ClockThứ Ba, 18/02/2014 05:58

Góp thêm tư liệu cho sách Lịch sử báo chí Huế

TTH - Vừa qua tại Trung tâm Văn hóa Phương Nam, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế giới thiệu tập sách "Lịch sử báo chí Huế" của Nguyễn Xuân Hoa do Nhà Xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào cuối năm 2013. Theo nhận xét của Báo Tuổi Trẻ thì sách "Lịch sử báo chí Huế" khá công phu và cẩn thận về mặt tư liệu (1). Tuy nhiên chúng tôi đọc thì thấy đôi chỗ đáng ngờ, vẫn còn có một số vấn đề về tư liệu cần được bổ sung. Bài viết của chúng tôi xin bước đầu mạo muội công việc bổ sung ấy.

1. Tác giả Nguyễn Xuân Hoa viết: “Báo Chiến Sĩ: Tổ chức vũ trang giải phóng quân tỉnh Thừa Thiên, buổi đầu mới thành lập cũng ra báo Chiến Sĩ làm cơ quan tuyên truyền của Vệ Quốc toàn tỉnh, sau đó là cơ quan của Vệ Quốc đoàn khu IV, do Ngô Điền làm chủ bút, Thân Trọng Ninh là Thư ký toàn soạn. Đây có thể xem là tờ báo đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Số 1 ra ngày 21-12-1945, phát hành hàng tuần, quy mô chỉ 2 trang” (Sđd, tr.137). Và ở phần “Danh mục các tờ báo ở Huế” tác giả cho biết: “Chiến Sĩ. Cơ quan tuyên truyền của Vệ Quốc đoàn, từ số 38 là cơ quan của Vệ Quốc đoàn khu IV.

Đặc san Liễu Quán. Ảnh: HK (chụp từ bản gốc)

 

Chủ bút: Ngô Điền
 
Thư ký toàn soạn: Thân Trọng Ninh
 
Tòa soạn: số 8 đường Tự Đức, Huế
 
Số 1: ra ngày 17/11/1945” (Sđd, tr.397)
 
Đối chiếu số 1 ngày ra báo Chiến Sĩ lại “không khớp” nhau. Bản thân chúng tôi cảm thấy hết sức băn khoăn bởi vì đây là sách lịch sử mà lịch là ngày, tháng, năm; sử là sự kiện cụ thể. Để bổ sung thêm chi tiết về báo Chiến Sĩ, Tạp chí Huế Xưa và Nay đã công bố bài viết “Báo Chiến Sĩ của giải phóng quân Huế năm 1945” của tác giả Thân Trọng Ninh. “Sáng ngày thứ hai 15/11/1945, mọi thủ tục với nhà in đã xong xuôi. Buổi chiều, 500 tờ “số Một” của báo “Chiến Sĩ” đã được “ra lò”. Măng sét in màu đỏ trên giấy không lấy gì là trắng lắm. Cỡ báo 20x27cm, tám trang. Tiền giấy là 0$20, công in là 0$15. Tôi chờ xếp báo xong, ký biên bản rồi chở chồng báo bằng xe đạp về Ban. Nhìn tờ báo “đầu lòng”, mực in còn thơm, anh em trong Ban Tuyên truyền vui mừng không tả xiết. Báo trình bày khá đẹp, nội dung phong phú” (2). Nét đặc sắc được tán thưởng của tờ “Chiến Sĩ” có lẽ là phản ảnh những hoạt động của giải phóng quân trên địa bàn bản lề Thừa Thiên Huế. Tờ báo tường thuật những buổi tuyển quân xúc động ở các huyện trong tỉnh, những lần đón và tiễn các đoàn quân Nam tiến từ Bắc đi vào dừng lại một vài ngày ở Cố đô (3).
 
2. Tác giả viết: “Lành Mạnh: Tập san khoa học, văn hóa, xã hội, ra 2 tháng 1 số.
 
Chủ nhiệm: Lê Khắc Quyến
 
Quản lý: Nguyễn Nguyên
 
Tòa soạn: Số 32 đường Lê Thái Tổ, Huế
 
Số 1: ra tháng 7/1956
 
Số cuối: 1964
 
Khổ báo: 20x27cm (Sđd, tr414)
 
Qua nghiên cứu của chúng tôi, báo Lành Mạnh số 1 ra ngày 1/10/1956 đến số 83, 1/8/1963; trọn bộ 83 số (4). Trên Văn hóa nguyệt san, số 63, tháng 8-1961, trang 1018/160 có giới thiệu: “Lành Mạnh, Tập san khoa học, văn hóa và xã hội, đã ra tới số 58, phát hành tại Huế ngày 1-7-1961. Số này gồm có nhiều bài giá trị và hấp dẫn (Văn hóa, văn minh và văn hiến, Ngọc Hân công chúa, Bệnh già, Vui gặp Bạn tri âm...). Mỗi số dày 32 trang lớn. Giá bán 12đ”.
 
3. Đặc san Liễu Quán: Ra mắt với việc kiến tạo xây cất Trung tâm Văn hóa Liễu Quán.
 
Đặc san Liễu Quán do Ban Kiến thiết Trung tâm xuất bản và phát hành: Năm Canh Tuất – 1970. Khổ 15,5x23cm.
 
Theo chúng tôi, đã gọi là sách Lịch sử báo chí Huế thì cần điểm thêm tờ đặc san này vào.
 
4.Về tờ báo Nối Tay, theo chúng tôi nên giới thiệu đầy đủ hơn như sau:
 
Báo Nối Tay: Do ban đại diện Trường đại học Luật khoa Huế chủ trương và Khối báo chí thực hiện.
 
Ra tháng 3/1970
 
Khổ báo: 20x25cm, in ronéo, dày 72 trang.
 
Báo Nối Tay đã được giới thiệu trên Tạp chí Bách khoa, số 324, 1/7/1970
 
5. Về nhà báo Bửu Đình, theo chúng tôi sách Lịch sử báo chí Huế giới thiệu còn quá đơn giản. Xin được góp thêm một vài chi tiết (xem Sđd, tr.92-95)
 
Báo Tân Thế Kỷ
 
Chủ nhiệm: Cao Văn Chánh
 
Tổng lý kiêm chủ bút: Hà Trì Bửu Đình
 
Tòa soạn: 116, phố Expanhơ, Sài Gòn.
 
Khổ báo: 61,5x45cm
 
Số 1: 1/11/1926; số cuối cùng, số 142, 30/4/1927.
 
Chủ bút Bửu Đình là người thuộc hoàng tộc có tư tưởng cấp tiến, đã viết nhiều bài báo và đọc nhiều diễn văn công kích bọn quan lại bất tài, khiếp nhược và nịnh hót trong triều đình Huế, tố cáo triều đình mục nát. Với những hoạt động ấy, Bửu Đình bị khai trừ khỏi hoàng tộc, lấy họ mẹ có tên là Tạ Đình. Bị đi đày ở nhà tù Lao Bảo, rồi ra Côn Đảo, vẫn kiên cường viết nhiều bài báo gửi về đất liền nhằm tố cáo chế độ của thực dân. Năm 1931, ông cùng một số chính trị khác thả bè vượt ngục trốn về đất liền, nhưng mất tích trên biển, khi ấy mới 33 tuổi.
 
Trước tác: Mảnh trăng thu, Giọt lệ tri âm, Tấm lòng vàng gồm 543 câu, Sóng hồ Ba Bể… (5).
 
Hiện nay tên tuổi nhà báo Bửu Đình đã được đặt tên đường ở TP Huế.
 
Riêng tập san Nghiên cứu Huế, tác giả Nguyễn Xuân Hoa cho biết, từ tập 1 năm 1999 cho đến tập 8 năm 2012 “Mỗi tập bình quân trên 400 trang, lần lượt công bố các bài viết có giá trị của Lê Thanh Minh Châu, Nguyễn Hữu Đính, Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Xuân Hoa...”. (Sđd, tr.313). Tuy nhiên khi chúng tôi tra cứu 8 tập của Nghiên cứu Huế thì không có tên tác giả Lê Thanh Minh Châu trong các tập san ấy. Có lẽ tác giả Nguyễn Xuân Hoa nhầm lẫn chăng?
 
Với bài viết nhỏ bé này, chúng tôi mong tác giả sách “Lịch sử báo chí Huế” khi tái bản nên chỉnh sửa và bổ sung đầy đủ hơn ngõ hầu tránh đi cái di hại “tam sao thất bản” cho hậu thế.
(1) Thái Lộc, “Ra mắt Lịch sử báo chí Huế”, báo Tuổi Trẻ, 21/1/2014, tr.17
 
(2) Thân Trọng Ninh, “Báo Chiến sĩ của giải phóng quân Huế năm 1945”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 57, tháng 5/6/2003, tr.25.
 
(3) Nhiều tác giả, Giải phóng quân Huế 1945, Nxb. Lao Động, Hà Nội 1994, tr.150.
 
(4) Thư viện Huế, Thư mục Huế (tập I), Ban Văn hóa Thông tin TP Huế xuất bản, 1984, tr.35
 
(5) Đỗ Quang Hưng (chủ biên), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.92. Xem thêm Uất Kim Hương, “Những người làm báo tiêu biểu, sinh năm Tuất”, Tạp chí Thuế Nhà nước, số 3+4+5, tháng 1/2006, tr. 20-21. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hồ sơ tên đường phố (dữ liệu tên đường) – Nghiên cứu, xác lập ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng ở Thừa Thiên Huế, Huế, tháng 9/2010, tr.237.
Hồ Vĩnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top