ClockThứ Năm, 23/09/2010 14:27

Gìn giữ, trao truyền “ngón nghề” cho hậu thế

TTH - Nhã nhạc cùng một số loại hình diễn xướng cung đình là minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hoá đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Đáng nói, hiện những tài liệu lịch sử về chúng còn lại không nhiều; trong khi không gian diễn xướng nguyên thuỷ không còn và số nghệ nhân, nghệ sĩ hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng của những loại hình này còn quá ít ỏi… Thực tế này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề khó trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Hồ sơ khoa học về các nghệ nhân, nghệ sĩ Nhã nhạc, Tuồng cung đình và Múa cung đình lần đầu tiên được thực hiện sẽ là sự khởi đầu để từng bước giải quyết vấn đề trên.

Tài liệu khoa học có ý nghĩa

Nhóm tác giả thực hiện hồ sơ khoa học này gồm 4 thành viên và 1 cộng tác viên của Phòng Nghiên cứu - Nghệ thuật, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Thành quả sau gần một năm điền dã, tiếp cận với 20 nghệ nhân, nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật Nhã nhạc, Tuồng và Múa cung đình đang sinh sống ở Huế và các vùng phụ cận, nhóm đã hoàn thành hồ sơ viết, 250 trang, giới thiệu về sự nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ và ký âm các bài bản do họ thể hiện; 22 băng ghi âm, mỗi băng 90 phút; 45 đĩa DVD, mỗi đĩa dài 20 phút với nội dung ghi lại các kỹ thuật trình tấu, những kỹ năng nghề nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ.


Nghệ nhân Trần Kích và cháu nội Trần Diệp đang trình tấu. Ảnh: huedisan.com.vn

Bằng cách tiếp cận với những tài liệu chính sử của triều Nguyễn, gặp gỡ những nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động nghề nghiệp liên quan, hồ sơ không những giới thiệu một cách hệ thống và đầy đủ toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của các loại hình diễn xướng cung đình, mà còn giới thiệu sự nghiệp hoạt động của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhấn mạnh những “ngón nghề” mỗi người đang nắm giữ; đồng thời, hệ thống hoá những bài bản trình tấu bằng ký âm, những trích đoạn tuồng do các nghệ nhân, nghệ sĩ diễn xuất bằng hình ảnh… Ông Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế gợi mở: “Lập hồ sơ khoa học về các nghệ nhân, nghệ sĩ là chúng ta gìn giữ lại cho thế hệ mai sau những ngón nghề, những bí quyết nghề nghiệp mà các nghệ nhân, nghệ sĩ hôm nay đang nắm giữ. Đây cũng là cơ sở để chúng ta xây dựng hệ thống “Báu vật nhân văn sống” về Nhã nhạc, Tuồng và Múa cung đình sau này”.
Vừa qua, hồ sơ khoa học về các nghệ nhân, nghệ sĩ đã an toàn “qua cửa” Hội đồng thẩm định khoa học của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và đang được bổ sung, hoàn thiện để hoàn chỉnh hơn. Điều này càng khẳng định, những giá trị mà hồ sơ đã thể hiện: cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về lịch sử hình thành của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế; sự nghiệp của các nghệ nhân và nghệ sĩ đối với việc bảo tồn các loại hình diễn xướng cung đình ở Huế; đồng thời, đưa ra những kiến nghị và đề xuất cần thiết. Trao đổi với anh Trương Trọng Bình, đồng tác giả của nhóm biên soạn về công việc này, anh bảo: “Khó nhất là quá trình tiếp cận với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Mình vừa tạo sự tin tưởng, vừa tạo được sự thoải mái để các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn hết khả năng mà họ đang nắm giữ”.
Tôn vinh “di sản sống”
Trong những trang viết của hồ sơ, tôi thích dừng lại lâu ở “Sự nghiệp của các nghệ nhân, nghệ sĩ đối với việc bảo tồn các loại hình diễn xướng cung đình ở Huế”. Nhất là được đọc những kỷ niệm nghề của họ, nhẹ nhàng như lời tâm sự và cảm nhận rõ cái tình với nghề nặng trĩu. Đây không chỉ là cách để hồ sơ thể hiện đầy đủ về con đường theo nghề của các nghệ nhân, nghệ sĩ, mà cũng là cách để tôn vinh những người vốn được trân trọng coi là “di sản sống” đối với các loại hình diễn xướng cung đình. Trước họ, tôi lại nghĩ nhiều đến “kiếp tằm”, từ của một tác giả đã dùng khi viết về một lớp nghệ sĩ sân khấu lão thành, suốt đời vì sự nghiệp, chấp nhận như con tằm quấn mình trong cái kén để nhả sợi tơ vàng.

Một trang viết giới thiệu về nghệ sĩ.

… Câu chuyện của nghệ sĩ Trương Tuấn Hải từ những ngày lên 8 lên 10, thường được bố mẹ hoá trang vào các vai diễn rồi ngồi lên xe ba gác, kéo quanh các con đường của thành phố Huế để quảng cáo cho những vở tuồng diễn đêm…; chuyện của NSUT La Thị Cẩm Vân, một cô bé 9 tuổi rụt rè trước đám đông, sợ đến nỗi không dám ra sân khấu liền bị cha đánh đau. Khóc. Không ngờ, khóc do bị cha đánh đau lại là ấn tượng đầu tiên cô bé Cẩm Vân thuở ấy đã làm động lòng khán giả với cảnh diễn “khóc mẹ mất”... NSUT Thanh Long san sẻ: “Là một diễn viên Tuồng, Múa hát cung đình lâu năm, tôi rất tiếc bởi Tuồng Huế không còn rực rỡ như trước đây nữa. Chỉ ước mong lãnh đạo các cấp quan tâm bảo tồn và phát huy như một số nước trong khu vực đã làm. Được như thế, nghệ sĩ càng yên tâm diễn và cống hiến lâu dài cho sự nghiệp”.
Nhã nhạc, Tuồng cung đình, Múa cung đình là loại hình nghệ thuật chủ yếu được các nghệ sĩ kế thừa qua truyền khẩu, truyền nghề và truyền ngón. Để có khả năng tiếp thu được sự trao truyền của các nghệ nhân, nghệ sĩ thì yêu cầu đối với người học trò là phải có tố chất, tâm huyết. Nhưng điều trước tiên là cần một chính sách cụ thể, một cơ chế hiệu quả để đạt được kết quả tốt nhất trong sự hợp tác với các nghệ nhân, nghệ sĩ, tạo điều kiện để họ toàn tâm toàn ý trao truyền những kỹ năng nghề nghiệp cho hậu thế. Đây là một trong những vấn đề mà hồ sơ này đã đặt ra. Như thế, những “kiếp tằm” mới thực sự được tôn vinh.
 

Lớp nhạc công Nhã nhạc kế cận.

Điều này lại thêm một lần được mở ra từ ý kiến của ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế: “Thiết lập hồ sơ khoa học về các nghệ nhân, nghệ sĩ đang nắm giữ các bí quyết về âm nhạc cung đình là một nỗ lực rất lớn của nhóm nghiên cứu thuộc Nhà hát. Đây là một nội dung nằm trong kế hoạch bảo tồn và phát huy âm nhạc cung đình Huế do Trung tâm thực hiện từ năm 2005 đến nay. Các kết quả đạt được chỉ là cơ sở để chúng tôi tiếp tục rút kinh nghiệm và mở rộng việc điều tra lập hồ sơ nghệ nhân, đồng thời chuẩn hoá các thông tin để phục vụ cho một dự án xây dựng cơ sở dữ liệu âm nhạc cung đình Huế, dự kiến sẽ triển khai đầu năm tới. Chúng tôi rất mong có sự phối hợp của các ban ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà chuyên môn cho dự án này”.
 
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top