ClockThứ Ba, 20/11/2018 07:15

Giáo viên trường nghề “xuất ngoại”

TTH - Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều giáo viên trường nghề được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Hành trang họ mang về là kiến thức, phương pháp, kỹ năng, công nghệ để truyền đạt cho sinh viên.

Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế tổ chức hội giảngTrường nghề thiếu người học nghề

Giảng viên Lê Thị Hoài Hương (giữa) hướng dẫn kỹ năng nghề cho sinh viên

Học phương pháp giảng dạy

Trở thành giảng viên ở Trường cao đẳng Du lịch Huế, cô giáo Lê Thị Hoài Hương, Trưởng khoa Quản trị khách sạn – nhà hàng được tham gia nhiều khóa đào tạo ở Bỉ, Áo, Pháp và Luxembourg. Điều này không chỉ giúp cô xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp mà còn có thể cung cấp cho sinh viên những trải nghiệm về văn hóa, đời sống ở nước bạn – những kiến thức cần thiết với sinh viên ngành du lịch. Cô Hoài Hương cho biết: “Tôi tham khảo chương trình giảng dạy của Pháp, cách tổ chức bài giảng, các giờ học, sau đó kết hợp thêm với văn hóa Á Đông để hình thành chương trình giảng dạy có thể linh hoạt phục vụ được nhiều dòng khách khác nhau”.

Theo cô giáo Hoài Hương, sinh viên ở các nước phương Tây được học trong môi trường thật nên tiến bộ rất nhanh, trong khi đó sinh viên của ta vẫn thụ động. Để tạo ra sự thay đổi, cô áp dụng phương pháp rèn luyện tính chủ động cho sinh viên. Cô nhấn mạnh: “Đối với giảng viên, phương pháp giảng dạy rất quan trọng để sinh viên rèn luyện tính chủ động, các kỹ năng. Với giảng viên ngành du lịch, những chuyến đào tạo ở nước ngoài là dịp trải nghiệm văn hóa, cuộc sống để tìm hiểu thị hiếu, thói quen của các dòng khách, truyền đạt cho sinh viên, từ đó bài giảng cũng phong phú, sôi nổi và thu hút”.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Chúc (thứ 3, từ phải sang) hướng dẫn mô hình sáng tạo cho sinh viên

5 năm học thạc sĩ và tiến sĩ ở Hàn Quốc, 3 năm làm việc ở Úc cùng các khóa đào tạo ngắn hạn ở Anh, Thái Lan là cơ hội để TS. Nguyễn Hữu Chúc, Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Hợp tác quốc tế, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế học hỏi được các phương pháp giảng dạy và đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Tâm huyết với các dự án đổi mới phương pháp giảng dạy, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, TS. Nguyễn Hữu Chúc trở thành một trong những giảng viên nguồn truyền kinh nghiệm cho các giảng viên khác về phương pháp đổi mới giảng dạy. Thầy còn phụ trách Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, hỗ trợ cho sinh viên biến ý tưởng thành sản phẩm. TS. Nguyễn Hữu Chúc chia sẻ: “Từ các lớp đào tạo ở nước ngoài, tôi học được nhiều điều bổ ích, nhất là tiếp cận phương pháp giảng dạy của các nước phương Tây: lấy người học làm trung tâm, dạy theo thực tế. Chúng tôi đã áp dụng giảng dạy thí điểm theo mô hình này”.

Theo TS. Nguyễn Hữu Chúc, có đến 60% sinh viên ở Việt Nam ra trường doanh nghiệp phải đào tạo lại, trong đó chủ yếu là do yếu kỹ năng mềm. Xác định kỹ năng mềm quan trọng không kém kỹ năng nghề, 2 năm nay, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế áp dụng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, như: kỹ năng trình bày, làm việc nhóm, giao tiếp, tìm kiếm việc làm, để khi ra trường, sinh viên có kỹ năng toàn diện chứ không chỉ là kiến thức. Điều đó giúp nhiều sinh viên có cơ hội làm việc và giữ những vị trí cao ở các công ty nước ngoài.

Nâng cao năng lực

Ở Trường cao đẳng Du lịch Huế, hầu hết các giảng viên đều được cử đi đào tạo ở nước ngoài về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, năng lực khảo thí, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng mềm theo phương thức đào tạo tiên tiến. Đây là cơ hội để các giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. ThS. Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho hay: “Nhà trường chú trọng đầu tư và bồi dưỡng có trọng tâm cho đội ngũ giảng viên nhằm cập nhật và nâng cao năng lực giảng dạy, đào tạo nghề. Từ đó, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp du lịch”.

Những khóa đào tạo ở Úc, Luxembourg, Pháp, Malaysia, Thái Lan… giúp giảng viên cập nhật, làm phong phú thêm nội dung bài giảng, cách tổ chức các địa điểm học nghề mở, như: ngoài trời, tại doanh nghiệp, tự tổ chức sự kiện hoặc các mô phỏng bằng công nghệ thông tin mà giảng viên học được từ các chương trình đào tạo tiên tiến. Cô Thúy Nga khẳng định: “Họ đóng góp rất nhiều trong phát triển tịnh tiến chất lượng đào tạo và nghiên cứu ứng dụng của Trường cao đẳng Du lịch Huế, tham gia vào các hội đồng thẩm định quốc gia, các đề tài cấp bộ và đã trở thành những thẩm định viên quốc gia, khu vực ASEAN về các nghề du lịch và khách sạn”.

Với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, việc đào tạo giảng viên ở nước ngoài là chiến lược phát triển nguồn nhân lực của nhà trường, có khoảng 60-65% giảng viên đã được đào tạo, tập huấn và học tập ở nước ngoài. Trường kết nối với nhiều đối tác quốc tế, như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, các dự án KOSEN, USAID-COMET, chương trình đào tạo nghề chuẩn Đức… Thông qua các đối tác này tài trợ một phần kinh phí cho các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao năng lực.

Theo TS. Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, hiệu quả của việc học tập, đào tạo ở nước ngoài rất quan trọng cho sự phát triển của nhà trường. Giảng viên thay đổi được tư duy, thái độ làm việc, năng lực chuyên môn của giảng viên tăng lên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top