ClockThứ Hai, 12/02/2018 08:07

Giữ hồn thiêng của núi

TTH - Hai con người đặc biệt thuộc hai thế hệ của núi rừng A Lưới mà tôi có dịp gặp gỡ đã trở thành Nghệ nhân ưu tú, được đồng bào coi là “báu vật lưu giữ hồn thiêng của núi”...

Đầu tư phát triển khu kinh tế thương mại tại 2 cửa khẩu ở A LướiCông bố Quyết định điều động cán bộ ở A Lưới và Ban Dân tộc tỉnhA Lưới công nhận người có công tiêu biểu cho 70 đối tượngTặng quà cho gia đình thân nhân liệt sĩ khó khăn ở A LướiKhởi công xây dựng nhà tình nghĩa ở A Lưới

1. Cuối cùng tôi cũng gặp được Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư, cán bộ quản lý Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, người dân tộc Pa Cô. “Nhiều người cứ gọi mình là báu vật lưu giữ hồn dân tộc, mình rất ngại…” . Chị Tư mở đầu câu chuyện.

Nghệ nhân Hồ Thị Tư chuẩn bị các nghi thức trong lễ A Riêu Car do chị nghiên cứu phục dựng

Năm 1982, Tư được tuyển chọn tham gia đội văn nghệ của xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Đây là nơi đầu tiên, chị được các nghệ nhân Kả Cơi, Kả Hưu truyền dạy kỹ năng múa các vũ điệu, thể loại dân ca truyền thống của dân tộc mình. Đến năm 1984, chị được tuyển chọn vào đội thông tin lưu động huyện A Lưới, được tiếp tục học tập từ các nghệ nhân Pa Cô Hùng ở xã Hồng Trung, nghệ nhân Ku Zắc, xã Hồng Vân… Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ, ca dao, câu đố, truyện cổ tích, quy trình lễ hội, hoa văn trang phục cổ mà người thiếu nữ này được truyền dạy cứ thế ăn sâu vào tâm thức. Và, thời điểm công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện (1995), ước nguyện sưu tầm, hệ thống lại, lưu giữ và xuất bản các tác phẩm nhằm giới thiệu tinh hoa văn hóa của dân tộc mình càng được thổi bùng trong cô sơn nữ Pa Cô này. Sau nhiều năm nỗ lực, Hồ Thị Tư đã biên soạn cơ bản thành tập một số tác phẩm truyện cổ, ca dao, tục ngữ… của dân tộc mình.

Tháng 10/2010 là thời điểm đáng nhớ nhất với Tư. Quá trình nghiên cứu, sưu tập, biên soạn không mệt mỏi, người sơn nữ Pa Cô này cho ra mắt “Truyện cổ Pa Kô” do Nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành. Một năm sau, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội tiếp tục phát hành tập truyện cổ này với số lượng lớn. Không dừng lại, chị còn sưu tầm lại nguyên bản 11 bài đồng dao, 85 câu đố, 50 câu ca dao, 50 câu tục ngữ Pa Cô; nghiên cứu 18 thể loại dân ca các dân tộc Pa Cô - Cơ Tu - Tà Ôi, 15 loại nhạc cụ dân tộc, 6 mẫu trang phục cổ của dân tộc Pa Cô - Pa Hi; dàn dựng lại 8 vũ điệu cổ như Pa dưn A Da (mừng năm mới); Pâr chêêng còng (cúng thần núi), Choan Đung (mừng nhà mới), Pa dưng Tâng kyn (cúng thần làng)… và 41 tiết mục văn nghệ dân gian. Chị sưu tầm và biên soạn gần như nguyên bản tập tục “đi sim” và tục “Nghệ thuật làm đẹp cổ xưa, cưa răng, căng tai, xăm hình, cắt tóc mái của người Pa Cô”; phục dựng cơ bản quy trình tái hiện 3 lễ hội lớn của dân tộc, như: A Riêu Car, lễ cưới truyền thống và lễ đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới .

Nghệ nhân Quỳnh Hoàng, người chỉnh âm cho các loại nhạc cụ của đồng bào A Lưới

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng tấm tắc: Chị Hồ Thị Tư đã sớm hiểu biết và thành thạo trong việc trình bày, sưu tập những di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào mang giá trị lớn. Trong đó, phải kể đến các quy trình lễ hội, phong tục tập quán, các loại hoa văn trang phục, nhà mồ, nghệ thuật làm đẹp, ngôn ngữ, ẩm  thực của dân tộc Pa Cô. Rồi việc nghiên cứu, biên đạo, dàn dựng thành loại hình nghệ thuật trên sân khấu đối với các làn điệu dân ca, dân vũ… Riêng quá trình truyền dạy cho lớp lớp diễn viên trẻ các đội nghệ thuật quần chúng ở địa phương, chị đã góp phần quan trọng vào việc kế thừa, gìn giữ, phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. UBND huyện đang xây dựng đề án đưa hoạt động truyền dạy các văn hóa truyền thống dân tộc vào chương trình ngoại khóa ở các lớp học trên địa bàn do Phòng Giáo dục & Đào tạo phối hợp cùng Phòng Văn hóa thông tin thực hiện.

2. Tuổi 97 “mùa rẫy”, già làng Quỳnh Hoàng ở thôn Diên Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới vẫn minh mẫn, linh hoạt. Ngày ngày, già vẫn say mê với những chiếc khèn, tiếng chiêng, điệu sáo… của đồng bào các dân tộc thiểu số. Già Quỳnh Hoàng kể: Từ nhỏ, già đã may mắn được đi theo các cụ trong bản, làng tham gia nhiều lễ hội của người Tà Ôi, nên đã học được cách sử dụng một số loại nhạc cụ. Lúc 15 tuổi, già bắt đầu tập làm những loại nhạc cụ đơn giản để sử dụng. Kiếm được cây khèn củ đem về, cậu bé Quỳnh Hoàng tháo rời từng bộ phận để học cách làm theo. Cứ thế, vài năm sau, từ những thanh tre, nứa, mảnh gỗ trên rừng, chàng trai Quỳnh Hoàng đều biến thành các nhạc cụ có âm thanh, giai điệu ngọt ngào, hoang sơ và trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Nghệ nhân Hồ Thị Tư (trái) nghiên cứu các hoa văn trên trang phục truyền thống của đồng bào 

Với già Quỳnh Hoàng, các loại vật liệu tre, nứa, ống đồng, mảnh gỗ... đều như thể có linh hồn, người nghệ nhân phải biết đặt tình cảm của mình vào đó mới làm ra được loại nhạc cụ đúng tiêu chuẩn. Ông bảo, khèn bè là loại khó làm và khó chơi nhất. Để làm được một chiếc khèn tốt, phải vào sâu trong rừng già để chọn cây hóp có đốt dài, thon nhỏ đều hai đầu, đem về phơi nắng và hoong trên giàn bếp cho cây bóng, chắc. Sau đó cắt thành 14 ống dài ngắn khác nhau theo hình bậc thang, mỗi ống được khoét lỗ gắn lưỡi gà làm bằng đồng thau để điều chỉnh âm thanh. Đến khâu làm bầu thổi phải chọn loại gỗ nhẹ, không nứt nẻ, rồi lấy sáp ong bịt ghép các ống vào bầu thổi thành bè. Tất cả các công đoạn hoàn thành một chiếc khèn phải mất khá nhiều thời gian. Công phu là thế, nhưng già Quỳnh Hoàng cho rằng, làm ra chiếc khèn đã khó, để thổi được tiếng khèn mang linh hồn của núi còn khó gấp bội.

Tôi bị cuốn theo câu chuyện về suốt quá trình “cây đại thụ” này theo đuổi nghề chế tác, sử dụng và chỉnh âm cho hơn 20 loại nhạc cụ cơ bản của những dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Cô, Ka Tu...  Anh Hồ Văn Huỳnh, con trai trưởng của già Quỳnh Hoàng khoe với tôi nhiều loại nhạc cụ gia truyền cổ, như khèn, trống, chiêng... vẫn còn lưu giữ trong nhà. Tất cả được già làng Quỳnh Hoàng gìn giữ như báu vật. Ông Quỳnh Hầu, người ở thôn Tà Roi, cùng xã A Ngo, nói rằng: Già làng Quỳnh Hoàng là người duy nhất sửa được và chỉnh được âm cho tất cả các loại nhạc cụ của đồng bào nơi đây. Nhiều người ở tận các vùng miền xa xôi khác còn cất công đến tận nơi nhờ ông sửa giúp các nhạc cụ. Theo già Quỳnh Hoàng, để thẩm âm cho một chiếc chiêng rất khó, đòi hỏi cái tai của người nghệ nhân phải nhạy bén, đôi tay phải khéo léo mới làm được. Nói rồi, già cầm lấy chiếc chiêng, khéo léo đôi tay cất lên từng tiếng trầm, tiếng bổng. Tất cả nhìn ông với sự cảm phục như một “báu vật” giữa đại ngàn Trường Sơn, giữ cho vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn mãi với thời gian.

Đầu năm 2017, nghệ nhân Quỳnh Hoàng được đón nhận Bằng công nhận Nghệ nhân ưu tú (loại hình Nghệ nhân tri thức dân gian) và nghệ nhân Hồ Thị Tư đón nhận Bằng công nhận Nghệ nhân ưu tú (loại hình Nghệ nhân nghệ thuật trình diễn dân gian) của Chủ tịch nước trao tặng.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top