ClockThứ Ba, 15/08/2017 12:31

Hai đứa trẻ

TTH - Bảy năm qua, vợ chồng họ mỗi người một nơi. Chồng “lãnh” đứa con trai đầu ở lại Bắc. Vợ bồng con gái mới vài tháng tuổi về Huế. Sau nhiều năm không cùng sống, không có sự quan tâm, trách nhiệm với nhau, tình cảm đã vơi càng cạn.

Người vợ trình bày, lúc còn chung sống với nhau, chồng không tu chí làm ăn mà ham chơi, rượu trà đi sớm về khuya. Cằn nhằn thì lại bị chồng đánh, chị chịu không nổi. Lúc đó, hai đứa con còn quá nhỏ, đứa 2 tuổi, đứa mới vài tháng tuổi. Muốn ôm cả hai đứa về quê nhưng một nách 2 con dại thì không thể lo được cho các con, chị đành để lại đứa con trai lớn. 7 năm qua, lặn lội buôn bán vừa chăm bẵm cho con gái, nhưng lòng mẹ ngày nào cũng thương nhớ con trai. Thương nhất là có mấy năm chồng chị ra nước ngoài xuất khẩu lao động, con trai nhỏ phải nhờ ông bà nội chăm sóc.

Thỉnh thoảng chồng chị đưa con trai vào Huế cho anh em gặp nhau. Hai đứa trẻ tình cảm quấn quýt. Mỗi lúc đến ngày chia xa, đứa này khóc đòi em, đứa kia nước mắt ngắn nước mắt dài đòi anh. “Bây giờ, chồng tôi đã có người phụ nữ khác. Họ sẽ kết hôn với nhau. Mẹ kế con chồng sao bằng mẹ đẻ chăm sóc cho núm ruột của mình. Tôi nay kinh tế cũng ổn định hơn, có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc cho cả hai con. Điều quan trọng là, để hai anh em được sống cùng nhau, lớn lên dưới một mái nhà, có như vậy mới nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm ruột thịt”- người vợ tâm sự.

Khi theo cha mẹ đến tòa, vừa thấy nhau hai đứa trẻ vội chạy đến quấn quýt với bao nhiêu chuyện trẻ con ngộ nghĩnh. Trên băng ghế dài, đứa con trai ngồi ngoài cùng, kế là người cha rồi đến cô con gái nhỏ. Người mẹ ngồi cạnh bên con gái. Con trai ôm tay trái cha, con gái ôm tay phải, thỏ thẻ chuyện trò. Những câu chuyện khá hài hước khiến chốc chốc hai trẻ cùng ngước lên nhìn mặt cha, cười toe toét. Lẽ ra đó là hình ảnh của hạnh phúc đầm ấm. Thế nhưng, xót lòng thay, điều đó lại diễn ra ngắn ngủi nơi pháp đình...

“Anh có người phụ nữ khác”? Đó là câu hỏi ngoài lề của thẩm phán khi phiên tòa chưa mở. Người chồng thở dài bảo, cũng đã 7 năm ly thân với vợ rồi, người đàn ông không thể không tìm kiếm cho mình “bến đỗ”, ổn định gia đình, cuộc sống. Thế nhưng điều đó không ngăn cản anh chăm sóc nuôi dưỡng con trai. Thỉnh thoảng anh sẽ lại đưa con trai vào Huế thăm con gái, để cha con anh em được gặp nhau. “Nhưng mà…”- Nữ thẩm phán bỏ nửa chừng câu nói. Có lẽ, chị muốn hỏi vì sao vợ chồng không thể quay lại hàn gắn, hâm nóng tình cảm, bỏ qua cho nhau những sai sót trước đây, để họ lại là một gia đình nguyên vẹn, hai đứa trẻ có đầy đủ tình yêu thương, chăm sóc của cả cha và mẹ. Thế nhưng, điều đó chị cũng từng đưa ra trong những lần hòa giải và đã…bất thành.

Kết thúc phiên tòa, “quyền lợi” của cha-mẹ được bảo đảm. Có nghĩa, mẹ được quyền trực tiếp chăm sóc con gái, cha trực tiếp nuôi dưỡng con trai. Bảy năm xa nhau, chừng đó thời gian không cãi cọ, tình cảm nguội dần rồi tắt hẳn. Vậy nên bây giờ họ đủ bình tĩnh để cư xử với nhau lịch sự với những lời lẽ lịch sự. Chỉ có hai đứa trẻ bắt đầu tắt những nụ cười. Thằng anh buồn rầu an ủi em đang nước mắt ngắn nước mắt dài, bằng những lời “tra rụi”, ai nghe cũng phải ngậm ngùi: “Bố sẽ trở vào Huế mang em ra Bắc chơi với anh 1 tuần. Những 1 tuần luôn đó em…”.

DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tình cảm gia đình và trách nhiệm công dân qua “những lá thư vượt tuyến”

Trần Hoàn, tên thật là Nguyễn Tăng Hích (27/12/1928 – 23/11/2003), nhạc sĩ tên tuổi trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Hàng trăm ca khúc của ông đã đi vào lòng công chúng ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp như: Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Hoàng hôn đêm trăng… Và cả trong sự nghiệp sáng tác của ông sau này, nhiều ca khúc với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng như: Lời ru trên nương, Nắng tháng ba, Gửi Huế, Mùa xuân nho nhỏ, Giữa mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Thăm bến Nhà Rồng, Lời Bác dặn trước lúc đi xa… mãi đọng lại trong lòng khán, thính giả yêu âm nhạc.

Tình cảm gia đình và trách nhiệm công dân qua “những lá thư vượt tuyến”
Chưa kịp giàu, cha mẹ đã già

Tháng năm vùn vụt trôi, "tên siêu trộm thời gian" đang dần lấy đi tuổi xuân của cha mẹ, rồi có một ngày, cha mẹ sẽ già đi và không còn trên đời theo quy luật sinh lão bệnh tử.

Chưa kịp giàu, cha mẹ đã già
Đong đầy tình cảm “Bữa cơm tri ân”

Trong chuỗi hoạt động tri ân của Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân, “Bữa cơm tri ân” là cách thể hiện và bồi đắp thêm tình cảm gắn bó giữa lực lượng BĐBP; tuổi trẻ trên địa bàn và thế hệ đi trước, từng mang áo lính.

Đong đầy tình cảm “Bữa cơm tri ân”
Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

Qua thực tế giáo dục con trẻ mới thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Dạy con bằng chính tấm gương của bố mẹ là một trong những phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất.

Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

TIN MỚI

Return to top