ClockThứ Sáu, 16/12/2016 13:56

Giữ nghề đan lưới Vân Trình

TTH - Ngày 31/7/2016, làng nghề đan lưới Vân Trình (xã Phong Bình, Phong Điền), vinh dự đón nhận bằng công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống do UBND tỉnh trao tặng. Đây là cơ hội để làng nghề đan lưới Vân Trình quảng bá thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ.

Người dân đến mua lưới tại cơ sở ông Mẫn

Hồi sinh nghề truyền thống

Ông Lê Tấn Mẫn ở làng Vân Trình gắn bó với nghề đan lưới từ nhỏ, đến nay đã hơn 30 năm.

Theo lời ông Mẫn, nghề đan lưới Vân Trình ngày trước chủ yếu làm bằng tay, chất lượng sản phẩm không cao. Có thời điểm sản phẩm làm ra giá rất thấp, thậm chí bán chẳng ai mua. Đó là thời kỳ khoảng năm 1986, khi nhiều sản phẩm du nhập từ các nước vào Việt Nam, chất lượng cao, giá cả hợp lý nên được người dân ưa chuộng. Sản phẩm của bà con làm ra bị khách hàng “quay lưng”. Nhiều người dân không sống được với nghề, chuyển dần sang nghề khác để mưu sinh. Từ cả làng theo nghề, có thời điểm chỉ còn vỏn vẹn vài chục hộ.

Nhận thấy nghề truyền thống của cha ông khó đứng vững, sau những năm 1986-1987, người dân không đan lưới bằng tay, mà mua sản phẩm thô được sản xuất bằng máy móc hiện đại ở các tỉnh khác về gia công. Bà Lê Thị Lài ở làng Vân Trình cho biết, các công đoạn mà người dân phải hoàn thiện một sản phẩm (tay lưới) là ráp phao, dập chì, lượm lưới. Mỗi ngày, mỗi người có thể hoàn thiện từ 5 đến 10 tay lưới, mỗi tay dài khoảng 50m.

Trước đây, công đoạn dập chì hoàn toàn làm bằng miệng (dùng răng để cắn), ảnh hưởng đến sức khỏe, giờ đây được làm bằng máy, không chỉ năng suất cao hơn mà còn an toàn sức khỏe cho người lao động. Nhiều cơ sở, đại lý kinh doanh ở Vân Trình có đến 15 máy dập chì, thu hút 35-40 lao động. Công đoạn dập chì đòi hỏi phải lao động trẻ, mắt sáng và sự nhanh nhẹn. Công đoạn cột phao, lượm lưới thì người già cũng làm được. Từ đó thu hút người dân quay trở lại với nghề ngày càng đông, đến nay toàn làng Vân Trình có khoảng 400 hộ, phần lớn tham gia nghề truyền thống này.

Tạo sinh kế, thu nhập khá

Người dân tích lũy nhiều kinh nghiệm, lại có truyền thống nghề chài lưới, am hiểu từng con nước, sông đầm nên tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp. Sản phẩm từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, giá cả hợp lý, mỗi tay lưới có giá bình quân từ 65 ngàn đến 120 ngàn đồng, phù hợp với khả năng kinh tế của người dân nên tiêu thụ mạnh. Nghề đan lưới Vân Trình tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động lúc nông nhàn, không chỉ người dân trong làng mà cả những vùng lân cận. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/ngày. Với những người nhanh nhẹn, trẻ, thường thu nhập mỗi tháng 3,5 triệu đến 4 triệu đồng. “Chất lượng sản phẩm ngày càng cao, bền, đẹp, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn bán ra các tỉnh, thành phố khác, như Thanh Hóa, Quảng Trị, Đăk lăk, Đà Nẵng… Một số sản phẩm còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan”, bà Nguyễn Thị Liên, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh lưới Liên Cường ở làng Vân Trình chia sẻ.

Ông Lê Phước Hoa, Trưởng Ban điều hành làng Vân Trình cho biết, cách đây 7-8 năm, chương trình khuyến công tỉnh hỗ trợ kinh phí, tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động. Đây là điều đáng mừng đối với người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều mà các chủ cơ sở, đại lý và người dân trong làng rất cần hiện nay là sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành trong việc cho vay vốn từ các chương trình, các kênh ưu đãi để mua sản phẩm dự trữ, gia công trong một năm.

Khi bắt đầu vào mùa nước nổi, đồng ruộng thu hoạch xong (từ tháng 8 trở đi) thì nhu cầu của người dân mua lưới về bủa cá rất lớn, cũng là thời điểm nhộn nhịp hoạt động kinh doanh sản phẩm của nghề đan lưới Vân Trình. Các chủ cơ sở, đại lý kinh doanh có thu nhập từ 700 triệu đến cả tỷ đồng, như cơ sở Lê Tấn Mẫn, đại lý Lê Văn Cường, cơ sở Liên Cường...

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top