ClockThứ Tư, 04/07/2018 10:09

Hãy để con học môn con yêu thích

TTH - Hồi đầu năm học, con gái kể chuyện trong lớp có bạn T. học rất giỏi môn văn. T. luôn hào hứng phát biểu trong giờ học văn và điểm văn khi nào cũng cao nhất lớp.

Con gái nói, con rất nể T. vì T. là con trai mà lại học giỏi văn. Trong suy nghĩ của cô con gái tôi, con trai thường giỏi các môn học tự nhiên chứ giỏi văn thì thuộc… hàng hiếm.

Giữa năm học, nhà trường tổ chức tuyển chọn đầu vào cho đội tuyển học sinh giỏi văn lớp 6. Trong lớp có hai bạn được chọn dự thi vào đội tuyển là T. và con gái tôi. Hẳn cũng như con tôi, T. rất hào hứng với việc dự thi để được chọn vào đội tuyển văn của trường. Nhưng thật bất ngờ, ngày dự thi, T. không có mặt. Sau này qua lời kể của một người bạn hay đến chơi nhà T., con gái tôi mới biết, ba mẹ mắng T. rất dữ và nhất định không cho T. thi vào đội tuyển văn. T. buồn nhưng phải nghe theo lời ba mẹ.

Sang học kỳ II, T. học văn sút hẳn, không còn hào hứng phát biểu trong giờ học như trước. Thay vào đó, cậu bé tập trung nhiều hơn vào các môn học tự nhiên như toán, lý, dù những môn này T. học không giỏi. Nghe con kể, tôi thấy thật tiếc cho T. Nếu tôi là ba mẹ của cậu bé, tôi sẽ để con được học môn con yêu thích, đồng thời hướng con tập trung thêm vào những môn học tự nhiên, chỉ hướng thôi chứ không ép buộc. Bởi dù ba mẹ có hướng và muốn con mình theo học những môn tự nhiên nhưng con có thích và có sở trường với môn học đó hay không lại là một chuyện khác. Hơn nữa, ba mẹ cũng không nên bắt buộc con phải học những môn mà… ba mẹ thích, bởi nếu phải học môn con không thích thì con sẽ không cảm thấy hứng thú với môn học đó, kết quả học tập vì thế sẽ không cao.

Thực tế cho thấy, nhiều người con trai học giỏi văn sau khi ra trường có thể tìm được những công việc rất thú vị như nghề báo, biên kịch điện ảnh, truyền hình, biên tập viên tại các nhà xuất bản, giảng viên đại học,… và nhiều nghề khác nữa chứ không phải nhất nhất học văn ra là chỉ làm mỗi nghề nhà văn - một nghề mà trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh là… ít tiền, nhiều mơ mộng hão huyền và không phù hợp với con trai chút nào.

Tôi lại nghĩ khác. Với trẻ đang ở những năm đầu cấp trung học các em vẫn chưa định hình một cách chắc chắn sau này mình sẽ theo học môn gì và làm nghề gì. Nhiều phụ huynh kháo chuyện, con mình cứ thấy môn nào điểm cao là tự nhiên… thích môn đó. Con gái tôi cũng có giai đoạn như vậy, có lúc đạt điểm môn sinh học cao nhất lớp thế là thích môn sinh ghê gớm; đến lúc môn toán điểm cao, con lại bảo thích môn toán! Có lẽ nhiều học sinh ở độ tuổi này cũng có tâm lý đó. Tất nhiên điều này không có nghĩa là bạn T. cùng lớp với con gái tôi cũng thích môn văn theo kiểu như vậy, nhưng nói điều này để thấy rằng, tâm lý và sự định hình môn học yêu thích ở độ tuổi này vẫn chưa ổn định. Do đó, ba mẹ không nên quá vội vàng ép buộc con cái phải học môn gì. Hãy để con tự do phát triển năng lực và sở trường vốn có. Việc định hình theo học môn tự nhiên hay xã hội nào để sau này theo trường đại học nào sẽ nằm ở những năm cuối bậc trung học cơ sở trở lên và thậm chí là khi đã vào trung học phổ thông.

Đã có nhiều câu chuyện không vui từ sự ép buộc cứng nhắc của ba mẹ khiến nhiều em học sinh phải thi vào đại học mà… ba mẹ muốn chứ không phải là trường đại học phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Kết quả thi tất nhiên sẽ không cao, bởi các em phải thi vào trường đại học mình không thích và sau đó ra trường phải làm việc các em không đam mê nên khó có thể thành công trong sự nghiệp.

Hãy để con được lựa chọn, được học những môn học phù hợp với năng lực, sở thích của con. Đây chính là yếu tố quan trọng đầu tiên để sau này, con chọn đúng ngành học hợp với mình nhất và điều này cũng có nghĩa, các em sẽ được làm những công việc mà mình yêu thích sau khi ra trường. Làm việc mà có yêu thích và đam mê thì chắc chắn tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.

Nhưng khoan nói chuyện việc làm, bởi với các em học sinh lớp 6, 7 chuyện này còn quá xa vời. Trước mắt, hãy để những ngày đến trường sẽ là những ngày thật vui khi con được sống hết mình với những môn học mà con thích, dù là môn tự nhiên hay xã hội.

Thanh Vân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Con gái có nên học nuôi trồng thủy sản?

Với sự phát triển của nông nghiệp và thủy sản, việc học và làm việc thủy sản không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn mà còn mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, khi xem xét từ góc độ của phụ nữ, công việc này đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt và có thể khác biệt so với nam giới. Hãy cùng khám phá chi tiết về ngành nghề này đối với phụ nữ trong bài viết dưới đây.

Con gái có nên học nuôi trồng thủy sản
Cô nữ sinh miền quê và giải nhất môn văn cấp tỉnh

Trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh năm học 2023 – 2024, nữ sinh Đặng Ty Gôn, lớp 12 B9, Trường THPT Phan Đăng Lưu đạt điểm số 17/20, giành giải Nhất môn Ngữ văn. Đây là quả ngọt cho quá trình đam mê, tâm huyết đối với văn chương của cô nữ sinh này.

Cô nữ sinh miền quê và giải nhất môn văn cấp tỉnh
Cổ ngọc kể chuyện trăm năm

Những món cổ ngọc quý hiếm được chế tác điêu luyện nằm trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu đến công chúng khiến mọi người ngỡ ngàng, thích thú. Nhiều món đồ trong số đó, theo lời của chủ nhân, được thừa hưởng lại từ gia đình, một phần được ông cất công sưu tập từ hàng chục năm theo đuổi niềm đam mê cổ vật.

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm
Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật

Một ruộng lúa được gieo trên cánh đồng kể lại câu chuyện lịch sử, sự hàn gắn nỗi đau quá khứ và nhắc nhở người trẻ về sự quan trọng của lương thực trong đời sống hiện đại. Quá trình từ khi gieo sạ cho đến thu gặt đã được các nghệ sĩ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bằng video art trên nền âm nhạc đồng quê.

Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật
Return to top