ClockThứ Sáu, 21/06/2019 08:11

Gian nan & hạnh phúc

TTH - Nghề báo là nghề nguy hiểm. Nhưng nếu được chọn lại nghề, tôi sẽ chọn nghề báo.

Thừa Thiên Huế số đặc biệt với nhiều bài viết hay về nghề báo

Hơn 30 năm cầm bút, nghề báo đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc: Khó khăn, hạnh phúc, niềm vui đan xen. Sau mỗi chuyến đi xa, sau mỗi bài viết là những nỗi niềm đau đáu, những mơ ước cháy bỏng, những mong muốn tốt đẹp cho một vùng quê, cho những số phận kém may mắn... Nghề báo đã đem lại cho tôi những tình cảm đẹp, đáng trân trọng.

Cách đây 20 năm, đường lên hai huyện Nam Đông và A Lưới đầy gian nan khó khăn. Đường lên A Lưới là những ổ gà, ổ trâu chằng chịt. Một bên là vách núi dựng đứng; một bên là vực sâu hun hút. Đường lên Nam Đông rất nhỏ và trên mặt đường là những viên đá to rải đều. Ngồi trên xe thường xuyên bị xóc, đầu chạm trần xe. Chỉ có xe u-oát mới đi được trên những con đường này. Nhưng phóng viên đi công tác ở miền núi là chuyện cơm bữa!

Tôi bị say xe. Mỗi lần đi công tác ở hai nơi này về chẳng khác gì phải trảỉ qua một trận ốm nặng. Nhưng vì trách nhiệm nghề nghiệp vẫn cố gắng có tư liệu để viết bài. Có lần bác sĩ Lê Tấn Dũng hồi ấy là Trưởng trạm Y tế xã Thượng Long chở tôi lên Nam Đông bằng xe máy. Đường đang tu sửa. Dũng đang chạy xe thì đột ngột phanh gấp. Bánh xe phía sau quay vòng. Dũng hét to: Chị bám chặt vào người em. Tôi hoảng hồn làm theo lời của Dũng. Một viên đá to cũng gần bằng chiếc xe máy đang lăn từ trên cao xuống trước mặt chúng tôi. Dũng bảo: “Nếu không quen đường , lái xe không chú ý là chị em mình sẽ gặp nguy hiểm bởi viên đá này". Tôi nghĩ: Mình vừa chết hụt!.

Chuyến đi công tác dài ngày nhất lên A Lưới là 4 ngày để cùng Hội Cựu chiến binh Sở Y tế điều trị sốt xuất huyết cho người dân xã Hồng Thủy. Lúc đi thì tôi không có vấn đề gì về sức khỏe. Từ trung tâm A Lưới vào xã Hồng Thủy khoảng 40 km, nhưng đường đi quanh co, lên dốc, xuống đèo, làm cho tôi liên tục bị say xe. Đêm khó ngủ do khí hậu liên tục thay đổi trong ngày. Sáng phải thức dậy sớm để đi cùng đoàn đi về cơ sở nên ngày nào tôi cũng mệt. Ngày cuối cùng, đoàn về Bệnh viện A Lưới để chuẩn bị về lại Huế, tôi trong tình trạng cấp cứu. Bác sĩ Huy, ngày ấy là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế A Lưới đã cấp cứu cho tôi. Nhưng điều ấy không làm tôi ngại ngùng, mà điều day dứt nhất trong chuyến đi là nghĩ về con trai tôi. Hôm ấy, con trai không muốn xa mẹ, cứ chạy theo giữ xe máy của mẹ lại. Tôi dỗ mãi không nín, sợ muộn giờ đã hẹn, đành lấy roi quất nhẹ cậu một roi. Con khóc. Dỗ nín rồi, tôi lên xe. Đêm ấy, đã 22h, tôi điện về nhà. Ba tôi bảo: Con trai tôi không chịu đi ngủ, cứ bắc ghế ngồi ở đầu hè, chờ mẹ về!

Đã là nghề phóng viên thì phải chịu nhiều vất vả, phải vượt qua nhiều khó khăn mới thành công được trong nghề nghiệp. Với phụ nữ thì những khó khăn đó còn tăng lên bội phần. Nhưng từ những khó khăn gian nan ấy đã trở thành những cảm xúc để nhà báo thành công ở mỗi tác phẩm của mình.

Là phóng viên viết về ngành y tế, những chuyến đi xa đầy gian nan vất vả, chứng kiến những thiệt thòi, mất mát của nhiều cuộc đời bất hạnh, của đồng bào dân tộc. Sự nghèo khổ, không có tiền chữa bệnh của người dân nơi đây đã cho tôi nhiều cảm xúc để thăng hoa trong mỗi bài viết. Những cảm xúc ấy đã giúp tôi thành công trong nhiều bài viết ở thể loại phóng sự.

Năm 1999, phóng sự: “Hồng Thủy chống chọi với bệnh sốt rét" của tôi đạt giải C báo chí của Bộ Văn hóa Thông tin. Tôi cũng nhiều lần đạt giải báo chí toàn tỉnh và đạt giải khuyến khích giải Báo chí Quốc gia (năm 2012). Sau mỗi bài báo đạt giải là động lực lớn để tôi phấn đấu.

Nghề báo đã se duyên cho tôi những tình cảm đẹp, trân trọng. Trong đó có hai bệnh nhân đặc biệt, được ghép thận, ghép tim.

Năm 2001, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép thận. Bệnh nhân đầu tiên được ghép thận là Trần Thanh Sơn, 25 tuổi, công tác tại Trung tâm Dân số Quảng Bình. Đây là sự kiện lớn của Bệnh viện Trung ương Huế nên tôi rất quan tâm. Sơn chờ ghép thận với tâm trạng lo lắng, hồi hộp, tôi luôn đến thăm Sơn (lấy tài liệu để đưa tin) và hay động viên em. Sau khi ghép thận thành công, Giáo sư Phạm Như Thế ngày ấy là Giám đốc Bệnh viện đưa tôi đến thăm Sơn. Lúc này Sơn đã tỉnh táo và tâm trạng khác hẳn. Sơn vui mừng, cảm động. Tôi viết về thành công của ca ghép thận. Sơn giữ mãi tờ báo ấy đến tận bây giờ. Năm 2015, Sơn ghép thận lần thứ hai. Tôi đến thăm Sơn. 18 năm qua, chúng tôi thân thiết, quí trọng và cùng sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của hai gia đình.

Bệnh nhân được ghép tim đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2011 là Trần Mậu Đức (26 tuổi, trú tại phường Phú Hội, TP. Huế). Đây là bệnh nhân tôi theo dõi từ khi chờ ghép tim cho đến lúc tỉnh táo. Những lần phỏng vấn chờ ghép tim, hỏi thăm sức khỏe và viết bài về cuộc sống của Đức sau ghép tim khiến tôi và Đức thân thiện nhau hơn. Giờ mỗi lần qua Bệnh viện Trung ương Huế, nhìn vào phòng bảo vệ, tôi vẫn chạy chậm xe lại, đưa tay chào Đức...

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20 3  Hạnh phúc cho mọi người
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Return to top