ClockThứ Bảy, 18/02/2017 15:54

Góp ruộng cổ phần

TTH - Việc thực hiện những cánh đồng mẫu lớn đã được thực hiện khá rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Thu hoạch trên cánh đồng mẫu ở Hương Thủy

Đó phải là những cánh đồng rộng lớn, nơi các bờ vùng bờ thửa đã được xóa bỏ để tránh lãng phí đất; nơi mà lao động chân tay được thay bằng cơ khí hóa và công nghệ hóa; nơi có sự hoán đổi hiệu quả thật sự giữa chi phí ngày công và giá trị thực tế thu nhận được của nhà nông sau những mùa vụ… Đó là câu trả lời của một đồng nghiệp khi tôi làm một trắc nghiệm bỏ túi về những tiêu chí để nhận diện cánh đồng mẫu lớn.

Thực ra thì tôi chỉ muốn khẳng định lại vấn đề, dù biết đó là điều đương nhiên. Về mặt lý thuyết, cánh đồng mẫu lớn là những cánh đồng đang được làm mẫu, với diện tích có quy mô đủ lớn để người dân có thể cùng nhau thực hành các quy trình sản xuất với sự hỗ trợ của cơ khí hóa và công nghệ hóa trong tất cả các khâu, từ cày đất, xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch. Yếu tố cơ bản nhất ở đây chính là sự vận hành của tập thể và cùng nhau chia sẻ nguồn lợi thu được sau mùa vụ trong sự thống nhất của các khâu. Đó còn là sự cộng lại của những giá trị tăng thêm khi giảm được các chi phí sản xuất, giao dịch, tính liên kết và chia sẻ; nhất là trong việc đáp ứng được thị trường cả về số lượng và chất lượng ở vùng sản xuất tập trung. Điều này còn thể hiện tính ưu việt hơn khi cùng nhau tạo ra được sản phẩm lúa gạo mới, có giá trị hàng hóa cao cũng như xây dựng được một kế hoạch phát triển dài lâu.

Việc thực hiện những cánh đồng mẫu lớn đã được thực hiện khá rộng rãi trên phạm vi cả nước. Hiệu quả và lợi ích mang lại rõ ràng là điều đã và đang tiếp tục được chứng thực. Nhiều địa phương đã bắt đầu nhân diện và thay đổi quy mô trong sản xuất nông nghiệp khi thay cụm từ “cánh đồng mẫu lớn” bằng “cánh đồng lớn”.

Tôi cũng đã đọc những thông số về việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ở Thừa Thiên Huế. Từ 100 ha được thực hiện vào năm 2013 (bao gồm cả sản xuất lúa chất lượng và giống lúa chất lượng ở Quảng Điền và Hương Thủy), đến năm 2016, diện tích cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn đã được mở rộng lên 3.287 ha, trong đó giống lúa chất lượng cao chiếm 23,7% diện tích; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 94,4% diện tích. Điểm lưu ý ở đây là đã hình thành được sự liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Tuy nhiên, có vẻ như việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh hiện đang còn một số vấn đề làm nhiều người phân vân về mặt tiêu chí chưa đúng chuẩn, dù rằng những tiến bộ khi đưa vào thực hiện mô hình là điều được ghi nhận. Chẳng hạn như có những ý kiến cho rằng, đó chỉ là việc cùng sản xuất một loại giống, thông qua một quy trình kỹ thuật và cùng tổ chức sản xuất cùng thời vụ trên một diện tích lớn nào đó nhưng ở những thửa ruộng riêng. Điều ấy cũng có nghĩa là, quy trình được đặt ra nhưng ruộng nhà ai người ấy làm và chắc chắn, sẽ có độ vênh về những đáp số mùa vụ.

Vấn đề đặt ra ở đây là, cánh đồng mẫu lớn phải là những cánh đồng có quy mô đủ lớn (theo tiêu chuẩn mà Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định ít nhất là 20ha; diện tích 1.500m2/hộ trở lên). Quan trọng hơn nữa là những cánh đồng mẫu lớn này không phải là những phép cộng của những thửa ruộng ghép mà phải liền bờ, liền thửa để có thể đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng…

Làm thế nào để vận động người dân xóa bờ vùng bờ thửa bằng cách góp ruộng cổ phần để đồng hóa diện tích đất đai, tạo điều kiện tốt nhất trong việc tổ chức những cánh đồng mẫu lớn đúng nghĩa là điều đã được một lãnh đạo huyện chia sẻ. Tiêu chí, quy trình, năng suất và cả vấn đề thị trường là điều đã được nhìn thấy, nhưng vấn đề là làm thế nào thuyết phục người dân bằng cách họ vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử đất nhưng giao ruộng lại cho một tổ chức (có thể là hợp tác xã) để thực hiện các quy trình khác một cách tốt nhất là phương thức thực hiện, với những hỗ trợ, kiểm tra, giám sát của bộ máy vận hành của chính quyền; của sự mời gọi, tham gia và phối hợp của chuyên gia, kỹ thuật nông học, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Người nông dân sẽ được chia và nhận lợi tức dựa trên tỷ lệ đất ruộng của mình sau mỗi mùa vụ và anh chắc chắn, nó sẽ có hiệu quả hơn gấp nhiều lần cách mà mỗi hộ đang làm hiện nay. Đó cũng là một phương thức không chỉ ở chuyển đổi sức và hiệu quả lao động mà còn mở ra việc lao động có thời gian để đầu tư cho những ngành nghề khác.

Nhưng tôi cũng biết, đó không phải là việc có thể làm được ngay khi thấy cán bộ xã chưa ngồi xuống cùng anh khi lãnh đạo địa phương họ ngồi xuống, thuyết minh và phân tích bằng những đường vạch trên đất.

Vượt qua được tâm lý mới là điều khó khăn hơn cả.

Bài: Minh Hà - Ảnh: HẢI TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty cổ phần Bến xe Huế

Sáng 14/4, Công y cổ phần (CP) Bến xe Huế tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (14/4/1994-14/4/2024). Đến dự có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Hoàng Hải Minh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan; các nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Việt Nam và Công ty Bến xe khách các tỉnh, thành.

Kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty cổ phần Bến xe Huế
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Return to top