ClockThứ Năm, 09/03/2017 09:25

Hậu 8/3 kể chuyện “tem phiếu”

TTH - Hôm rồi có chú bảo tôi kể chú nghe chuyện tôi và ba mua hoa tặng mẹ mập, rồi tả cho chú cái nhìn đầy ngỡ ngàng của mẹ. Tôi dạ dạ mà mắc cười quá chừng. Ba và tôi có làm thế bao giờ đâu nên mẹ khó mà ngỡ ngàng được…

Với người Huế, 8/3 cũng như ngày tình nhân, tình bạn nên mua hoa nhiều thiệt nhiều

1 - Cái đồng hồ nhà này kỳ thật. Mới hôm qua còn tích tắc bảo sắp có táo quân, mà thoắt một cái đã quay được mấy nghìn vòng báo cuối xuân đầu hạ. Lễ lượt xếp hàng dài ngút mắt. “Anh” tình nhân vừa qua là “chị” phụ nữ gọi báo liền như sợ quên mất. Tôi chẳng quên, không phải vì ngóng được tặng quà hay đó là một ngày trọng đại, chỉ là hôm đó tôi đi bán sự “đặc biệt” cho mọi người.

Cái hồi còn học trung học cơ sở chưa kiếm được tiền, lại quá sớm để có một bó hoa cho riêng mình, tôi đã ngóng đợi tới mấy cái lễ như này quá chừng vì sẽ được lũ “trai trẻ” trong lớp mua hoa về tặng. Mang tiếng là tặng chứ thật tình là bọn con gái lũ lượt xếp hàng như đợi phát tem phiếu, ngang mình thì lên nhận. Nghĩ lại có chút kỳ cục và mong mau qua, nhưng hồi đó 8/3 luôn vui và ý nghĩa nhất. Lớn hơn chút nữa thì chuyển vào lớp xã hội, nhìn đâu đâu cũng thấy tóc dài thắt bím. Hoa hòe quà cáp từ đó cũng ít hẳn. Cái giây phút thấy “con nhà người ta” lên nhận “tem phiếu” mà lòng buồn rười rượi. Bất giác hối hận vì kỳ trước học dở mấy môn tính toán quá chừng. Càng lớn, nam sinh trong trường càng ít. Hy vọng cứ nhỏ lại hoài, rồi biến mất.

Từ 2 năm trước, tôi đã thôi không ngóng trông nữa mà cùng bạn bàn nhau bán “tem phiếu” cho mọi người. Tôi thích “tem phiếu”, nhưng có lẽ thích tiếng đếm tiền xẹc xẹc hơn. “Tem phiếu” của tôi khác, không phải hoa mà xài lâu hơn hẳn. Sáng, cả lũ kéo nhau vào hang cùng ngõ hẻm, tìm cho được mấy nhà đầu mối bỏ giấy bìa để mua về làm thiệp. Nó khó hơn lựa hoa tại chợ đầu mối nhiều. Do hoa thì tập trung một chỗ, nhưng bìa đẹp lại ở những nơi xa nhau đến cả vài cây số. Tôi là cái đứa mau nản nên đi một lúc lại muốn lui về bán hoa như họ bày đầy đường. Mà nghĩ tới cảnh trên 100m toàn hồng, lan, thủy tiên, hoa giấy… thì một quán handmade thiệp đầy màu sắc cũng hay hay nên lại bước tiếp. Nhóm tôi 5 đứa, cùng là con gái hết mà duy chỉ mỗi mình là không làm được mấy loại 3D, 4D như tụi bạn. Nhìn nó cắt cắt, xén xén mấy đường là tờ giấy mỏng tang tự nhiên nổi chữ loạn xạ liền thích lắm mà tuyệt nhiên không xấu hổ do mặc định “tụi nó có đến 9, 10 hoa tay, mình tìm mờ mắt có 3 cái thì không làm được cũng là lẽ thường”. Với lại mồm miệng tôi cũng đôi chút lanh lợi nên biết dù mình không làm ra thành phẩm, nhưng khâu quan trọng nhất là tìm cách bán đi thì mình nắm trọn. Ngặt nỗi gánh hàng dọn ra có 3 ngày mà 2 hôm ế. Tài năng PR của mình chẳng phát huy được nên rầu rĩ vô độ.

Tính ra cái cuộc buôn bán này cũng gian nan ghê lắm, thử thách, khó khăn đủ cả. Những tưởng cứ thấy lạ, lại rẻ là khách đổ vào nườm nượp nhưng sai bét. Mấy lễ này tặng hoa còn còn xem được chứ đến rón rén chìa nhau chiếc thiệp bé tí hin thì dù có đẹp cũng trông “ki bo” sao chịu nổi. Tôi hiểu được liền nên liên minh với mấy hàng bên cạnh, thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên chúng tôi bán hết sạch. Chợt ngẫm, cũng không phải hên lắm đâu, mà do “Huế” ngại, Huế chẳng chúc miệng bao giờ. Mấy lời đường mật ghi ra là hay hơn hết. Điều này được minh chứng nhiều quá chừng. Mấy anh khách Huế lãng mạn lắm. 8/3 với mấy anh cũng như tình nhân, tình bạn nên mua hoa nhiều thiệt nhiều mà nói gì cũng ngại “thôi dị lẳm, dị lẳm”. Tôi không đáp lại mà chìa thiệp ra. Mấy cậu ngó bộ đoán đúng ý nên gật đầu lia lịa. Vậy mới nói. Có phải cứ nói nhiều là hay đâu.

Ngày 8/3 cũng là dịp “trai độc thân” mua hoa bày tỏ lời muốn nói

2 - À, lại cái chuyện lãng mạn mới nhớ “anh già” nhà mình. Từ hồi tôi nhận thức được chuyện tình cảm là chẳng thấy anh nói ngọt với vợ của “ảnh” bao giờ. Có vài lần thấy “ảnh” có đem hoa về mà lâu quá nên chẳng nhớ là dịp nào, mà chắc không phải lễ lượt gì rồi do mẹ bảo cưới xong ba mi “đơ đệt”. Bữa nay tình hình khá khẩm hơn chút. Ba có mua nhưng chỉ tết là thấy đem về nên mấy năm nay luôn có chùm lau khô trắng một góc nhà. Hôm rồi có chú bảo tôi kể chú nghe chuyện tôi và ba mua hoa tặng mẹ mập, rồi tả cho chú cái nhìn đầy ngỡ ngàng của mẹ. Tôi dạ dạ mà mắc cười quá chừng. “Anh già” và tôi có làm thế bao giờ đâu nên mẹ khó mà ngỡ ngàng được. Họa chăng chỉ ngỡ ngàng lúc mẹ về sớm mà thấy ba nằm chèo khoeo ở nhà chứ không xuất hiện ở quán xá vỉa hè. Chợt tôi thấy may mắn quá chứ buôn bán mà gặp “cành lau khô” này, là chết dở.

8/3 của tôi năm đó là thế, giờ thì quá bận cho kỳ tốt nghiệp nên chắc đành dạo đường ngắm người ta mua và trao nhau những điều đặc biệt. Tôi không rõ là nếu mong năm nay chàng trai kia bớt e thẹn đi thì có đúng không. Nhưng nhìn Huế hơi ngại một chút, một chút thôi cũng hay ho ghê lắm. Còn ba của mình năm nay có tiến bộ gì không thì cũng kệ. Miễn là từ giờ, ba năng nổ về sớm ở nhà, thì ngày nào mẹ cũng ngỡ ngàng hết thảy. Rồi ngày nào cũng là 8/3.

Bài: HANI - Ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ghi nhận sự đóng góp của những nữ trí thức

Chiều 8/3, Hội Nữ trí thức tỉnh và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức gặp mặt, giao lưu nữ trí thức. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Nguyễn Thanh Bình và đại diện một số lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh cùng 100 nữ trí thức thuộc các lĩnh vực và 14 nữ trí thức tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt.

Ghi nhận sự đóng góp của những nữ trí thức
Phát huy vai trò phụ nữ xây dựng môi trường đậm đà bản sắc văn hóa Huế

Sáng 2/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Chương trình gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Tham dự buổi gặp mặt có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ, lãnh đạo một số ban, ngành tỉnh và hơn một ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh.

Phát huy vai trò phụ nữ xây dựng môi trường đậm đà bản sắc văn hóa Huế
Cổ ngọc kể chuyện trăm năm

Những món cổ ngọc quý hiếm được chế tác điêu luyện nằm trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu đến công chúng khiến mọi người ngỡ ngàng, thích thú. Nhiều món đồ trong số đó, theo lời của chủ nhân, được thừa hưởng lại từ gia đình, một phần được ông cất công sưu tập từ hàng chục năm theo đuổi niềm đam mê cổ vật.

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm
Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật

Một ruộng lúa được gieo trên cánh đồng kể lại câu chuyện lịch sử, sự hàn gắn nỗi đau quá khứ và nhắc nhở người trẻ về sự quan trọng của lương thực trong đời sống hiện đại. Quá trình từ khi gieo sạ cho đến thu gặt đã được các nghệ sĩ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bằng video art trên nền âm nhạc đồng quê.

Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật
Return to top