Thế giới

Giới học giả thất vọng khi Mỹ thông tin mâu thuẫn về cuộc tuần tra Biển Đông

ClockThứ Bảy, 07/11/2015 11:34
TTH.VN - Được truyền thông đưa tin rầm rộ, nhưng việc thực thi “tự do đi lại” của chiến hạm tên lửa USS Lassen lại bị xem là chưa quyết liệt, khiến học giả Mỹ thất vọng. Thậm chí, chính quyền Mỹ còn đưa ra những thông tin mâu thuẫn về cuộc tuần tra Biển Đông. 

Sau nhiều tháng tranh luận nội bộ, chính quyền Tổng thống Obama tuần trước cuối cùng quyết định phái một chiến hạm tới thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chiến hạm Mỹ bị cho là chưa thực sự thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (Ảnh: Navy)
Chiến hạm Mỹ bị cho là chưa thực sự thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc (Ảnh: Navy)

Nhưng theo trang Foreign Policy, kể từ đó đến nay, giới chức Mỹ lại cung cấp những thông tin mẫu thuẫn về việc tàu chiến Mỹ đã làm gì khi áp sát đảo nhân tạo. Việc này có khả năng làm giảm đi ý nghĩa biểu tượng của nhiệm vụ “thực thi tự do hàng hải”, và làm gia tăng hoài nghi quanh việc Washington có sẵn sàng thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Suốt tuần qua, giới chức Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã gặp khó khăn trong việc giải thích chính xác Lassen đã làm gì khi tiến vào gần đá Xu Bi, nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành một đảo nhân tạo bằng cách hút cát từ đáy biển và phun lên.

Khi được Foreign Policy đặt câu hỏi, quan chức Mỹ có những mô tả trái ngược về việc liệu tàu Mỹ có thực hiện các bước trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với tuyến hàng hải chiến lược này.

Ban đầu, giới chức Mỹ quả quyết Lassen đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, có nghĩa là tàu đã mở hệ thống dò tìm sóng âm sonar, cho trực thăng cất cánh từ trên boong, hoặc nán lại trong khu vực.

Nhưng một số quan chức khác lại nói họ không thể xác nhận đó có phải là nhiệm vụ tự do hàng hải hay không, và con tàu có lẽ đã không cho trực thăng thực hiện bất kỳ đợt cất cánh hay thu thập tin tức tình báo nào. Lassen đã đơn giản là đi qua mà không đi vòng quanh hay nán lại khu vực đó.

Một chi tiết càng gây khó hiểu hơn đó là máy bay do thám P-8 đi cùng tàu Lassen có vẻ đã luôn ở ngoại phạm vi 12 hải lý tính từ đảo nhân tạo, một đường biên vạch ra ranh giới vùng biển và vùng trời chủ quyền.

Thông điệp không rõ ràng của chính quyền Mỹ những ngày gần đây xuất hiện ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Trả lời tờ Defense News cuối tuần trước, giới chức Mỹ nói rằng Lassen chỉ thực hiện “đi qua vô hại” gần với đảo nhân tạo tại đá Xu Bi. Theo luật hàng hải, “đi qua vô hại" là một thuật ngữ có ý nghĩa cụ thể, áp dụng cho trường hợp tàu đi qua vùng nước chủ quyền của các nước khác.

Đến ngày 2/11, giới chức Mỹ lặp lại cùng tuyên bố này trên tờ báo của Viện hải quân Mỹ, cho biết tàu khu trục tên lửa và một máy bay do thám đi theo đã có những bước đi có thể cho thấy sự tuân thủ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Học giả Mỹ lên tiếng

Những thông tin trên đã châm ngòi cho một loạt đồn đoán và chỉ trích từ các nhà phân tích và học giả Mỹ quan tâm đến vấn đề này. Bởi một chiến hạm chỉ thực hiện “đi qua vô hại” trong vùng nước thuộc về một quốc gia khác.

Học giả Mỹ muốn chính quyền phải thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc mạnh mẽ hơn (Ảnh: CSIS)
Học giả Mỹ muốn chính quyền phải thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc mạnh mẽ hơn (Ảnh: CSIS)

Nếu Lassen thực sự đã “đi qua vô hại” quanh đá Xu bi, việc đó có hàm ý rằng Mỹ công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển quanh đảo nhân tạo, và trái ngược với quan điểm Washington đã đưa ra, không thực hiện được mục đích ban đầu của chiến dịch tự do hàng hải.

Raul Pedrozo, học giả tại Trung tâm Stockton về Nghiên cứu luật quốc tế, thuộc đại học Chiến tranh hải quân Mỹ đã gọi đây là một chiến dịch “được điều hành kém”. Trong khi đó Mira Rapp-Hooper, nhà nghiên cứu tại Trung tâm an ninh Mỹ mới có bài viết cho rằng nhiệm vụ vừa qua của Lassen “thiếu sự rõ ràng”.

Sự lộn xộn trong thông tin của chính quyền Obama có phần trái ngược với chuyến thăm rất được chú ý của bộ trưởng quốc phòng Ash Carter tới khu vực. Ông tái khẳng định tuyên bố của Washington sẽ đưa tàu qua bất kỳ khu vực nào thuộc vùng biển quốc tế. Ông Carter trong ngày thứ Năm cũng đã tới thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang có mặt trên Biển Đông. Cùng đi với ông có người đồng cấp phía Malaysia Hishammuddin Hussein.

“Hiện có rất nhiều quan ngại về cách ứng xử của Trung Quốc”, ông Carter nói.

Giới quan sát Trung Quốc tại Mỹ vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem phải chăng Washington đã thực sự rút lại tham vọng của mình trong chuyến tuần tra được lên kế hoạch từ lâu này, hay đã có một sự cố truyền thông nào đó từ phía giới chức quân đội và chính phủ Mỹ trong sử dụng câu chữ.

Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, xem đây có khả năng là “một sai lầm lớn”. Chuyên gia châu Á Jeff Smith tại Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ cho biết ông bị “bối rối” bởi mô tả không rõ ràng của chính quyền về chiến dịch.

“Nếu chúng ta khắc họa nó như một lần đi qua vô hại, thì cũng có nghĩa nói rằng chúng ta đã chấp thuận những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc”, James Holmes, giáo sư chiến lược tại đại học chiến tranh Hải quân Mỹ nhận xét. “Đó là một thông điệp tự hủy hoại mình, không phải điều Hải quân hay Lầu Năm Góc muốn phát đi”.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược cho rằng chính quyền Mỹ cần phải làm rõ mọi hoài nghi, về những gì đã diễn ra gần đá Xu Bi. “Nếu Mỹ không làm rõ họ thực sự đã làm gì, thông điệp có nguy cơ sẽ bị đe dọa”.

Một số thành viên quốc hội Mỹ cũng bày tỏ sự khó chịu. “Ý định chiến lược” của các chiến dịch tự do đi lại của Mỹ tại Biển Đông “phải rõ mồn một”, một viên chức quốc hội nói. “Bộ quốc phòng cần phải giải đáp mọi câu hỏi về chiến dịch và làm rõ thông điệp pháp lý họ muốn phát đi”.

Chỉ huy tàu Lassen Robert Francis ngày thứ Năm khẳng định với báo giới đã thực thi chiến dịch tự do đi lại, nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể.

Hải quân Mỹ từng thực thi hàng chục chiến dịch tự do đi lại mỗi năm, thách thức mạnh mẽ những gì họ xem là tuyên bố chủ quyền biển “quá mức” từ phía cả đối tác lẫn đối thủ, bao gồm cả Trung Quốc. Nhưng sau nhiệm vụ mới nhất này, có vẻ như Mỹ đã không làm vậy để giảm thiểu tác động.

“Mỹ cần quyết định họ thực sự nghiêm túc ra sao về việc bảo vệ vị trí số 1 tại châu Á, và mức chi phí và rủi ro họ sẵn sàng chấp nhận để làm việc đó”, Hugh White, giáo sư chiến lược học, đại học quốc gia Úc nói. “Nếu họ không sẵn sàng hành động nhiều hơn chỉ một vài chiến dịch (tự do đi lại), triển vọng sẽ không mấy tươi sáng cho Mỹ tại châu Á trong dài hạn”.

Thanh Tùng (Theo Dân trí)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các công ty tài chính kêu gọi hành động về ô nhiễm nhựa

Một nhóm gồm 160 công ty tài chính ngày hôm nay (19/4) đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ nhất trí về một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa, nhằm giúp thúc đẩy hành động của khu vực tư nhân, trước vòng đàm phán toàn cầu tiếp theo ở Canada.

Các công ty tài chính kêu gọi hành động về ô nhiễm nhựa
Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
'Nóng' chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7

Rạng sáng 18/4 (giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc trên đảo Capri của Italy, với trọng tâm thảo luận là tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông.

Nóng chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7
Return to top