ClockThứ Hai, 12/11/2018 14:25

"Giàu" không nhờ đôi mắt

TTH - “Số phận lấy đi ánh sáng của đôi mắt, nhưng cuộc đời thắp sáng những ước mơ, hoài bão cho em. Với em, được học hành tử tế là niềm hạnh phúc lớn”, Nguyễn Thị Yến Anh, cô gái khiếm thị bẩm sinh nói trong nụ cười rạng ngời.

Khuyến học ở SịaĐại học Huế khen thưởng khuyến khích tài năng sinh viên và tuyên dương thủ khoa

Nguyễn Thị Yến Anh là tấm gương sáng về sự hiếu học và nỗ lực không ngừng nghỉ

Hiếu học

Bắt đầu ở nội trú và học tiền hòa nhập tại Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù (thuộc Hội Người mù tỉnh) từ thuở lên 5 tuổi, cô gái nhỏ Yến Anh của ngày ấy đã tìm thấy niềm đam mê khi được học con chữ, được tiếp thu kiến thức. Thế giới của em trở nên rộng lớn, bao la và ngập tràn sắc màu, sống động âm thanh, xóa tan những ngăn cách vì không nhìn thấy ánh sáng. Yến Anh xúc động nói đó là ngôi nhà thứ hai đã trang bị cho em những kiến thức và kỹ năng sống để hòa nhập và nuôi lớn ước mơ.

Việc học là một hành trình đầy gian nan, nhất là với trẻ em khiếm thị. “Những khó khăn trong việc học chữ nổi có khi làm đau nhức cả bàn tay nhưng em luôn cố gắng để vượt qua. Ngày ấy, chúng em và thầy cô gặp nhiều khó khăn vì thiếu trang thiết bị, sách giáo khoa và chưa có máy vi tính”, Yến Anh hồi tưởng về những ngày đầu đến lớp.

Sau khi hoàn thành lớp 3 tại trung tâm, từ lớp 4 em bắt đầu học hòa nhập cùng bạn bè đồng trang lứa bình thường khác. Việc học lúc này thêm nhiều khó khăn mới, khi những đứa trẻ bình thường dùng sách chữ in, nhìn bảng đen phấn trắng thì Yến Anh dùng sự tinh tế của đôi tay để đọc và viết chữ nổi. Trong những buổi học yên ắng, tiếng lạch cạch phát ra mỗi khi Yến Anh gõ bảng chữ nổi cứ đều đặn vang lên đã trở nên quen thuộc trong tất cả thành viên lớp. Giờ ra chơi, em nhờ bạn cùng lớp đọc kiến thức trong sách giáo khoa, đọc những gì thầy cô viết trên bảng để tự viết lại bằng chữ nổi, sau đó về nhà học bài. Những buổi học lý thuyết nhiều, Yến Anh gõ bài tới nỗi tê cứng đôi bàn tay.

Trái ngọt

Em bắt đầu biết đến môn tiếng Anh từ những năm trung học cơ sở và niềm yêu thích như một hạt giống nhỏ gieo vào lòng em tự lúc nào không hay. Sau giờ lên lớp, trở về khu nội trú của trẻ khiếm thị tại trung tâm, Yến Anh nhờ những người mắt sáng đọc cho mình viết từng chữ cái để học ngoại ngữ.

“Em mê học tiếng Anh lắm. Nhưng hồi đó, Trường đại học Ngoại ngữ Huế từ chối nhận sinh viên khiếm thị vì chưa có thiết bị và kỹ năng để đào tạo chuyên biệt. Lúc đó, em buồn, khóc mãi”. Vượt qua nỗi buồn vì không được học đúng ngành mình mơ ước, Yến Anh chọn thi vào ngành Đông phương học, Trường đại học Khoa học Huế. Em cho rằng, đây là ngành học hay để có thể hiểu nhiều thêm về văn hóa, đồng thời gián tiếp có liên quan đến tiếng Anh.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, Yến Anh tiếp tục con đường chinh phục tri thức bằng cách “ẵm” học bổng Australia Awards Scholarship (AAS) - Học bổng Chính phủ Úc cho chương trình thạc sĩ chuyên ngành quản lý lãnh đạo trong giáo dục tại Trường đại học LA – TROBE, thành phố Melbourne, Australia. “Từ những năm học trung học cơ sở, em đã rất thích học tiếng Anh và nung nấu ý định đi du học. Bởi em nghĩ, cần phải vượt qua những giới hạn của bản thân để tiếp cận thêm nhiều tri thức mới. Có lẽ nhờ kết quả tốt nghiệp đại học tốt, tiếng Anh ổn và sự tạo điều kiện của Hội Người mù tỉnh đã giúp em có được học bổng này”, Yến Anh chia sẻ.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, nhận xét: “Yến Anh là cô gái thông minh và nghị lực. Cháu đã nỗ lực học tập và bây giờ gặt hái được nhiều thành công trên con đường chinh phục học vấn. Cháu cũng là niềm tự hào, là tấm gương sáng truyền động lực cho những trẻ em khiếm thị khác”.

Yến Anh cho biết sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ, được trau dồi, mở mang kiến thức, em sẽ trở về Việt Nam để chia sẻ, ứng dụng những kiến thức đã được học vào công việc, phục vụ cho xã hội.

Bài, ảnh: ĐỖ HOÀNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Gần 1.000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ

Ngày 3/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức chương trình Ngày hội trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh.

Gần 1 000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ
Du học khi ước mơ đủ lớn

Không dễ có quyết định cho con sống xa nhà tận trời Tây, khi các em đang ở độ tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy nhiên, với nhiều chương trình du học hấp dẫn mời gọi, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi “tiền trăm, bạc triệu” cho con có những trải nghiệm thú vị ở xứ người.

Du học khi ước mơ đủ lớn

TIN MỚI

Return to top