ClockThứ Tư, 22/08/2012 15:07

Hai ông cháu và nỗi niềm về “Cống Chém”

TTH - Cống Chém từng là một pháp trường thấm nhuộm máu đào đền nợ nước của những nghĩa sĩ yêu nước thời chống Pháp. Nhưng đến nay, địa danh này vẫn chưa được công nhận là di tích, thậm chí nếu không phải là người Huế lớn tuổi thì cũng không mấy ai biết rõ địa danh này ở đâu...

Trăn trở

Cụ Lê Văn Lâm, sinh năm 1917, năm nay đã 95 tuổi vẫn luôn trăn trở về sự kiện hai nghĩa sĩ yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân bị giặc Pháp đem ra xử chém tại khu vực Pháp trường Cống Chém năm 1916 (thời ấy gọi là Bắc dạ Trường hình). Mặc dù lúc bấy giờ cụ chưa ra đời, nhưng anh trai cả của cụ ngày ấy tận mắt chứng kiến vụ hành quyết dã man những nghĩa sĩ yêu nước kể lại khá tường tận việc này. Cụ còn cho biết, người anh của mình đã bị ám ảnh đến mức cả mấy ngày không nuốt nổi cơm. Với những chi tiết quá ư rõ ràng do người anh kể lại, cảnh tượng rùng rợn tại pháp trường năm ấy cũng đã ăn sâu vào tâm trí cụ đến tận hôm nay. 

Ngôi miếu nhỏ này, người dân Đốc Sơ lập ra để thờ những vong hồn bị giặc Pháp hành quyết.

Cũng như người chú ruột của mình, ông Lê Văn Đại, 76 tuổi là con trai của người tận mắt chứng kiến cảnh hành hình năm xưa luôn trăn trở về di tích Cống Chém. Theo ông, với bản “lý lịch” của mình, Cống Chém có đầy đủ lý do để được công nhận là di tích lịch sử. Nhưng ngược lại với ước muốn của cả hai ông cháu, đến thời điểm này, ngay bảng ghi địa danh cũng không còn. Sau những lần đổi tên do cống được nâng cấp lên thành cầu, thì hiện tấm biển của ngành giao thông có tên là cầu Chém được dựng lên sau này không hiểu vì lý do gì cũng đã bị dỡ mất.

Trả lại địa danh cho Cống Chém

Năm 1916, Trần Cao Vân (quê làng La Qua, Điện An, Điện Bàn) và Thái Phiên (quê Hòa Vang) khởi xướng tổ chức cuộc khởi nghĩa chống Pháp, vận động vua Duy Tân cùng tham gia. Cuộc khởi nghĩa không thành, Trần Cao Vân và Thái Phiên cùng các chí sĩ Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị bắt và lên đoạn đầu đài tại Cống Chém (gần An Hòa) vào ngày 16/4 năm Bính Thìn -1916.

Do chưa được công nhận di tích, nên những công trình liên quan đến địa danh Cống Chém chưa được rõ ràng. Ví như, nhiều người vẫn cho rằng, đền An Hòa hiện nay là nơi được lập ra để thờ những nghĩa sĩ yêu nước, nhưng theo cụ Lâm thì chính ngôi miếu nhỏ nằm dưới cây đa (đối diện ở bên kia đường Lý Thái Tổ) mới chính là ngôi miếu thờ những người bị hành quyết năm xưa. Ngôi miếu này nằm sát bên Cồn Mã Thí, khoảnh đất sát bên đường ray xe lửa do dân làng Đốc Sơ lập ra, hàng năm vẫn được dân làng tổ chức cúng tế cho oan hồn những người bị hành quyết ở khu vực Cống Chém. 

Quá sốt ruột về việc mai một của địa danh này, ông Lê Văn Đại đã cho người khắc một tấm bia đá, nhưng rồi ông phải gói tấm bia lại để trong nhà do không biết đặt ở đâu và có được phép đặt hay không. Liên quan đến di tích Cống Chém, ông Lê Văn Lâm cho biết: “Hội đồng bô lão của làng Đốc Sơ đã từng đưa ra họp bàn, thậm chí sau giải phóng, có một đoàn cán bộ văn hóa về đây gặp gỡ nhân chứng xác minh về địa danh này để làm hồ sơ công nhận di tích, nhưng không hiểu sao từ đó đến nay chưa thấy có động tĩnh gì”.

Có thể nói, những địa danh như Cống Chém có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Thiết nghĩ, ngành văn hóa cần xác minh và xúc tiến làm hồ sơ cho việc công nhận di tích, hay ít nhất cũng phải có biển bảng ghi rõ địa danh này. Đây là ước muốn không chỉ của những người gần đất xa trời như cụ Lâm, ông Đạt mà cả nhiều người dân của làng Đốc Sơ.

Quang Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top