ClockThứ Hai, 08/04/2019 14:57

Hạn chế sai sót cho thí sinh

TTH - Sau quá trình quảng bá tuyển sinh trực tiếp, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tại Huế đang tăng cường giải đáp nhanh thắc mắc cho thí sinh qua hình thức trực tuyến, tránh những sai sót trong giai đoạn thí sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2019.

Infographics: Những mốc thời gian quan trọng cần nhớNhững lưu ý quan trọng khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019

Giải đáp thông tin của thí sinh liên quan đến khối ngành du lịch

Nhiều thắc mắc được giải đáp

Thống kê từ bộ phận tuyển sinh của các trường ĐH cho thấy, hiện nay, trung bình mỗi ngày có hàng chục, thậm chí cả trăm lượt thí sinh gửi câu hỏi đến để nhờ tư vấn. Những câu hỏi phổ biến nhất là chính sách hỗ trợ cho thí sinh, các tiêu chí phụ trong xét tuyển, đầu ra việc làm, ký túc xá và những hỗ trợ cho sinh viên ngoại trú hay cách đăng ký vào các ngành nghề…

So với các năm trước, sự quan tâm từ phía các thí sinh tự do năm nay cũng khá nhiều. Không ít trường hợp băn khoăn quá trình dự thi cần thi đầy đủ các môn hay chỉ thi tổ hợp môn để xét tuyển, chính sách ưu tiên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự… “Học sinh đang học lớp 12 được các giáo viên ở trường hướng dẫn, còn em và nhiều bạn thí sinh tự do lo lắng hơn vì quy chế tuyển sinh, hình thức thi tuyển mỗi năm thường có thay đổi. Vì vậy, phải nhờ các chuyên gia ở trường ĐH tư vấn”, Phạm Khắc Long, thí sinh tự do tâm sự.

Đại diện các cơ sở giáo dục cho biết, nhờ nâng cấp hạ tầng công nghệ, việc tư vấn tuyển sinh, giải đáp thắc mắc cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2019 diễn ra nhanh, các câu hỏi cần thông tin sâu cũng được giải đáp nhanh trong ngày. Ngoài bộ phận tư vấn tuyển sinh của ĐH Huế, các trường, khoa, phân hiệu thì cán bộ, giảng viên tại các khoa chuyên môn cũng tham gia trả lời, hướng dẫn thêm cho thí sinh.

Điểm đặc biệt là năm nay kênh giải đáp thắc mắc đa dạng hơn, ngoài email, tư vấn qua điện thoại, website, mạng xã hội facebook, còn có app tuyển sinh hay một số trường tổ chức chương trình tư vấn tương tác trực tuyến với thí sinh. ThS. Trần Võ Văn May, Thường trực Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế cho biết, năm nay nhà trường tổ chức 5 đợt live stream (phát trực tiếp) tư vấn tuyển sinh trên mạng xã hội facebook, trong đó có 3 đợt tổ chức trước giai đoạn thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia (vào tháng 3 – 4/2019). Mỗi đợt tư vấn khoảng 60 phút, thu hút khoảng 10.000 lượt xem và 300 – 400 lượt tương tác câu hỏi.

“Đợt đầu nhà trường tư vấn về xét tuyển học bạ, đợt 2 là toàn cảnh tuyển sinh của trường và đợt thứ 3 hướng dẫn đăng ký dự thi THPT Quốc gia. Ngoài các chủ đề chính để thí sinh tiện đặt câu hỏi, chúng tôi cũng giải đáp tất cả thắc mắc mà họ đặt ra. Dự kiến, 2 đợt còn lại sẽ tổ chức sau khi thí sinh có điểm thi và trước khi họ đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng. Qua tư vấn, mới thấy thí sinh có rất nhiều băn khoăn. Phụ huynh cũng quan tâm đặt các câu hỏi liên quan”, ThS. Trần Võ Văn May nói.

Quỳnh Mai, thí sinh dự định thi vào ĐH Huế chia sẻ, đây là giai đoạn quan trọng nên có thắc mắc nào em đều gửi câu hỏi nhờ tư vấn. Nắm kỹ và đầy đủ thông tin, việc đăng ký sẽ chuẩn hơn và có thể sau này khỏi cần phải điều chỉnh nguyện vọng.

Nhắc nhở tránh sai sót

Thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH từ tháng 1 – 20/4 và thông thường sẽ “chốt” kết quả đăng ký vào cuối giai đoạn nên đây là thời điểm các trường đặc biệt lưu ý những sai sót thường gặp của thí sinh.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, trong các đợt tư vấn tuyển sinh – định hướng nghề nghiệp tại các địa phương, thường xuyên bắt gặp những nhầm lẫn của thí sinh về điều kiện giữa hình thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển học bạ. Điển hình, thí sinh chưa rõ thông tin các ngành sư phạm theo hình thức xét tuyển học bạ mới cần bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi, còn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia thì không đòi hỏi điều kiện trên. Sự nhầm lẫn này cũng xảy ra tương tự với khối ngành y, do năm nay quy chế tuyển sinh ĐH 2019 yêu cầu thí sinh dự tuyển một số ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề phải đáp ứng yêu cầu phải tốt nghiệp THPT, học lực lớp 12 xếp loại giỏi để đảm bảo chất lượng (đối với trường không sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia).

Đại diện các trường ĐH cho biết, một số thí sinh cũng sơ xuất, nhầm lẫn thông tin các mã ngành đào tạo, tổ hợp môn xét tuyển hoặc thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, thông tin thi tuyển năng khiếu. Để kịp thời hạn chế những sai sót không đáng có trước khi thí sinh nộp hồ sơ, các cán bộ tư vấn giai đoạn này cũng chú ý lồng ghép hướng dẫn những lỗi thường xuyên mắc phải của thí sinh, nhắc nhở thí sinh hoàn thành thủ tục đúng và kịp thời.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1
Return to top