ClockThứ Bảy, 06/08/2016 05:51

Guitar cổ điển “hồi sinh”

TTH - Guitar cổ điển khó chơi, khó luyện và kén người nghe. Điều đó khiến một thời gian dài, bộ môn nghệ thuật này dường như vắng bóng trong các sân chơi âm nhạc ở Huế. Bằng hoạt động giảng dạy và biểu diễn, CLB Guitar cổ điển Huế đang dần gây dựng lại phong trào chơi guitar cổ điển.

Lớp guitar cổ điển của thầy Hoàng Tín

Khổ luyện

Buổi sáng, không gian yên vắng của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (địa điểm Trường cao đẳng Sư phạm cũ) vang lên những giai điệu từ lớp học guitar cổ điển do thầy Hoàng Tín – Chủ nhiệm CLB Guitar cổ điển Huế đứng lớp. Học trò thích cách dạy nhiệt tình, hồn hậu, nhẹ nhàng của thầy Tín. Với những học viên mới, thầy Tín tận tình sửa từng thế ngồi, hướng dẫn cách bấm từng phím đàn. Sau khi học kỹ thuật cơ bản, các học viên được nâng cấp ngón đàn, kỹ thuật chơi, giới thiệu các thời kỳ âm nhạc… Thầy Hoàng Tín cho biết: “Guitar cổ điển đòi hỏi tập luyện công phu, kiên trì, phải mất ít nhất 4 năm để rèn luyện về bộ ngón, kiến thức âm nhạc mới chơi được. Người học phải được đào tạo bài bản, cộng thêm năng khiếu, tư chất, sự khổ luyện, quan trọng là phải yêu guitar và nhạc classic”.

Lớp học của thầy Tín đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Trẻ nhất mới học lớp 8, lớn cũng đã ngoài 40. Tất cả đều chung niềm đam mê cháy bỏng với guitar cổ điển… Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (đường Hùng Vương, TP. Huế) kể, ban đầu cũng tự ti nghĩ e không học được, bởi nhạc cổ điển rất khó, chị lớn tuổi, tay cứng, thời gian đầu bàn tay đánh đàn chai sần khiến chị thấy nản. Nhưng rồi càng học, càng thấy thích. “Nếu không yêu, không gắn bó với guitar cổ điển thì không học được. Tập được một bài cần nhiều thời gian, công sức, trong khi chị bận rộn làm ăn, thời gian dành cho âm nhạc hạn hẹp nên phải cố gắng nhiều hơn”, chị Phượng bộc bạch.

Một buổi biểu diễn của CLB Guitar cổ điển Huế

Để mở lớp dạy guitar cổ điển là cố gắng không nhỏ của Hoàng Tín. Sau 4 năm trung cấp và 4 năm đại học chuyên ngành Guitar, Tín tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế và vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Gần 1 năm dạy guitar ở Sài thành, Tín thấy số người tìm học guitar cổ điển rất đông. Từ đó, anh nuôi ước mơ xây dựng mô hình guitar chuyên nghiệp trong cộng đồng ở Huế và trở về. 

Năm 2013, Hoàng Tín đứng ra thành lập CLB Guitar cổ điển ở Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh nhằm tạo sân chơi cho loại hình âm nhạc bác học này. Ban đầu, số học viên ít ỏi nhưng Tín vẫn kiên trì, dù điều kiện kinh tế khó khăn. Khi Tín mở CLB và dạy đàn, nhiều người nghĩ rằng anh sẽ không trụ được. Nhưng gần một năm nay, lớp học thu hút ngày càng đông học viên. Mỗi tuần, Tín đảm nhận dạy cho 4 lớp, 2 lớp ở Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và 2 lớp ở nhà (số 4/1229, đường Nguyễn Tất Thành, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy), thường xuyên thu hút khoảng 20-30 học viên.

Nhân rộng đam mê

Với Hoàng Tín, guitar cổ điển là tình yêu, cuộc sống. Anh chia sẻ: “Guitar cổ điển có sức hút với mình, những giai điệu du dương, mượt mà, lắng sâu của ngón đàn guitar đưa mình đến một thế giới tâm hồn lãng mạn. Nhạc cổ điển phong phú về giai điệu và hòa thanh, gợi những cảm xúc trong sáng của hiện tại, hướng con người ta nhìn vào tương lai”.

Mong muốn nhân rộng tình yêu của công chúng đối với guitar cổ điển và cũng để tạo sân chơi, CLB Guitar cổ điển Huế là nơi đầu tiên tổ chức những buổi hòa nhạc guitar cổ điển, thường là ở các quán cà phê. Thưởng thức đêm nhạc, anh Nguyễn Trường An, giảng viên Trường đại học Y Dược Huế tâm sự: “Thích guitar cổ điển từ hồi còn trẻ nhưng lâu lắm rồi tôi mới đi nghe lại. Tiếc là Huế ít có không gian dành riêng cho guitar cổ điển”. 

Sau 3 năm thành lập, CLB Guitar cổ điển Huế thu hút khoảng 80 hội viên tham gia. Ngoài tạo sân chơi cho những người học guitar chuyên nghiệp, CLB còn thu hút những người yêu guitar cổ điển thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, có những người là bác sĩ, kỹ sư, hải quan, và sinh viên Trường đại học Y Dược Huế. 

Lần đầu tiên lên sân khấu biểu diễn, anh Nguyễn Mạnh Hùng – một thành viên của CLB vừa hào hứng vừa hồi hộp. Đến với guitar cổ điển 2 năm nay khi tuổi đã ngoài 40, đó là một sự cố gắng lớn của anh Hùng. Làm việc ở tận Lao Bảo, Quảng Trị, mỗi lần về Huế thăm nhà, anh lại tham gia sinh hoạt cùng CLB. Không có nhiều thời gian để học qua trường lớp, anh Hùng tự mày mò, nghiên cứu, tập luyện rồi hỏi thêm bạn bè mỗi lúc về Huế. Anh Hùng bày tỏ: “Mỗi khi nghe guitar cổ điển, tôi cảm thấy thư thái sau những ngày làm việc căng thẳng. Tôi cũng lo không tiếp cận được nhưng từng bước tập luyện, kiên trì rồi cũng vượt qua. Nhiều người trẻ có tâm lý sợ không học được guitar cổ điển là sai lầm. Tôi không phải là người có năng khiếu, lại lớn tuổi nhưng chịu khó tập luyện rồi cũng làm được. Mạnh dạn lên sân khấu biểu diễn, dù chất lượng nghệ thuật chưa đạt như mong muốn nhưng tôi rất hạnh phúc khi chính tay mình gảy lên tiếng đàn”.   

Guitar cổ điển chủ yếu được giảng dạy trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, nên sau giờ học, những sinh viên đam mê guitar cổ điển cũng không có nhiều sân chơi. Cũng vì kén khách nghe, những người học guitar chuyên nghiệp từ Học viện Âm nhạc Huế ra trường khó theo đuổi đam mê, rất ít người sống được bằng guitar cổ điển, phải chuyển sang chơi thể loại nhạc khác để mưu sinh. Không nhiều người kiên trì theo đuổi niềm đam mê guitar cổ điển được như Hoàng Tín. Nhưng nay, nhờ hình thức dạy và biểu diễn của CLB Guitar cổ điển Huế, môn nghệ thuật này đang hồi sinh, số người biết chơi và yêu thích đang nhiều lên. Những người tâm huyết với guitar cổ điển Huế như Hoàng Tín, Mạnh Hùng như những con ong cần mẫn, gieo tình yêu guitar cổ điển đến công chúng để thổi bùng ngọn lửa đam mê.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếng đàn xuân - Đêm nhạc guitar cổ điển đầy cảm xúc

Tiếng đàn xuân là chương trình biểu diễn guitar cổ điển được tổ chức tối chủ nhật (5/3) tại hội trường Đại học Huế. Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ Đặng Huy Hoàng (Mỹ), Phạm Hoàng Tín, Lê Công Nam Anh, nhà giáo - nghệ sĩ Đặng Ngọc Phú Hòa, bác sĩ Lê Nghi Thành Nhân.

Tiếng đàn xuân - Đêm nhạc guitar cổ điển đầy cảm xúc
Return to top