ClockChủ Nhật, 09/12/2018 14:50

Gió dã quỳ

TTH - Tôi cũng không nhớ mình đã chạm vào dã quỳ lần thứ mấy, kể từ một ngày đã quá xa trên phố thị Pleiku, cũng trong một buổi sáng giá lạnh se sắt.

Giữa khi những bông cúc họa mi mong manh được giăng đầy trên các news feed, tôi lại ngược đường lên Tây Nguyên. Hôm đó bạn đón tôi trong chiếc áo dạ mơ vàng. Điện thoại ngơ ngác tìm nhau trên sân ga, dù chỉ cách có mấy bước chân. Chẳng phải vì Liên Khương quá đông mà hình như gió bạt. Cũng có thể vì bạn tôi đã có những phút còn lãng đãng hơn cả gió. Điều này, tôi đoan chắc là chỉ mình phát hiện ra...

Hôm ấy, gió luồn trong nắng trên Quốc lộ 20. Đường vắng. Dã quỳ miên man bên đường và trên các triền núi xấp xoãi. Bạn chỉ tôi về phía dã quỳ trong những câu chuyện lưng lửng. Mà cũng có thể là những câu chuyện đã bị cắt vụn ra giữa những lưng lửng sóng vàng. Tôi nhớ mình như đã nhìn thấy màu dã quỳ trong thư mời bạn gửi mọi người, về một cuộc gặp gỡ. Những chộn rộn cũng từ đó làm sóng sánh bước chân.

Tôi cũng không nhớ mình đã chạm vào dã quỳ lần thứ mấy, kể từ một ngày đã quá xa trên phố thị Pleiku, cũng trong một buổi sáng giá lạnh se sắt. Hồi ấy cũng là mùa khô. Có rất nhiều lạ lẫm của người đến từ xứ mưa là Huế. Hồi ấy, dã quỳ có màu của xốn xang, mong mỏi. Để đến khi rời đi, đến một miền dã quỳ khác một vài ngày sau đó, tôi đã nhận ra dã quỳ, té ra là màu của ngang ngạnh, bất cần trên cung đường gió bụi. Cái màu vàng chẳng hề lầm lũi sau những chuyến xe qua.

Không lạ lẫm nữa, nhưng những lần trở lại, dã quỳ vẫn mang đến những cảm giác khó tả. Sau rất nhiều loay hoay để xác định trạng thái, tôi mơ hồ nghĩ về một sự gần gũi, cũng đánh thức và lay động lắm nhưng vốn dĩ lại không thuộc về mình. Dã quỳ lúc ấy cũng dạt ra vùng ngoại biên, nhường chỗ cho những sắc màu phố thị. Cũng có thể vì tôi đã đến vào cuối mùa, khi lá của cây đã không còn xanh nữa, chỉ màu vàng chừng như đã thắm lại, ân cần và bao dung hơn trong gió cuối mùa ngỗ nghịch.

Thuộc về Tây Nguyên, cũng không phải là đặc trưng riêng của thủ phủ các loài hoa, nhưng dã quỳ lại là lời chào dễ thương nhất ngay khi tôi vừa ra khỏi sảnh chờ của sân bay Liên Khương. Khi ấy nắng. Tôi đã dõi mắt ra ngoài khung cửa trên con đường rộng, biết dã quỳ đang mùa lang thang trên núi đồi. Lần nào nhỉ, khi thảng thốt bởi những bước chân dã quỳ, màu dã quỳ và sự thản nhiên đến bất cần của dã quỳ để xinh đẹp trong gió bụi, tôi đã nghĩ về sự thản nhiên đẹp của những cô gái di - gan.

Thực ra thì chỉ có người đời là trau chuốt và cầu kỳ thôi, khi “quây” dã quỳ về một vùng nào đó, rồi đặt cho nó những cái tên mang sắc màu lễ hội. Chắc chắn là nếu không có những định danh mới ấy, những quần tụ mới ấy, dã quỳ vẫn trở lại trong mùa của mình để làm những ai đó thấy bất cần hay xốn xang, ngỗ nghịch hay ân cần. Tôi thích những gì thuộc về tự nhiên. Như sắc vàng bên đường, trên núi và sự lay động bởi sắc màu rực lên trong một ngày nắng gió. Đó cũng là một trạng thái khác, tinh thần khác khi dã quỳ trên vùng núi phía bắc trông khẽ khàng và nhu mì hơn chứ không rừng rực như trên vùng đất bazan này.

Khi đứng ở ban công khách sạn để nhìn ra vùng hồ Tuyền Lâm tĩnh lặng, tôi đã cố tìm chút bất cần của dã quỳ nhưng chỉ thấy dáng thông trầm yên trong sương phủ. Nhớ con đường lên phía ấy cũng vắng bóng dã quỳ. Có những hàng cây đang mùa rụng lá và nếu chịu khó quan sát, người đi sẽ bắt gặp những nụ đào nở vội. Không biết đây không phải là nơi chốn của dã quỳ, hay chỉ vì người ta đã dời dã quỳ đi để giành chỗ cho những trú ẩn khác?

Không muốn gọi tên, và có thể là khó xác định về những trạng thái của cảm xúc, nhưng với tôi, dã quỳ không chỉ đơn thuần là tên của một loài hoa...

NGÂN HẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top