ClockChủ Nhật, 14/05/2017 06:50

Giữ chút gì rất Huế

TTH - Một ngày đầu tháng 5, bỗng nhận được tin nhắn của TS. Thái Kim Lan, về bộ triển lãm áo dài xưa của chị, ở một không gian mới tại miệt vườn Kim Long.

Xuôi con đường men theo dòng sông Hương, khu nhà vườn rộng ở 120 Nguyễn Phúc Nguyên hiện ra với tất cả sự cổ kính, trầm mặc. Những chiếc áo từ đầu thế kỷ 20 im ắng trên những chiếc giá gỗ thô mộc. Đó là bộ sưu tập trang phục của nam giới rất hiếm hoi mà chị vừa “bắt” được khi trở lại Huế cách đây chỉ vài tháng. ‘‘Tôi đã thực hiện được một ước mơ từ lâu mà tưởng như không bao giờ được thỏa sau nhiều năm dò hỏi, tìm kiếm”. Chị bộc bạch những lời gan ruột trên tấm catalogue về triển lãm.

Trong khu vườn xưa cổ ấy, một ngôi nhà rường đang được phục dựng, cạnh những ngôi nhà rường khác đã tồn tại ở đó hàng trăm năm qua. Những ấp ủ, dự định của chị về một điểm đến văn hóa mới cho Huế đang hình thành. Hãy còn đó cơ man nào là gốm. Những chiếc bình gốm chị đã tỷ mẩn sưu tầm, chắt chiu không biết từ bao giờ, với mong muốn có một không gian để trưng bày, nếu chưa thể là một bảo tàng gốm. Ước mơ ấy chị đã thổ lộ cách đây mấy năm, khi cùng người bạn, nhà báo Hoàng Thị Thọ về Phước Tích, để được xem một mẻ gốm ra lò. Khi ấy, chị vừa từ Đức về, với chiếc áo dài trắng và chiếc nón lá cầm tay.

Rời Huế khi hãy còn là một thiếu nữ để đến trời Tây, rồi trở thành một tiến sĩ triết học, giảng dạy tại Đức. Chừng ấy năm tháng, hình như chị chưa bao giờ thôi dõi về nguồn cội. Bắt đầu là những dự án hỗ trợ người dân Huế nuôi tôm, phát triển nghề thủ công... từ thập niên 90. Và rất nhiều những dự án văn hóa khác. Để bây giờ, khi đã ở vào độ chín của đời người, chị về hẳn. Với một trái tim hào hứng, trẻ trung để bắt đầu những dự định ‘‘khởi nghiệp” mới ở Huế.

Trong một chiều mưa trò chuyện cùng chị trong ngôi nhà rường cổ bên dòng Đông Ba rủ bóng những hàng si già, chị bảo, sẽ biến một phần con phố đẹp Bạch Đằng thành một địa chỉ văn hóa-du lịch với áo dài, ẩm thực Huế... Là nơi giao lưu văn hóa. Rồi chị lại dẫn tôi lên một khu vườn cổ khác, tựa lưng bên dòng Bạch Yến hiền hòa mà chị bảo đã may mắn mua lại được, với những dự định mới cháy bỏng. Nếu không giữ thì nay mai, những không gian đẹp như thế của Huế sẽ mất. Và chị thật sự lo lắng, khi những khoảnh đất hiền hòa, xanh mát gần khu vườn cổ đang được phân lô bán nền...

Còn bây giờ là một địa chỉ khác, ở 120 Nguyễn Phúc Nguyên với khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông, cứ an nhiên cổ kính vẻ đẹp Huế xưa nguyên vẹn cùng những dự định cháy bỏng chị đang dồn sức thực hiện.

Vẫn là chị. Áo dài, tóc búi và giọng Huế “rin”. Cái chất Huế dịu ngọt và đậm đặc ấy như chưa hề mấy mươi năm bôn ba, chu du. Với cái nguồn cội Huế “đặc sệt mắm ruốc” ấy, chị đang muốn giữ lại cho Huế những không gian xưa, những giá trị văn hóa lâu bền của một vùng đất mà chị đã yêu bằng cả cuộc đời của mình.

KIM OANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng trưởng xanh

Một trong những thông tin thời sự được quan tâm gần đây là việc UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học...

Tăng trưởng xanh
Nương tựa vào rừng

Cuối tuần qua, hình ảnh hàng trăm người dân xã Phong Chương (huyện Phong Điền) đội mưa ra quân trồng rừng đã khởi đi nguồn năng lượng tích cực.

Nương tựa vào rừng
Xôi xoài & Bún bò Huế

Mới đây, hai sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông là việc món Xôi xoài của người Thái bỗng nổi tiếng...

Xôi xoài  Bún bò Huế
Return to top