ClockThứ Sáu, 20/09/2019 15:01

Hải Dương cán đích nông thôn mới

TTH - Sau Hương Vinh, Hương Bình và Hương Toàn, Hải Dương - xã ven biển duy nhất của TX. Hương Trà đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Hương Sơn xứng danh nông thôn mớiNông thôn mới, cuộc sống mới

Diện mạo xã nông thôn mới Hải Dương

“Chinh phục” tiêu chí khó

Những ngày này, tuyến đường trung tâm qua xã Hải Dương rợp cờ hoa. Ông Phan Lân, người dân xã Hải Dương hồ hởi: “Sau 7 năm xây dựng NTM, Hải Dương có nhiều đổi thay rất lớn. Không chỉ cơ sở hạ tầng được đầu tư, hệ thống kè chống sạt lở bờ biển sau khi hoàn thành giúp người dân an tâm hơn trước mùa mưa bão”.

Năm 2012, Hải Dương bắt tay xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp (xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí), hạ tầng chưa đồng bộ, việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Sau 7 năm, Hải Dương hoàn thành 19 tiêu chí NTM và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM 2018.

Chủ tịch UBND xã Hải Dương Lê Văn Đoàn bày tỏ: “Cốt lõi của việc xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, xã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế gắn với tiềm năng thế mạnh của địa phương”.

Với điều kiện đặc thù của xã biển thì nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thuỷ sản biển là chủ lực, vì vậy, một loạt các biện pháp đã được Hải Dương triển khai thực hiện để có bước đột phá phát triển ngành kinh tế truyền thống này.

Việc nuôi trồng thuỷ sản nước lợ được chuyển đổi theo hướng nuôi xen ghép và hỗn hợp nhiều đối tượng; nuôi cá lồng trên đầm phá chuyển dần từ lồng nuôi cố định sang lồng bè, đưa các loại cá có giá trị kinh tế cao vào thả nuôi; chú trọng đánh bắt các loại hải sản biển có giá trị; sắp xếp lại nò sáo, đáy rớ cũng như hình thành các chi hội nghề cá và giao quyền khai thác thuỷ sản đầm phá cho các chi hội quản lý.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế, nhưng trên đường về đích NTM, theo nhìn nhận của lãnh đạo xã, đối với Hải Dương, “cửa ải” khó vượt qua nhất lại là tiêu chí môi trường.

Nhiều năm liền, tình trạng “sống chung với rác thải” là “chuyện thường ngày ở xã”, bởi lượng rác tồn dư sau mỗi đợt lũ không được xử lý dứt điểm và ý thức một bộ phận người dân trong bảo vệ môi trường kém, trong khi xã chưa có phương tiện xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày.

Để giải quyết “vấn nạn” này, Hải Dương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Sau hơn 1 năm hành động (2017-2018), từ tuyên truyền, vận động, nêu gương, gắn kết cộng đồng, tham gia Ngày chủ nhật xanh… các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường đã được thông qua.

Đến nay, Hải Dương có 198 phương tiện đánh bắt, khai thác biển với sản lượng đạt trên 1.000 tấn (năm 2018). Việc chế biến thuỷ sản được duy trì, phát triển, cung cấp cho thị trường 200-250 tấn/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,95% (2011) xuống còn 4,67%, thu nhập bình quân đầu người từ 6,42 triệu đồng (2010) tăng lên đạt 32 triệu đồng/người/năm (2018).

Hướng đến nông thôn mới nâng cao

Theo Bí thư Đảng uỷ xã Hải Dương Nguyễn Hận, chặng đường phía trước không dễ, bởi không chỉ duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt, nâng cao chất lượng các tiêu chí tiệm cận đạt, địa phương còn đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao trong 3-5 năm tới, tiến tới NTM kiểu mẫu.

Để thực hiện điều này, xã ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ cho việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, như cơ giới hoá nông nghiệp, củng cố đội tàu thuyền, đầu tư, nâng cấp các tuyến đê bao, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nuôi trồng thuỷ sản (xử lý nguồn nước, đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng các biện pháp sinh học, không dùng chất độc hại, chất cấm…), xây dựng trường đạt chuẩn, nhà văn hoá tạo sự phát triển đồng bộ, toàn diện. Tranh thủ nguồn lực đầu tư của các cấp cũng như nội lực của địa phương để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội.

“Trước mắt, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và hệ thống chính trị là hai tiêu chí xã cần đầu tư nâng cao chất lượng để giữ tiêu chí bền vững. Song song đó, xã sẽ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch các nguồn đầu tư; trao quyền tự chủ cho cộng đồng, người dân trực tiếp tham gia, lựa chọn công trình, hạng mục triển khai trên địa bàn của mình; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh- sạch- đẹp, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá nông thôn”, Chủ tịch UBND xã Hải Dương Lê Văn Đoàn nói.

Tổng số vốn huy động cho mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Hải Dương từ 2011-2018 là gần 172 tỷ đồng, riêng nguồn đóng góp của Nhân dân hơn 4 tỷ đồng, người dân tự đầu tư vốn chỉnh trang và xây dựng nhà ở trên 48 tỷ đồng; bê tông hoá được 97% đường làng, ngõ xóm; cứng hoá 95% đường trục chính nội đồng…

Bài, ảnh:  Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là 1 trong 6 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn tham gia mô hình thí điểm “Xã nông thôn mới thông minh” của toàn quốc trong Chương trình Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh.

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh
Phong Sơn đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 26/1, UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Phong Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là xã cuối cùng của huyện Phong Điền được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Phong Sơn đạt chuẩn nông thôn mới
Return to top