ClockChủ Nhật, 20/11/2016 12:33

Giữ lại dấu xưa

TTH - Người Ý tự hào về tháp nghiêng Pisa. Một lần đến đất nước hình chiếc ủng này, ai cũng mong muốn có được một khuôn hình dưới chân tháp, nhất là khi biết Pisa được xây dựng từ năm 1173 và người ta đã phải mất đến 174 năm để hoàn thành. Tháp Pisa được xây dựng không phải là một tháp nghiêng kỳ lạ như ta tận mắt thấy hôm nay.

Có nhiều đồn đại và ai cũng biết rằng, ngọn tháp cao tới 55,86 m nghiêng bởi được dựng trên một nền không ổn định và ngay từ đầu đã có dấu hiệu bị lún. Thế mà, đáng nhẽ phải đập bỏ đi để làm lại, người ta đã chọn phương án chống lún và giữ nguyên vẹn hình dáng của nó lúc ban đầu. Công việc đang tiếp tục với rất nhiều tốn kém. Thế nhưng đổi lại, tháp Pisa trở nên hấp dẫn hơn trong mắt của nhiều người bởi cái sự nghiêng kỳ lạ của nó.

Nhắc lại câu chuyện về tháp nghiêng Pisa, điều tôi muốn nói đó cách ứng xử với các công trình di tích lịch sử văn hóa và cụ thể hơn là việc sửa chữa, tôn tạo, đặc biệt là với những công trình mang tính biểu tượng của một quốc gia hay của một vùng đất. Nó có vẻ như vì rất nhiều lý do nào đó, đang bị xem nhẹ. Nhớ cách nay hơn 20 năm, cầu Trường Tiền, một biểu tượng của Huế đẹp và Huế thơ được đầu tư sửa chữa. Xây dựng từ năm 1899, cầu Trường Tiền bị tác động bởi yếu tố thời gian, thiên tai lũ lụt và chiến tranh nên tu sửa là chuyện phải làm. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ người Huế vẫn tiếc và không vui bởi những thay đổi của kẻ hậu thế. Đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hai bên hành lang ở giữa các trụ cầu, lòng cầu bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can, màu sơn ghi xám thay cho nguyên bản là màu nhũ bạc, tấm biển đồng gắn ở đầu cầu ghi chữ “Cầu Tràng Tiền” thay cho “Cầu Trường Tiền”. Người Huế không gọi thế.

Gần đây, dư luận lại xôn xao xung quanh việc trùng tu Bia Quốc Học hay còn gọi là Đài Tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Nhiều người ngạc nhiên và thực sự lo lắng khi chứng kiến việc lực lượng thi công phải dùng đến các dụng cụ như ve, búa để bóc các lớp vữa ra khỏi tường bia, thành, tương tự như với một công trình xây dựng, sửa chữa bình thường khác. Bia Quốc Học thuộc quyền quản lý của Trung tâm Công viên cây xanh Huế. Đơn vị này đã thuê Công ty CP Đầu tư và phát triển Vishnu Huế thực hiện trùng tu. Bia Quốc Học được xây dựng để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã chết ở cuộc chiến giúp Pháp chống lại Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, được xây dựng thông qua cuộc thi và đồ án của ông Tôn Thất Sa, giáo viên Trường Bá công Huế, được chọn. Ngày nay, Bia Quốc Học là nơi thường xuyên được tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật có tầm cỡ lớn, trong đó phải kể đến các dịp Festival Huế.

Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Di sản từ rất sớm. Năm 2102, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Thời gian qua, Nhà nước đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Đáng quan ngại là ở rất nhiều công trình, việc làm mới không những phá vỡ không gian văn hoá cổ mà còn làm mất đi những giá trị văn hoá, kiến trúc quý giá, thậm chí làm biến dạng hoàn toàn di tích. Để không làm mất đi những giá trị cổ, việc trùng tu di tích phải được thực hiện ở nhiều khâu và phải bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành, đảm bảo sự bền vững lâu dài cho di tích sau khi được tu bổ. Bảo tồn di tích là một ngành rất đặc thù. Người làm bảo tồn phải có kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng làm nghề tốt. Nếu đội ngũ thi công không được trang bị kiến thức cơ bản, không hiểu về nghề bảo tồn thì càng đầu tư sẽ càng “giết” di tích.

Có thể Bia Quốc học chưa được công nhận là di tích lịch sử, nhưng cùng với cầu Trường Tiền và rất nhiều công trình di tích khác đã tạo nên giá trị di sản Huế và đã trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô. Nó đang rất cần được gìn giữ và bảo tồn bằng tri thức, sự hiểu biết và tấm lòng thành. Mới đây, khi nghe tin cầu Trường Tiền một lần nữa được trùng tu, rất nhiều người tha thiết bày tỏ nên lấy lại tên cũ, dùng lại màu sơn xưa, làm lại những ban công đã đi vào thi ca “Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp”. Đó là khát vọng “giữ lại dấu xưa”, là tinh thần mang dấu ấn của người Ý trong quyết tâm bằng mọi cách giữ tháp nghiêng Pisa huyền thoại.

ĐÌNH NAM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đàn Sơn Xuyên - Dấu xưa còn lại

Ít ai biết, trong khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc ở 245 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế có đàn tế thần sông núi còn lại duy nhất trong cả nước hiện nay - đàn Sơn Xuyên.

Đàn Sơn Xuyên - Dấu xưa còn lại
Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ
Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Là cơ duyên khi có một xóm người Mường nơi chân núi Bạch Mã. Và cũng như sự sắp đặt, ở đó những người Mường nghèo khó kia nhận được nhiều sự giúp đỡ để hòa nhập, trong đó có cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc.

Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Return to top