ClockChủ Nhật, 25/12/2016 12:53

Giọng Huế

TTH - “… Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ/ Mà chiêng mà trống dậy hồn quê…”

Lâu lâu người bạn thân ở Sài Gòn lại điện về trò chuyện. Nói trên trời dưới biển cả tiếng đồng hồ, nghe ù cả tai thế mà không bao giờ bạn chủ động chào tạm biệt. Nhiều lần ngắc ngứ quá, hết chuyện “huyện chết” rồi mà bạn vẫn không chịu cúp máy đành hỏi thật: “Nì, bộ tính nói cả đêm chắc?”. Nghe vậy bạn cười to: “Thì mình nhớ giọng Huế quá nên mới “dây dưa” vậy, nói nữa đi, thèm nghe giọng Huế quá!”.

Trong âm vang của giọng nói người ta nhận ra những bóng hình quen thuộc của quê nhà. Ảnh: Đăng Tuyên

Giữa Sài Gòn đô hội, có đủ giọng nói mọi miền, sao bạn thèm nghe giọng Huế. Tiếng nói quê hương ấy, vì mưu sinh bạn đã rời xa quê lúc 18 tuổi, để bây giờ gần nửa đời người, những lúc vui buồn lại thèm nghe giọng Huế. Có nhiều lúc bạn điện cho tôi chỉ nói một câu “nói chi cũng được, chuyện mưa chuyện nắng chi của Huế cũng được, mình đang buồn đây, muốn nghe những lời thủ thỉ của giọng Huế để bình tâm trở lại trước cuộc sống xô bồ”. Giọng Huế có khả năng tuyệt vời ấy sao? Tôi phân vân tự hỏi nhưng tôi cũng tin bạn mình nói thật. Tôi nhớ có đọc đâu đó rằng khi phát âm, người miền Bắc thiên về giọng thấp, người miền Nam giọng cao còn người Huế thì giọng bình bình. Có lẽ vì tính chất bình bình ấy mà giọng Huế phù hợp với lối nói chuyện thủ thỉ, tâm tình. Chính cái âm trầm ấy tạo nên cảm xúc về sự chân thực cho người nghe.

Trong Từ điển tiếng Huế, bác sĩ Bùi Minh Đức đã chỉ ra có đến 32 giọng nói với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau của người Việt, trong đó riêng phần gắn với Huế có đến 9 sắc thái, đó là giọng An Bằng, giọng các mệ, giọng hát Huế, giọng Huế, giọng Huế pha Sài Gòn, giọng Mỹ Lợi, giọng Phường Đúc, giọng Sịa, giọng trong Nội… Quả thật vô cùng phong phú. Trong phát âm, giọng Huế cũng có nặng, nhẹ khác nhau, những nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã chia giọng Huế theo cơ cấu địa hình như giọng Dinh (ở thành phố-nhẹ); giọng Hạ Bạn (gần biển-nặng); giọng Thượng Bạn (cận sơn hoặc bán sơn địa); giọng Mỹ Lợi (phía nam Thừa Thiên Huế); giọng hàng huyện (ngoại ô) hay còn gọi giọng Huế làng. Chính vì thế, với nhiều người, giọng Huế không hoàn toàn dễ nghe, nhưng nếu nghe quen và thêm những phương ngữ đặc biệt ri, mô, tê, răng, rứa… thì nó như mưa dầm thấm đất, nghe rồi quen, rồi hiểu để khi đi xa thấy thương, thấy nhớ như Hà Huyền Chi đã “dậy hồn quê” giữa đất nước Mỹ xa xôi: “…Giọng Huế bỗng nghe từ chợ Mỹ/ Mà chiêng mà trống dậy hồn quê…”

Thế cho nên có những người con Huế xa quê mấy mươi năm, gần hết cả cuộc đời vẫn giữ nguyên giọng Huế. Đi khắp trời Tây, TS. Thái Kim Lan, bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn một giọng Huế dịu nhẹ và thanh tao; hay như hai người phụ nữ đẹp, phong cách rất Huế xưa như nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, Hồ Hoàng Anh… hiện đang sống ở Sài Gòn, tất cả đều giữ giọng Huế. Trong mắt nhiều người ở các vùng miền khác, đôi khi chính giọng Huế cũng trở thành một tiêu chuẩn, rằng đã nói giọng Huế thì phải là người có lối hành xử, đi đứng, nói năng đẹp. Nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh chia sẻ “không chỉ tà áo dài thôi mô mà cái giọng Huế mình nói hàng ngày cũng nhắc nhở mình là người Huế phải giữ cốt cách, văn hóa Huế, kẻo người ta cười!”. Ngay cả bà cô của tôi, xa quê vào Biên Hòa gần 60 năm nay, vẫn giữ giọng Huế, người dân ở gần nhà bà vẫn quen gọi tên bà và thêm chữ Huế. Trả lời cho câu hỏi của tôi sao bà không nói giọng Nam cho dễ làm ăn, bà nói thật sâu sắc: “Hồi đầu mới vào Biên Hòa, cô cũng khó giao tiếp vì nói giọng Huế nhiều người không nghe được, họ còn bảo cô nói ngoại ngữ nữa. Nhưng cô không đổi giọng vì làm như rứa là có tội với quê hương, với Huế. Trong làm ăn cũng nhờ giữ giọng Huế mà người ta tin cô, họ còn nói với cô rằng: Tôi thấy bà nói giọng Huế nên tôi tin bà”. Thật là tuyệt diệu. Có những lúc chúng ta không ngờ kết quả tốt đẹp lại đến từ những điều tưởng chừng như không liên quan đến nhau: kinh doanh và giọng nói. Thế mà cũng có lần tôi đã e ngại không dám nói bằng chính giọng Huế của mình khi ở nơi xa lạ. Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy buồn cười vì cái lần nói giọng giả ấy.

Ông bà ta xưa đã từng nói uống chung dòng nước nói chung một giọng, có lẽ thế nên khi bắt gặp giọng nói quê hương ở nơi xa lạ, nhiều người đã mừng rỡ chào hỏi như là đã thân nhau từ trước đó. Trong âm vang của giọng nói người ta nhận ra những bóng hình quen thuộc của quê nhà: núi, sông, con người, ẩm thực... Từ điểm chung giọng nói mà người ta dễ làm quen nhau ở nơi xa lạ, đất khách quê người. Giọng nói như là một bảo chứng về niềm tin. Nhiều lần ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi ngồi giữa những người Huế cùng chuyến bay, nghe tiếng trò chuyện quanh mình, tôi thấy mình như vừa về đến nhà.

Tôi gọi điện thoại lại cho bạn: “Nì, nhớ giọng Huế thì tết ni về thăm hí. Về tha hồ mà nghe tiếng quê hương”. Bên kia đầu dây, giọng bạn tôi vang lên hào hứng “ Về chứ, về để nghe cho đã, nhớ Huế lắm rồi!”.

XUÂN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp Huế trên biển Nha Trang

Nha Trang ngày về...”, bao giờ đến Nha Trang tôi cũng có cảm giác như đang trở về nơi chốn quen thuộc...

Gặp Huế trên biển Nha Trang
Miên man tháng Sáu

Mấy hôm nay những bức ảnh chụp hoa phượng vỹ trong thành phố cũng làm chị xôn xao. Chị không dám thổ lộ lòng mình với nhóm bạn cà phê sáng...

Miên man tháng Sáu
Cánh diều giữa ngọ

Hôm nay trời Huế mưa nhẹ, đứa cháu nhỏ hỏi thơ ngây “Trời mưa ri diều có ướt hết không bà trẻ?”

Cánh diều giữa ngọ
Mùa này biển động

Thuận An đằm đẹ, có vẻ như chú đã quá quen với khung lịch thời vụ nghề của mình rồi.

Mùa này biển động
Return to top