ClockThứ Hai, 23/07/2018 14:32

Giữ niềm đam mê

TTH - Đó là kinh nghiệm khởi nghiệp được chia sẻ bởi TS. Lê Quang Tiến Dũng (Trường đại học Khoa học Huế), tác giả của ý tưởng “Gốm sứ cao cấp trên cơ sở vật liệu nano TiO2” lọt vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế 2017.

Khởi nghiệp từ nghề đan bàn, ghế bằng dây nhựaNgười trẻ tiên phong

 TS. Lê Quang Tiến Dũng với sản phẩm dĩa sứ đã tráng phủ nano TiO2

Là một giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học, liên tiếp từ năm 2004 đến nay, TS. Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự đã gặt hái được 17 giải thưởng các loại từ những nghiên cứu của mình; trong đó, có gần 10 sản phẩm tiêu dùng được anh phát triển từ những kết quả nghiên cứu và đưa vào thị trường. Năm 2017, TS. Tiến Dũng thử sức mình ở sân chơi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, lọt vào chung kết và được Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh đầu tư kinh phí hỗ trợ.

Có được những thành công hôm nay, với TS. Lê Quang Tiến Dũng đó chính là giữ được niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ý chí quyết tâm không từ bỏ khi thất bại. Anh trải lòng, không ai thành công ngay từ đầu hoặc luôn thành công mà không một lần thất bại. Chỉ cần niềm đam mê không bị từ bỏ và biết vượt qua thất bại, thành công sẽ đến. Đó cũng là bài học quý mà anh nhận được trong quá trình công tác, theo đuổi các ý tưởng nghiên cứu khoa học và tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sản phẩm ly tách đã được phủ nano Tio2

Theo TS. Lê Quang Tiến Dũng, trước khi đưa một sản phẩm ra thị trường, có rất nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu kỹ, như: kênh tiêu thụ, đối tượng sử dụng, sản phẩm tương tự đã có trên thị trường và giá thành cạnh tranh. “Tôi có một lời khuyên với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp và mong muốn phát triển nó thành hoạt động kinh doanh, cần nghiên cứu nghiêm túc những vấn đề về thị trường và không bỏ qua bất cứ khó khăn nào. Nếu sản phẩm của mình đã có những sản phẩm tương tự đi trước, quan trọng nhất phải khẳng định được giá trị nổi bật của sản phẩm và có sự cạnh tranh về giá thành. Đi sau, dù sau bao nhiêu lâu nhưng nếu có giá trị độc đáo, riêng biệt vẫn có cơ hội để tồn tại. Phải tìm cách tồn tại, có chỗ đứng ổn định mới tính đến phát triển bền vững, nếu không sẽ dễ bị đánh phủ đầu”, TS. Tiến Dũng nói.

Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017, TS. Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự đã tạo dấu ấn bằng ý tưởng phủ lên sản phẩm gốm sứ một lớp nano TiO2. Sản phẩm gốm sứ không có gì xa lạ trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp phủ thêm lớp nano titan TiO2 lên sản phẩm đó do TS. Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự thực hiện, góp phần tạo ra hướng phát triển mới cho dòng sản phẩm gốm sứ. Từ một sản phẩm gốm sứ hoàn thiện, sau khi được phủ một lớp nano titan TiO2, sản phẩm có thêm nhiều ưu điểm, với hiệu ứng ngọc trai sáng bóng tăng thêm tính thẩm mỹ, có hiệu ứng lá sen không dính ướt, không bám dính bẩn, có độ cứng bề mặt cao, không bong tróc, trầy xước và có khả năng diệt khuẩn, ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm do dùng chung sản phẩm. Chính những giá trị nổi bật, khác biệt đó đã làm nên sự độc đáo trong sản phẩm gốm sứ sau khi “qua tay” TS. Lê Quang Tiến Dũng và được thị trường đón nhận tích cực.

Với TS. Lê Quang Tiến Dũng, sự thành công “trên thương trường” mà anh có được hôm nay chính là kết quả của phép cộng, giữa đam mê với làm chủ công nghệ, lường trước mọi rủi ro và may mắn”. Đó cũng là thông điệp anh muốn được chia sẻ cùng các nhà khởi nghiệp tương lai: Đừng chờ thời cơ, hãy tạo may mắn cho mình bằng sự kiên trì theo đuổi đam mê, làm chủ công nghệ và nghiên cứu thật kỹ nhu cầu của thị trường để lường trước mọi rủi ro trong khởi nghiệp.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện

Với những chủ trương, giải pháp cụ thể và tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, nhiệm vụ huấn luyện năm 2024 được lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thực hiện thắng lợi với nhiều thành tích nổi bật.

Đổi mới, đột phá trong huấn luyện
Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, năm 2024, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp
Return to top