ClockThứ Tư, 09/01/2013 11:01

Giáo sư cảm ơn nhà thơ vì bài vè ngủ gật

TTH - Mình đang ngồi chữa lại bài thơ vừa mới viết về kỷ niệm tuổi học trò để ngày mai ra Hoàn Lão dự hội trường. Mình vốn là cựu học sinh khóa đầu tiên (1965-1966) của trường cấp 3 Bố Trạch (Quảng Bình). Mái trường cấp 3 Bố Trạch để lại trong mình rất nhiều kỷ niệm. Gương mắt của các thầy cô, các bạn lần lượt hiện lên trong tâm trí mình...

Bỗng nghe tiếng gõ cửa, mình hơi chột dạ. Đã gần mười giờ đêm rồi mà ai còn đến tìm mình vào lúc này? Nhìn qua khung kính, mình thấy một người đàn ông tầm thước, tay xách cặp da, gương mặt trông rất quen. Mình cố nhớ người đàn ông kia là ai, đã gặp ở đâu mà không tài nào nhớ được. Mình thận trọng mở cửa. Vị khách nở nụ cười rất tươi:

- Nhà thơ quên tớ rồi à?
 
Hơi ngờ ngợ một tí, nhưng cái giọng vùng Hạ Trạch - quê hương nhà thơ Lưu Trọng Lư của vị khách làm mình nhận ra ngay người bạn vẫn ngồi cạnh mình thuở đang học phổ thông:
 
- Châu đó phải không? Phan Đình Châu!
 
Hai chúng mình ôm chầm lấy nhau.
 
- Đã hơn 40 năm rồi còn gì! Châu thay đổi nhiều quá, suýt nữa thì mình không nhận ra. “Ngọn gió” nào đưa cậu đến giữa đêm hôm khuya khoắt thế này?
 
- Trên đường vào dự hội trường, chợt nhớ “món nợ” tớ quyết định đi thẳng vào Huế gặp cậu để “trả nợ”.
 
- Châu nói gì mình không hiểu. Mình với Châu nợ nần gì nhau. Nhưng nếu có nợ nần thật chúng ta sẽ giải quyết sau. Bây giờ thì cậu phải tắm rửa, nghỉ ngơi cái đã!
 
Trong khi người bạn học cũ đang tắm, mình cố nhớ lại thời học sinh Châu đã nợ mình cái gì? Hồi đó, hình như Châu có nhờ mình làm mấy bài thơ để tán nàng “Tóc Mai”. Chắc cậu ta định trả “nhuận bút” đây? Mình suy đoán và cố nín cười. Nhờ học giỏi Phan Đình Châu được chọn đi học nước ngoài, giờ là giáo sư - tiến sĩ đang dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời chiến tranh, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng may mắn được học với các thầy cô giỏi nên các thế hệ học sinh cấp 3 Bố Trạch có nhiều người khá thành đạt. Riêng lớp mình do thầy Lê Lợi chủ nhiệm vừa có giáo sư vừa có nhà thơ. Các lớp khác như lớp của Nguyễn Hữu Quý (Đại tá, nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội) có nhà thơ nhưng chưa có giáo sư, hay lớp của Nguyễn Hữu Đức (Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) có giáo sư nhưng chưa có nhà thơ.
 
Châu thùng thình trong bộ đồ ngủ sọc nâu, đến mở cặp da lấy ra chai rượu “ông già chống gậy”, thủng thẳng nói:
 
- Đây là món quà mà tớ dùng để “trả nợ” cho cậu. Tớ muốn thức với cậu trọn đêm nay để thanh toán “món nợ” giữa hai chúng ta.
 
- Được thôi! Nhưng mình sợ cậu đi đường đang mệt. Ngày mai, hai chúng ta cùng ra dự hội trường, tha hồ mà thanh toán “nợ nần”.
 
- Nếu thế thì tớ đánh đường vào Huế gặp cậu làm gì!
 
Biết là không thể nào lay chuyển được ý định của bạn, mình bảo vợ nướng mấy con mực khô - đặc sản vùng biển quê mình làm đồ nhấm. Hai chúng mình vừa nhâm nhi vừa trò chuyện.
 
Té ra chuyện “trả nợ” mà Phan Đình Châu nói nguyên do là chỉ tại bài Vè ngủ gật! Hồi học phổ thông, Châu hay ngồi ngủ gật trong lớp, bị các thầy cô nhắc nhở luôn nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Mình học giỏi văn, thầy giáo chủ nhiệm phân mình phụ trách báo tường. Tờ báo tường có chuyên mục “Chuyện lớn, chuyện nhỏ” góp ý phê bình những hiện tượng không tốt trong lớp. Mình đã sáng tác bài Vè ngủ gậtchế diễu Châu. Bài vè được thầy chủ nhiệm đọc to cho cả lớp nghe trong giờ sinh hoạt, làm Châu hết sức xấu hổ.
 
- Hồi đó tớ căm cậu lắm, cậu đã đưa tớ ra bêu rếu. Bài vè của cậu lan khắp cả trường. Nàng “Tóc Mai” hễ gặp tớ là trêu:
 
Vè vẻ vè ve…
Nghe vè ngủ gật!
 
Gió nồm lất phất
Thổi nhẹ vào phòng
Châu ngồi thong dong
Ngáp dài, ngáp ngắn
Lưng thời éo ắn
Cúi mặt xuống bàn
Nói chuyện lan man
Không nghe thầy giảng
Thế rồi chưa chán
Mắt cứ lờ ra
Ngủ gật, ngủ gà
 
- Châu nhắc lại bài Vè ngủ gậtmình mới nhớ. Mình thành thật xin lỗi Châu. Điều làm mình ân hận từ bấy đến nay là mình sống quá hời hợt. Lẽ ra mình phải tìm hiểu hoàn cảnh của cậu để thông cảm với cậu. Đằng này mình lại đưa cậu ra bêu rếu, diễu cợt bằng một bài vè. Chính “Tóc Mai” chứ không phải ai khác đã nói cho mình biết: Hồi đó hoàn cảnh gia đình cậu hết sức khó khăn. Cậu phải đi nơm cá suốt đêm để kiếm tiền ăn học. Vì thế mà đến lớp cậu cứ ngủ gà, ngủ gật. Giá biết điều đó sớm hơn, chắc chắn mình sẽ không bêu xấu cậu bằng bài Vè ngủ gật ấy. Một lần nữa cho mình thành thật xin lỗi cậu! Điều mà mình không thể hiểu được là vì sao Châu lại thuộc bài vè ấy cho đến tận bây giờ?
 
Phan Đình Châu rót hai li rượu thật đầy. Chúng mình cùng cụng ly.
 
- Đúng là lúc đó tớ rất ghét cậu. Cứ nhìn thấy cậu là tớ muốn tống một quả đấm vào mặt. Bài Vè ngủ gậtcủa cậu đã kích động lòng tự ái của tớ. Thế là tớ nảy ra ý định phải làm cho cậu biết tay! Cả nàng “Tóc Mai” nữa, tớ phải “trả thù” nàng và cậu bằng cách riêng của tớ. Cách “trả thù” của tớ là phải học thật giỏi để “Tóc Mai” và cậu biết tay anh chàng ngủ gật! Như cậu đã biết, muốn học giỏi tớ phải quyết tâm chống lại những cơn buồn ngủ bằng rất nhiều cách, kể cả việc bôi ớt vào mắt cho nó cay xè...Và tớ đã thành công! Hôm tổng kết lớp, thầy chủ nhiệm công bố danh sách những học sinh giỏi toàn diện, khi đến tên tớ, tớ đưa mắt nhìn cậu với cái nhìn đầy kiêu hãnh, chắc cậu còn nhớ? Nhưng sau này, ngồi ngẫm lại tớ mới thấy mình đúng là trẻ con. Tại sao đi căm tức một người đã giúp mình từ bỏ một thói xấu? Nếu không có bài Vè ngủ gật của cậu, nếu không có những lời trêu chọc của “Tóc Mai”, chắc gì tớ được như hôm nay. Đó là lý do mà tớ quyết định đi thẳng vào Huế để nói lời cảm ơn tác giả bài Vè ngủ gật. Bây giờ cậu đã hiểu vì sao tớ thuộc lòng bài vè của cậu rồi chứ?
 
Và hai chúng mình say sưa nhắc lại những buổi cùng nhau đi nhặt phân, đắp đê, đào ao thả cá… Rồi cùng “ngủ ngật, ngủ gà lúc nào không biết”.
Mai Văn Hoan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top