ClockThứ Năm, 16/02/2017 14:08

Hát bội ở làng Dừa

TTH - Vào thập niên 80 thế kỷ trước, nghệ thuật hát bội (còn gọi hát tuồng) là một loại hình nghệ thuật diễn xướng rất được những người dân miền biển ở Thừa Thiên Huế yêu thích. Theo các nghệ nhân hát bội, do ngày đó chưa có các loại hình nghệ thuật giải trí văn hóa khác, nên những người dân, nhất là ở các vùng biển ở Thừa Thiên Huế xem hát bội là nhu cầu giải trí duy nhất.

NSND Bạch Hạc (bên trái) và NSƯT Thanh Long vào vai Phạm Công – Cúc Hoa trong vở hát bội cùng tên.

Tết Đinh Dậu (2017), NSND Bạch Hạc – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thông báo, năm nay làng Dừa (gồm làng Thai Dương Thượng và Thai Dương Hạ thuộc xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) tổ chức lễ hội cầu ngư “Tam niên đáo lệ”, nghệ sĩ nhà hát sẽ về hát chầu theo lời mời của các bô lão nơi đây. Đã nhiều lần nghe các nghệ sĩ kể chuyện hát bội và đánh chầu, nên đây là cơ hội để được “mục sở thị” nghệ thuật hát bội mà dân gian vẫn truyền tụng nhau: “Hát bội là tội người ta/ Bỏ cửa bỏ nhà cũng vì hát bội”.

Theo lịch trình, tôi rong ruổi xe máy từ thành phố thẳng tiến về làng Dừa. Mới hơn 6 giờ tối, bãi đất trống trước đình làng đã chật kín người dân đến xem hát bội, đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi. Họ đứng chen chúc và trò chuyện rôm rả, những đứa trẻ chạy tọt vào hậu trường để xem nghệ sĩ hóa trang. Nghệ sĩ Thanh Long vừa hóa trang vừa chào hỏi những khán giả quen biết. Trước sân khấu, bảy chiếc trống lớn được đặt dựng đứng để làm trống chầu, theo tục lệ trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, một vị bô lão cao tuổi nhất làng sẽ tiến lên đánh một hồi vào chiếc trống chầu ở giữa để khai hội, những chiếc trống chầu còn lại sẽ được đại diện các họ tộc trong làng “mua chầu” rồi cử người của mình đánh chầu và thưởng “tiền lèo” cho diễn viên.

Theo yêu cầu của người dân, đoàn hát bội lược diễn nội dung hai vở “Thoại Khanh – Châu Tuấn” và “Phạm Công – Cúc Hoa”. Dù hai vở diễn này những người dân nơi đây đã xem nhiều lần, đã biết trước nội dung và thậm chí họ thuộc từng câu hát của các nhân vật, nhưng với tài năng của mình, các nghệ sĩ đã dẫn dắt người xem hòa lòng mình để sống chung với từng nhân vật. Khi những câu “hát nam” được cất lên cũng là lúc tiếng trống chầu dồn dập, kèm theo đó là “tiền lèo” được ném lên sân khấu để thưởng cho diễn viên, đâu đó giữa biển người chật cứng như nêm có tiếng khóc thút thít của các mệ, các dì vì thương cảm cho số phận của nhân vật. Để rồi, tất cả cùng vỡ òa khi vở diễn kết thúc với tiếng vỗ tay của những khán giả.

Lần đầu được xem hát bội và đánh trống chầu ở một vùng quê miền biển, tôi cảm nhận được niềm vui của nghệ sĩ khi họ được sống với nghề, cũng như niềm vui như giải được cơn khát “đi coi hát bội” của người dân nơi đây. Gạt bỏ đi tất cả những âu lo và vất vả, hy vọng trong tương lai hát bội sẽ có nhiều đêm diễn ở các miền quê và trở lại thời hoàng kim vốn có.

Bài, ảnh: TRỌNG BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top