phòng cách ly mới nhận được tiền lương, thưởng. Hơn nữa, mức lương ở Hàn Quốc đang được điều chỉnh khá cao, nếu làm liên tục sẽ có một khoản tiền thưởng khá lớn để về nước nên lao động không bỏ ra ngoài làm việc như trước đây”.

Nỗi lo lắng của nhiều lao động là không có việc làm sau khi về nước đã được giải tỏa. Các địa phương sẽ kết nối với những doanh nghiệp Hàn Quốc tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho lao động từ Hàn quốc trở về. Đến nay, đã có nhiều người có việc làm thông qua phiên giao dịch này với mức lương từ 8 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Huế Thu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

TIN MỚI

Return to top