ClockThứ Tư, 02/03/2016 06:52

Giảm sâu và tránh sâu

TTH - Việc xăng dầu giảm giá sâu – xăng Ron 92 giảm 04 lần với tổng mức giảm 2.650 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 16%); dầu diesel 0,05S giảm 03 lần, tổng mức giảm 2.400 đồng/lít (tỷ lệ giảm khoảng 20%) – đã làm cho người tiêu dùng khá dễ thở.

Tuy nhiên, sự dễ thở này mới chỉ đúng đối với những người có phương tiện chạy bằng xăng dầu. Còn những người tham gia giao thông bằng các phương tiện dịch vụ trả phí lại chưa thấy thoải mái khi cước vận tải chưa giảm, hoặc giảm rất ì ạch.

Theo những thông tin mà chúng tôi cập nhật được thì từ ngày 24/2, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh đã có thông báo gửi các cơ quan chức năng về việc giảm giá cước ở hai mức 500 đồng/km và 600 đồng/km đối với taxi 4 chỗ và taxi 6 chỗ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tiếp đó là một số hãng taxi khác như Savico, Airport, Sài Gòn Hoàng Long. Tại Thừa Thiên Huế, từ 26/2, taxi Mai Linh là đơn vị đầu tiên giảm giá cước từ 2% đến 4%, tương đương từ 300 – 500 đồng/km (báo Thừa Thiên Huế ngày 27/2). Theo cập nhật từ báo Dân Trí, bắt đầu từ 28/2, hãng taxi Vàng cũng giảm giá cước từ 300-500 đồng/km. Tiếp sau đó là Taxi Hương Giang, giảm khoảng 200đồng/km và taxi Hoàng Anh cũng đã có phương án giảm giá.

Lâu nay, dư luận đã lên tiếng rất nhiều lần về việc giá xăng dầu giảm nhưng giá cước không giảm. Một trong những lý do được các hãng, nhà xe chuyển đến người tiêu dùng là do giá xăng tăng giảm phập phù, không ổn định nên khó lòng thay đổi. Tuy nhiên, trước đợt giảm sâu như vừa qua, có thể nhận thấy, việc chậm giảm giá và chậm đều ở các doanh nghiệp, hãng, nhà xe cho thấy, ở đây phải chăng có sự bắt tay và nhìn nhau để tận thu và đẩy phần thiệt thòi về phía người có nhu cầu sử dụng các phương tiện tham gia dịch vụ giao thông. Trước đó, trong một diễn tiến khác, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định rằng, giá cước vận tải theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước, do vậy khi giá xăng dầu giảm thì giá cước cũng phải giảm. “Bị nói chây ì giá cước, tôi thấy nhục lắm” là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (dẫn theo Vietnamnet ngày 22/02).

Có lẽ áp lực từ Bộ Giao thông - Vận tải, áp lực từ chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và điều cơ bản nhất là áp lực từ phía người tiêu dùng và nhất là thấy không thể “tránh sâu” mãi được nên các doanh nghiệp, hãng xe... đã buộc phải giảm giá, dù động thái vẫn chậm và họ vẫn tiếp tục đưa ra những lý do cho việc chậm chạp này. Vấn đề là ở chỗ, tại sao khi giá xăng tăng, việc điều chỉnh tăng lại được thực hiện rất nhanh và không thấy doanh nghiệp nào đưa ra bất cứ lý do nào để làm chậm việc tăng cước?

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu

Đó là thông tin tại hội nghị sơ kết trực tuyến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào sáng 11/7.

Tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu
Return to top