ClockChủ Nhật, 09/07/2017 15:39

Hàng rào mềm

TTH - Văn hóa Huế vừa trải qua mấy cuộc va chạm, khiến cho không chỉ người Huế mà người cả nước cũng phải buồn lòng.

Thăm di tích Huế. Ảnh: Doãn Quang

Đó là vụ rải tiền từ khinh khí cầu để “truyền cảm hứng làm giàu” của một doanh nhân đến từ TP. Hồ Chí Minh nhân sự kiện ra mắt cuốn sách của mình hôm 16/6. Trước đó một ngày, 15/6, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đã xử phạt Công ty Carlsberg Việt Nam vì đã dán hình ảnh chai bia lên di tích Ngọ Môn để quảng cáo sản phẩm. Và cách đây mấy ngày, lại xảy ra chuyện ngôi mộ của một bà vợ vua Tự Đức bị san ủi trong khi thi công mặt bằng bãi đỗ xe tham quan lăng vua.

Ngay sau khi xảy ra “cơn mưa tiền”, nhiều người lên tiếng âu lo cho không gian văn hóa Huế. Trên trang facebook của mình, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương - chia sẻ rằng: “không gian văn hóa Huế đang trở nên rất mong manh”, “có cảm giác như người ta va chạm Huế không chút kiêng dè”. Ý kiến của nhà văn đã tạo ra một cuộc thảo luận của nhiều người quan tâm văn hóa Huế, cả người ở Huế lẫn người xa Huế. Nhiều người đồng tình với đề xuất cần phải xây dựng một “quy chế văn hóa đặc biệt” để bảo vệ Huế trước những hành xử xấu xí và thô thiển làm tổn hại không gian văn hóa của vùng đất này. Có ý kiến cho rằng, nên xây dựng một quy định kiểu như “hương ước”, vì với những hành xử “thiên về tính chất văn hóa, đạo đức hơn là pháp luật” này thì dùng “lệ làng” để ngăn chặn sẽ hiệu quả hơn “phép nước”...

“Quy chế đặc biệt” không khéo lại tạo ra sự cách biệt, khiến người ta e ngại “nước Huế”. “Hương ước” liệu có biến Huế thành “làng Huế” hay không? Đó là những khuyến cáo đòi hỏi phải hết sức thận trọng. Quy chế đặc biệt, quy định riêng hay gì đó nữa, còn phải đợi các chuyên gia và cơ quan chức năng trả lời. Nhưng rõ ràng những gì vừa diễn ra, đã diễn ra, cho thấy Huế, hay nói cụ thể là văn hóa Huế, cần phải có một bộ quy tắc ứng xử, như là một “hàng rào mềm” để bảo vệ.

Bộ quy tắc ứng xử là tập hợp các quy định về cách hành xử mang tính văn hóa, đạo đức; nhằm bảo vệ cho một cộng đồng, một tổ chức, bằng cách khuyến khích những việc tốt nên làm, hướng dẫn để tránh những hành vi làm tổn hại tình cảm, đạo đức, và cảnh báo nguy cơ có thể vi phạm pháp luật. Đây là một loại “hàng rào mềm”, khác với “hàng rào cứng” là luật pháp, đã được sử dụng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, đã có không ít hội đoàn, doanh nghiệp, cơ quan, trường học và địa phương xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Chính quyền thành phố Hà Nội còn ban hành đến hai bộ quy tắc ứng xử vào đầu năm 2017 này, một bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và một bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động thủ đô. Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thì ban hành bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, với những quy định và khuyến cáo cho du khách, người dân địa phương và các doanh nghiệp, cách ửng xử văn minh khi đi du lịch, làm du lịch. Và mới đây nhất, tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch.

Quy tắc ứng xử thường chỉ mang tính hướng dẫn, khuyến cáo, “mềm” như hàng rào chè tàu đặc trưng xứ Huế

Các bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch này, cũng như bộ quy tắc ứng xử tương tự của các nước, đều quy định “tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và cộng đồng địa phương”, nhằm mục đích sau cùng vẫn là: thu hút du khách bằng cách bảo vệ bản sắc của chính mình, chứ không phải là chiều khách bằng mọi giá. Người Việt đi đến các vùng, miền trong nước hay đến các quốc gia khác, cũng như người các nước đến Việt Nam đều phải biết tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của bản địa. Điều đó là phép tắc hành xử “nhập gia tùy tục” đã có từ xa xưa.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử du lịch nhưng chưa kịp ban hành thì Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành bộ quy tắc ứng xử tương tự. Vì vậy, để tránh tình trạng “quy tắc chồng quy tắc”, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở này nhanh chóng xây dựng để sớm ban hành một quy chế du lịch Huế trên cơ sở bộ quy tắc của quốc gia. Quy chế này, có lẽ chính là cái mà nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc và nhiều người đã đặt ra sau sự cố “rải tiền” của vị du khách nọ.

Không phải những người đề xuất “quy chế đặc biệt” đề cao Huế, mà rõ ràng Huế thật sự là một vùng đất mang những giá trị văn hóa rất riêng biệt, cả về vật thể lẫn phi vật thể. Ngay cách mọi người gọi đùa “nước Huế” (hay “nước Huệ”), “làng Huế”... cũng đã cho thấy sự khác biệt của Huế. Mọi sự khác biệt đều cần phải được tôn trọng.

Và không chỉ khác biệt, văn hóa Huế còn bị xâm hại bởi vố số hành vi xấu xí, thô thiển khác. Không gian văn hóa Huế không chỉ bị tổn thương bởi du khách rải tiền trên phố,

viết vẽ bậy lên chuông chùa, ăn mặc hở hang vào nơi tôn nghiêm, mà còn thường xuyên bị ngay chính chủ nhân vùng đất này phá hỏng bằng việc xả rác, rải vàng mã, hàng rong, xích lô đeo bám...

Từ ngày 1/7, du khách vào tham quan những nơi tôn nghiêm thuộc khu di tích Cố đô Huế buộc phải ăn mặc lịch sự. Đó là quy định mới ban hành của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Một quy định đã được áp dụng từ rất lâu ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thật ra, quy định này đã từng được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế ban hành từ năm 2001, nhưng hồi đó, do cách ban hành đột ngột, thiếu những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cùng các biện pháp hỗ trợ du khách, nên bị phản ứng và trở nên vô hiệu. Vì vậy, bộ quy tắc ứng xử hay quy chế du lịch Huế sắp ra đời cần tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.

Tuy nhiên, quy tắc ứng xử thì chỉ mang tính hướng dẫn, khuyến cáo, và rất khó để áp đặt các quy định chế tài vào đó. Nó chỉ là “hàng rào mềm”, mềm như cái hàng rào chè tàu rất đẹp nhưng không nghiêm ngặt như “bức tường bê tông” của luật pháp. Mọi vùng đất văn hóa không chỉ được bảo vệ bằng “bức tường bê tông” vững chãi của luật pháp, mà còn phải có thêm một hàng rào mềm mại của văn hóa. Vì vậy, việc bảo vệ không gian văn hóa Huế không chỉ đòi hỏi trách nhiệm và năng lực của cơ quan quản lý, mà hơn hết phải đòi hỏi lòng tự trọng và hành xử tử tế của chủ nhân vùng đất văn hóa.

Dù chỉ một bước “đạp” rào là vào nhà, nhưng nếu chủ nhân không băng qua hàng rào chè tàu mềm mại bằng cách đó, thì du khách cũng sẽ không xé rào để vào ngôi nhà vườn xứ Huế mà hái hoa, bẻ cành!

Bài: MINH TỰ -  Ảnh: PHẠM BÁ THỊNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top