ClockChủ Nhật, 25/12/2016 07:41

Hát ở phòng trà

TTH - Ca sĩ phòng trà Huế hiện nay đủ lứa tuổi, thành phần, trong đó có không ít trường hợp là sinh viên. Song, những ai đứng được trên sân khấu của phòng trà Huế hẳn nhiên là người hội đủ “lửa” nghề và khả năng ca hát.

Ca sĩ Hồng Vân phiêu với “Mưa trên phố Huế”

“Lửa” đam mê

Từng qua “sách vở” ở Học viện Âm nhạc Huế, Kim Tùng là đại diện cho phong cách chuẩn của ca sĩ phòng trà Huế. Mỗi lần lên sân khấu, chàng ca sĩ sinh năm 1991 chỉ “diện” quần jean và áo sơ mi đơn giản, nhưng không ai có thể rời mắt khỏi anh bởi giọng hát trầm ấm trời cho. Kim Tùng mê nhạc xưa từ nhỏ, mỗi khi đi hát, anh vừa thể hiện bằng lời Việt vừa chuyển những ca khúc đó sang lời Pháp. Lúc Kim Tùng hát, nhiều người nhắm mắt phiêu theo lời ca. Nhiều lần, chủ phòng trà Hoàn Kiếm - Phùng Thị Mỹ Hạnh thốt lên rằng: “Kim Tùng là giọng ca đặc biệt, cái buồn của bài hát qua giọng ca Kim Tùng càng trở nên ray rứt”. Kim Tùng lại không xem đi hát là cái nghề mà anh xem đó là nơi để thỏa mãn đam mê. Có lần, ốm suốt một tháng trời không thể đến sân khấu, anh bảo đó là những ngày tháng buồn nhất cuộc đời. Với anh, đi hát là đi chơi, không hát là người thiếu sức sống và anh đã thề với chính mình, sẽ chọn ca hát làm “bạn đời”.

Nếu phòng trà Huế chuộng nhạc xưa và Kim Tùng là hình mẫu của lớp ca sĩ trẻ, thì trải nghiệm cuộc đời giúp thế hệ trung niên Huế có nhiều giọng ca tài năng. Nữ ca sĩ Hồng Vân là một ví dụ. 52 tuổi, nhưng chất giọng nữ trung, đôi khi là nữ cao của chị vẫn đi vào lòng người như thứ ma lực quyến rũ khán thính giả. Đến với nghiệp cầm ca tại phòng trà Serenade từ năm 2003 và gắn bó với phòng trà Mục Đồng từ năm 2007 đến tận bây giờ. Mỗi lần biểu diễn, chị khoác lên mình tà áo dài truyền thống, không quan tâm nhiều đến phong cách biểu diễn mà tập trung thu hút người nghe bằng chất giọng, sự luyến láy, ngọt ngào trong từng bài hát, đôi khi lột tả được sự day dứt trong từng ca từ. Sự trải nghiệm cuộc sống làm cho những ca khúc tiền chiến, nhạc trữ tình của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Dương Thiệu Tước… trở nên đắm say hơn qua lời hát của chị. Có người nghĩ, chị được đào tạo chuẩn từ Học viện Âm nhạc nhưng thực tế, quá trình mở băng đĩa nghe ca sĩ thể hiện rồi tập hát theo đã tạo cho chị có cái chất giọng ấy; có khi một ngày chị dành đến mấy tiếng để tập hát. Nhờ thế mỗi lần thể hiện những ca khúc như “Gợi giấc mơ xưa” (Lê Hoàng Long), “Đưa em tìm động hoa vàng” (Phạm Duy), “Chiều mưa biên giới” (Nguyễn Văn Đông) hay những ca khúc trữ tình Huế, nhiều khán giả phải rưng rưng.

Kim Tùng làm “con ma hát” ở phòng trà Mục Đồng

“Con ma” hát

Ngược dòng quá khứ, người yêu âm nhạc ở Huế cũng sớm được thưởng thức những món ăn tinh thần từ giai đoạn trước kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu như ca sĩ Ngọc Cẩm ở phòng trà Tam Tinh. Nữ ca sĩ người Phú Vang này từng làm say lòng khán giả trong buổi đầu hình thành các phòng trà ở Huế. Sau đó, bà cùng chồng (ca sĩ Nguyễn Hữu Thiết) tạo ra sự bùng nổ trên sân khấu Sài Gòn đầu thập niên 1950 – giai đoạn mà các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn còn thịnh hành kiểu hát phụ diễn (hát trước giờ chiếu phim).

Trải qua năm tháng, những giọng ca như Thanh Thúy, Hà Thanh, Quang Linh, Vân Khánh... đã để lại trong lòng người yêu âm nhạc bằng cái chất thực sự. Điển hình như danh ca Hà Thanh, nghiệp ca hát của cố nữ ca sĩ đã lùi sâu vào quá khứ nhưng trong lòng những người yêu âm nhạc Huế, tiếng hát ấy mãi bất tử.

Xưa cũng như nay, những ca sĩ đứng trên sân khấu phòng trà Huế ngoài cái duyên sân khấu đều có chất giọng tuyệt vời. Cũng bởi “thượng đế” của những phòng trà Huế là khán giả khó tính, đòi hỏi chất lượng âm nhạc cao, do vậy người cầm ca đều nỗ lực tập luyện và hơn cả là bền bỉ với niềm đam mê. Thông tin hát hai bài 100.000 đồng/đêm/ca sĩ khiến nhiều người giật mình nhưng đó là sự thật, thậm chí nhiều phòng trà phân công “lịch làm việc” cho họ chỉ 3 buổi/tuần. Đây là minh chứng rõ ràng cho lời “thú tội” của các ca sĩ theo đuổi nghiệp cầm ca vì mình là “con ma” hát. Hầu như ca sĩ nào khi được hỏi cũng trả lời đã từng hát không nhận cát-sê và hạnh phúc vì điều đó. Với họ, được đứng trên sân khấu hát là hạnh phúc, cẩu thả trong lời ca là làm tổn thương người hâm mộ và sẽ hát đến lúc nào không còn sức nữa thì thôi.

Bài, ảnh: MINH TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Return to top