ClockChủ Nhật, 08/04/2018 07:51
XỬ LÝ NƯỚC THẢI KHU ĐÔ THỊ MỚI AN VÂN DƯƠNG:

Hạ tầng cần đi trước một bước - bài 2: Quản lý ngay từ quy hoạch

TTH - Các tuyến sông Phát Lát, Phổ Lợi… đang “chết dần” vì dòng nước thải đen ngòm từ các dự án (DA) nhà ở và khu dân cư (KDC) khu vực.

Hạ tầng cần đi trước một bước - bài 1: Nước thải “bí đầu ra”

Hệ lụy môi trường

Dạo một vòng quanh khu vực KĐTM An Vân Dương, hình ảnh những dòng kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối vì nước thải sinh hoạt không còn quá xa lạ. Các tuyến sông Phát Lát, Phổ Lợi cũng đang đối mặt với ô nhiễm khi nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý mặc nhiên thải trực tiếp ra sông.

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Nguyễn Việt Hùng, nước thải sinh hoạt thường có nồng độ ô nhiễm cao do chứa các chất độc hại như chất tẩy rửa, hóa chất, vi khuẩn, vi sinh vật, ni tơ, phốt pho... Các chất này rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trong nước thải sinh hoạt chứa một lượng dầu mỡ, hóa chất gây mùi, ngăn cản khuếch tán oxy trên bề mặt lớn và gây thiếu hụt oxy của nguồn tiếp nhận, ảnh hưởng hệ sinh thái môi trường nước. Nếu ô nhiễm quá mức, điều kiện yếm khí có thể hình thành, sản sinh mùi hôi thối.

Khi nước thải sinh hoạt không xử lý đạt chuẩn xả trực tiếp ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, thậm chí gây suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm. Nước thải sinh hoạt không qua xử lý khi tiếp xúc trực tiếp với đất sẽ gây ô nhiễm môi trường đất gây nên nhiều hệ lụy môi trường. Những vùng tồn đọng lượng nước thải lớn sẽ gây mùi ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và cảnh quan môi trường.

Ông Nguyễn Việt Hùng thông tin, theo quy định khi đưa DA đi vào hoạt động, chủ đầu tư (CĐT) phải có thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, nơi tiến hành tham vấn, cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm ít nhất mười ngày làm việc. Thế nhưng thực tế, các DA trong khu vực dù đã đi vào vận hành nhưng chưa có đơn vị nào thực hiện theo đúng quy định trên. Việc đưa DA vào hoạt động nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý là trái quy định.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên, hiện đang có tình trạng các DA đưa vào sử dụng từng phần DA. CĐT làm xong khu nào bán khu đó nên quá trình nghiệm thu, sở cũng chỉ mới nghiệm thu từng phần DA. Cũng vì đầu tư và nghiệm thu từng phần nên các CĐT vẫn đang “lách” đợi kết thúc DA mới tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Đợi kết thúc DA mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải chỉ là cách CĐT trì hoãn kéo dài thời gian sử dụng vốn.

Đòi hỏi kinh phí

Theo đánh giá của Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh (BQL KVPTĐT), việc đầu tư tuyến ống đấu nối hệ thống thoát nước thải hết sức cần thiết để đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo môi trường tốt thu hút đầu tư. Việc sớm đầu tư hệ thống đấu nối hệ thống thoát nước thải sẽ hạn chế việc đào xới khi DA “Phát triển các đô thị loại II” thực hiện tiểu DA “cây xanh vỉa hè thoát nước, điện chiếu sáng các khu sinh thái trung tâm KĐTM An Vân Dương”.

Nước thải tại KCC Xuân Phú thải trực tiếp ra ruộng

Ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc BQL KVPTĐT đề xuất: “Trước mắt cần sớm đầu tư một số trạm bơm chuyển tiếp một số tuyến ống thoát nước thải để thu gom nước thải các khu có mật độ dân cư cao như: KDC KV4; KĐT An Cựu City, KCC Vicoland, Xuân Phú, Aranya... Tùy thuộc vào công suất tính toán của trạm bơm số 8 (nằm bên cạnh Trường Nguyễn Tri Phương) của BQL DA Cải thiện môi trường nước (CTMTN) đang triển khai đã tính toán cho toàn bộ khu A KĐTM An Vân Dương để đưa ra phương án phù hợp.

Nếu công suất của trạm bơm số 8 đã tính toán cho khu A thì chỉ cần đầu tư 5 trạm bơm chuyển tiếp và 6.027m đường ống thu gom để chuyển toàn bộ nước thải của khu A về trạm bơm số 8 trước khi đưa về nhà máy xử lý nước thải với chi phí dự kiến 23,3 tỷ. Trường hợp công suất của trạm bơm số 8 chưa tính toán công suất thêm cho toàn khu A thì ngoài chi phí đã tính ở trên cần đầu tư thêm trạm bơm chính có công suất 15.000m3/ngày đêm để thu gom toàn bộ nước thải khu A trước khu đưa về nhà máy xử lý nước thải với kinh phí dự kiến là 40 tỷ đồng.

Về lâu dài, cần nghiên cứu đầu tư một số tuyến ống và một số trạm bơm thu gom nước thải của các phân khu còn lại để vận chuyển nước thải đến nhà máy xử lý đang được đầu tư.

Ngoài thực hiện theo đúng quy hoạch thoát nước thải chung của KĐTM An Vân Dương, các cơ quan chức năng cần đôn đốc CĐT các KĐT, KCC phải thực hiện đúng quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải; xử phạt nghiêm những CĐT cố tình trì hoãn không xây dựng trạm; yêu cầu CĐT hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đi đôi với hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải; bổ sung quy hoạch đối với những KĐT, CC chưa có trạm. Đồng thời, áp dụng quy định Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, CĐT không được bàn giao nhà cho khách hàng khi DA chưa xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Return to top